Mới đây, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã kí quyết định đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND TP Tam Kỳ và TAND tỉnh Quảng Nam liên quan đến vụ kiện của ngư dân Trần Văn Liên, giao hồ sơ cho tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại. Đồng thời, tạm đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.
Con tàu hơn 16 tỉ đồng nằm bờ nhiều năm qua đã khiến cho gia đình ông Liên rơi vào điêu đứng.
Đây là vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hệ thống máy đẩy thủy và hợp đồng dịch vụ đóng tàu giữa ông Trần Văn Liên (SN 1966, trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) với công ty CP Tập đoàn Liên Á (trụ sở Hà Nội) và Công ty CP đóng tàu Bảo Duy (trụ sở Đà Nẵng).
Trước đó, tại phiên xét xử sơ thẩm ngày 30-8-2017, TAND TP Tam Kỳ đã tuyên buộc Công ty Bảo Duy phải bồi thường cho ông Liên 2,8 tỉ đồng. Tuy nhiên, tại phiên xử phúc thẩm ngày 30-1-2018, TAND tỉnh Quảng Nam lại tuyên buộc Công ty CP tập đoàn Liên Á phải hoàn trả cho ông Liên gần 1,6 tỉ đồng.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ, VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng nhận thấy một số điểm như sau.
Thứ nhất, VKS cho rằng căn cứ vào Điều 39 và 40 của Luật tố tụng dân sự 2015 thì việc TAND TP Tam Kỳ (Quảng Nam) thụ lý vụ tranh chấp trên là không đúng thẩm quyền.
Quá trình xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm lấy kết luận của Vinacontrol và Tòa án phúc thẩm lấy kết luận của ISCO là căn cứ để giải quyết vụ án là chưa đảm bảo tính khách quan, chính xác. Cả ISCO và Vinacontrol đều là tổ chức kinh tế có chuyên môn giám định nhưng lại có kết luận khác nhau. Do đó cần phải tiếp tục thu thập thêm chứng cứ khác để đưa ra kết luận chính xác nhất về nguyên nhân tổn thất.
Ngư dân Trần Văn Liên sau phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 30-8. Ảnh: HT
Thứ hai, tại khoản 2, Điều 6 của Hợp đồng mua bán giữa ông Liên và công ty Liên Á có nêu: “Sau khi hoàn thiện việc chạy thử, vận hành và bàn giao thiết bị cho chủ tàu, bên A và bên B cùng ký vào biên bản nghiệm thu với sự làm chứng của nhà máy đóng tàu”.
Như vậy, việc ông Liên và Công ty Bảo Duy điều tàu từ nhà máy đến cầu Mân Quang để chạy thử đường dài mà không có cán bộ kỹ thuật của Công ty Liên Á tham gia hỗ trợ, kịp thời khắc phục sự cố dẫn đến hậu quả trên có phần lỗi do chủ tàu và Công ty Bảo Duy.
“Công ty Bảo Duy chỉ là bên đóng tàu (chịu trách nhiệm vỏ và thân tàu), còn máy là do Công ty Liên Á (người chịu trách nhiệm vận hành máy). Do đó khi quyết định chạy thử đường dài buộc phải có sự có mặt của Công ty Liên Á để kiểm tra trước khi chạy thử cũng như khắc phục sự cố trong quá trình chạy thử mới đúng. Trong khi đó, máy tàu chưa được nghiệm thu nhưng Công ty Bảo Duy và ông Liên đã tự vận hành máy để chạy thử đường dài khi không có kỹ thuật của công ty Liên Á là sai quy trình mà các bên đã thỏa thuận với nhau.
Trong trường hợp này, dù có cơ sở khẳng định là máy hỏng do lỗi chế tạo thì Công ty Bảo Duy (nếu tự ý vận hành) hoặc ông Liên (nếu đồng ý cho Công ty Bảo Duy vận hành) cũng có một phần lỗi để xảy ra thiệt hại. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng lỗi hoàn toàn thuộc về Công ty Liên Á là chưa đánh giá khách quan, toàn diện vụ án” – VKSND cấp cao nhận định.
Cuối cùng, VKS cũng cho rằng bản án sơ thẩm buộc công ty Bảo Duy chịu toàn bộ thiệt hại cũng không có cơ sở vì chưa làm rõ nguyên nhân hỏng máy, chưa làm rõ việc Công ty Bảo Duy cho tàu chạy có được sự đồng ý của ông Liên hay không.
Trước đó, Công ty đóng tàu khai đã được ông Liên đồng ý rồi mới cho chạy thử tàu. Tuy nhiên, ông Liên lại nhiều lần khai rằng ông đã yêu cầu phải có mặt nhân viên kỹ thuật công ty Liên Á mới được chạy thử nhưng công ty này không đáp ứng đúng yêu cầu.
Như Pháp luật TP.HCM thông tin trước đó, ông Trần Văn Liên (chủ tàu sắt Qna- 94679TS thuộc Nghị định 67) đã có đơn khởi kiện hai doanh nghiệp là Công ty Liên Á và Công ty CP đóng tàu Bảo Duy, yêu cầu bồi thường do tàu vỏ thép bị hỏng. Theo đó, con tàu vỏ thép trị giá hơn 17 tỉ đồng của ông dù chưa ra khơi lần nào nhưng phần máy đã bị hỏng, không thể hoạt động.
Việc con tàu tiền tỉ “đắp chiếu” do hỏng máy trong thời gian dài đã khiến gia đình ông Liên rơi vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất.