Vụ PK Phương Nam ở Cà Mau: Có dấu hiệu lạm dụng chính sách BHYT

Chiều 26-5, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức họp báo thường kỳ cung cấp thông tin về bảo hiểm y tế (BHYT), trong đó nội dung chính tập trung vào vấn đề trục lợi BHYT mà gần đây báo chí đã nêu.

Có biểu hiện trục lợi

Liên quan đến việc Phòng khám đa khoa Phương Nam (PK Phương Nam) ở Cà Mau khuyến mãi thu hút lượng người đến khám BHYT, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT - BHXH Việt Nam, cho biết quan điểm của Nhà nước cần tạo một cơ chế bình đẳng giữa y tế công và tư trong việc thực hiện chính sách y tế và BHYT, tạo điều kiện cho cơ sở y tế tư tham gia khám, chữa bệnh BHYT. Qua đó tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho người bệnh.

BHXH Việt Nam cho rằng sự việc của PK Phương Nam có mặt tích cực nhưng cũng có một số biểu hiện có tính chất lạm dụng. Cụ thể qua kiểm tra cho thấy lưu lượng khám bệnh tăng bất thường, một ngày khám trên dưới 2.000 lượt, tỉ lệ sử dụng dịch vụ kỹ thuật (nội soi tai mũi họng, siêu âm tổng quát, siêu âm tim và dịch vụ răng hàm mặt…) khá dễ dãi.

Theo ông Sơn, qua báo cáo nhanh của tổ công tác, lãnh đạo BHXH đã chỉ đạo chưa thực hiện quyết toán quý I-2016 đối với PK Phương Nam. “Tuy mới chỉ là đề nghị nhưng tổ công tác đã phát hiện sai sót. Luật BHYT và thông tư hướng dẫn có quy định về việc khám, chữa bệnh ở vùng giáp ranh. Sở Y tế ba tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu có văn bản thống nhất xác định các cơ sở khám, chữa bệnh được coi là giáp ranh. PK Phương Nam không nằm trong danh sách được công nhận là vùng giáp ranh nên chúng tôi đề nghị kiểm tra kỹ, không đưa vào danh sách quyết toán những phần chi phí của bệnh nhân ở Bạc Liêu nhưng lại thanh toán ở Cà Mau” - ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng cho biết BHXH Việt Nam đã lấy dữ liệu khám, chữa bệnh quý I-2016 và quý IV-2015 của phòng khám này để rà soát, thống kê, trên cơ sở đó có kết luận báo cáo lãnh đạo ngành.

Bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại PK Phương Nam (Cà Mau) tăng đột biến từ sau khi chính sách thông tuyến BHYT được áp dụng. Ảnh: TRẦN VŨ

Thông tuyến BHYT còn nhiều bất cập

Theo ông Phạm Lương Sơn, cùng việc thực hiện chính sách thông tuyến khám, chữa bệnh và điều chỉnh giá dịch vụ y tế đã xuất hiện những bất cập, trong đó có tình trạng lạm dụng quỹ BHYT.

Lạm dụng thể hiện ở chỗ cơ sở khám, chữa bệnh khuyến khích người bệnh thông tuyến từ những nơi khác đến mà không phải là nơi đăng ký khám, chữa bệnh lần đầu. “Nếu nhận bệnh nhân từ nơi khác chuyển đến không cần phải đăng ký khám, chữa bệnh lần đầu ở cơ sở của mình thì chi phí được thanh toán rộng rãi hơn, việc kiểm soát lại chủ yếu là hậu kiểm. Để xác định rõ có hay không việc lạm dụng quỹ BHYT cần có thời gian. Do vậy, nhiều cơ sở khám, chữa bệnh đã tận dụng để tăng tần suất, lưu lượng người khám, chữa bệnh từ nơi khác chuyển đến” - ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, do thông tuyến, một số cơ sở khám, chữa bệnh ở tuyến quận, huyện ở các TP lớn đã có sự gia tăng đột biến lượng người đến khám, có nơi tăng đến 44%. Đặc biệt xuất hiện tình trạng có nhiều người đi khám bệnh ở nhiều nơi, tại cùng một thời điểm trong ngày.

Xung quanh việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, có khá nhiều cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân chủ yếu đã lách làm sao để được thụ hưởng giá tốt nhất, dù là giá khám, chữa bệnh hay giá ngày giường, giá tiền dịch vụ y tế…

Sớm vận hành hệ thống giám định BHYT

Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, đánh giá thông tuyến là chủ trương tốt và theo lộ trình, đến năm 2021 sẽ thực hiện thông tuyến trên toàn quốc. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt và chống trục lợi sẽ làm hỏng chính sách tốt này. “Phải có giải pháp liên thông, kết nối cơ sở dữ liệu khám, chữa bệnh để các cơ sở biết được những ngày trước đó tình hình sức khỏe của người bệnh, tình hình khám, chữa bệnh và đặc biệt là tình hình xét nghiệm, sử dụng thuốc thế nào… Nhưng chúng ta chưa làm ngay được việc này” - ông Thảo nói.

Để chuẩn bị cho việc thông tuyến, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang tích cực xây dựng hệ thống thông tin giám định BHYT. Một trong những tiện ích của hệ thống này là có thể kiểm soát được lịch sử khám, chữa bệnh của người bệnh, qua đó sẽ phát hiện được các trường hợp bất hợp lý.

“Cũng trong ngày 26-5, chúng tôi đã tổ chức lớp tập huấn đầu tiên. Hy vọng hệ thống này sẽ được vận hành vào đúng thời điểm Thủ tướng quy định là trước ngày 30-6. Nếu hệ thống vận hành trơn tru sẽ kiểm soát được tình trạng lạm dụng” - ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT-BHXH Việt Nam, tin tưởng.

Bốn tháng đầu năm 2016, ngành BHXH đã thanh toán cho hơn 44 triệu lượt khám, chữa bệnh, tăng khoảng 2,8 triệu lượt so với cùng kỳ của năm ngoái với số chi gần 20.000 tỉ đồng. Ngoài ra, trong bốn tháng, số người tham gia BHYT tăng thêm 1,2%, số lượt khám, chữa bệnh tăng thêm 5%. Con số 5% này chắc chắn có cả phần tích cực và phần không bình thường. Chúng tôi đang phân tích dữ liệu của từng tỉnh và từng cơ sở khám, chữa bệnh có số lượng tăng bất thường.

Ông NGUYỄN MINH THẢO,
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm