Vụ sập cầu treo: Ốc neo quá thô sơ

LTS: Vụ sập cầu tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu khi đưa đám tang làm tám người chết gây xôn xao dư luận. Nhiều nguyên nhân được đưa ra nhưng đang chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng. GS-TS Nguyễn Đăng Hưng - một chuyên gia nổi tiếng ngành cơ học có ý kiến về việc này.

Hiện cơ quan chức năng đang tập trung làm rõ nguyên nhân vụ sập cầu treo tại bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, Lai Châu. Cơ quan chức năng đang tập trung vào bộ phận tăng-đơ của cáp treo và nghi ngờ nó là nguyên nhân gây sập cầu.

Trước hết, cầu sập có liên quan đến tải trọng. Bởi tai nạn xảy ra khi toàn bộ đoàn người đã bước vào cầu, bộ phận đi đầu của đám ma đến đỉnh cao nhất của cầu. Chính lúc này là lúc tải trọng đạt đến giá trị cao nhất. Điều này không có nghĩa là cầu bị quá tải, đã vượt qua khả năng thiết kế vì cấu trúc cầu, đặc biệt các dây cáp có thể chịu đựng đến 79 tấn trong khi tổng trọng lượng của đoàn người chỉ khoảng 2,5 tấn. Trường hợp này loại trừ các lý do khác thường có thể xảy ra cho những sự cố tương tự là: Cộng hưởng vì độ rung, mất ổn định hình học vì đoàn người đi bình thường, cấu trúc cầu không bị biến dạng. Cầu chỉ bị nghiêng, hắt đoàn người xuống sông vì dây cáp một bên bị sút.

Vậy đâu là thủ phạm của việc sút dây cáp? Nhìn vào ốc neo bị đứt có thể thấy kỹ thuật làm ốc treo quá thô sơ, không có sự đồng bộ giữa dây cáp và ốc treo, lực kéo từ dây cáp sẽ không thể chuyển hết qua ốc treo khi đạt một giới hạn. Hôm nay chúng ta biết giới hạn đó: Trọng lượng của đoàn người (trên dưới 2,5 tấn) cộng thêm trọng lượng của cấu trúc tấm chịu uốn dưới chân người đi.

 
Ốc neo, sản phẩm thủ công của cây cầu bị đứt. Ảnh: DÂN TRÍ

Quan sát hình chụp ốc neo, có thể thấy đây là sản phẩm thủ công kém chất lượng. Lỗ tròn được thực hiện rất thô sơ, thiết diện tròn bị méo mó. Bề dày của lỗ tròn chất chứa nhiều rãnh, nếp nhăn gồ ghề, chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn cho sự đổ vỡ theo cơ học phá hủy. Những vết rãnh này chính là những vết nứt tự tạo ban đầu khiến sức chịu đựng của ốc neo giảm thiểu nghiêm trọng.

GS Nguyễn Đình Cống - nguyên giảng viên Trường ĐH Xây dựng đã có nghi ngờ chính đáng về kỹ thuật dùng que hàn thổi để tạo lỗ. Khoa học cơ học phá hủy (Fracture Mechanics) chỉ rõ là kỹ thuật hàn có thể làm thay đổi bản chất của thép khiến nó giòn đi, độ dẻo của thép giảm thiểu nghiêm trọng. Nhìn kỹ sẽ thấy mặt gãy của ốc neo thẳng góc với hướng lực chuyển tải từ dây cáp. Đây chính là bằng chứng không thể chối cãi: Ốc treo đã gãy đổ vì tính giòn!

Từ đó có thể thấy kỹ thuật làm ốc neo quá thô sơ, chất chứa nhiều yếu tố biến thép dẻo thành giòn và ốc neo sẽ bị gãy đứt theo tiên đoán của ngành cơ học phá hủy.

Vấn đề đặt ra là cơ sở nào đã gánh vác việc thi công, cơ sở nào đã thực hiện ốc neo này? Và tại sao một công trình có vốn đầu tư lớn lại giao cho một cơ sở thủ công thực hiện bộ phận trọng yếu của cầu treo như vậy? Cơ quan thẩm định hậu kiểm ở đâu?

GS-TS NGUYỄN ĐĂNG HƯNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm