Vụ 'thông thầu' tại BV Sản - Nhi Quảng Ninh: Nhiều bị cáo thừa nhận sai phạm

(PLO)- Trong khi lãnh đạo các công ty “quân xanh” nói rằng Nguyễn Thị Thu Phương là người đằng sau, chỉ đạo việc lập hồ sơ dự thầu cho các công ty thì bị cáo này một mực phủ nhận vai trò của mình.

Ngày 23-10, TAND tỉnh Quảng Ninh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (Công ty AIC) và các đơn vị có liên quan.

Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong ba ngày, từ ngày 23 đến 25-10. 16 bị cáo bị đưa ra xét xử nhưng chỉ 12 bị cáo có mặt tại phiên tòa.

Trong đó, 10 bị cáo thuộc nhóm Công ty AIC, một bị cáo thuộc công ty thẩm định giá, ba bị cáo thuộc Ban quản lý dự án và Sở Y tế bị truy tố về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Hai bị cáo thuộc Ban quản lý dự án và Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Làm tổng giám đốc giùm, “cứ đưa giấy tờ là ký”

Bị cáo Nguyễn Anh Dũng (70 tuổi, anh của bị cáo Nhàn) từng là tổng giám đốc Công ty Phúc Hưng. Công ty Phúc Hưng được xem là “quân xanh” trong chiêu bài “thông thầu” mà bà Nhàn sử dụng để trúng sáu dự án cung cấp trang thiết bị tại BV Sản - Nhi Quảng Ninh.

Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: NGỌC SƠN

Bị cáo Dũng khai trước tòa rằng được em gái nhờ đứng tên tổng giám đốc nên mọi vấn đề liên quan đến công ty bị cáo đều không biết gì. Các giấy tờ, tài liệu liên quan, bị cáo Dũng được bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương, trưởng bộ phận thư ký tài chính Công ty AIC đồng thời là kế toán trưởng Công ty Phúc Hưng, đưa cho ký.

“Mọi việc ở công ty do Phương điều hành. Bị cáo không biết nhiều về pháp luật, đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết việc mình làm rất nghiêm trọng. Bị cáo đồng ý với cáo trạng. Bị cáo đã thấy sai và rất hối hận” - bị cáo Dũng nói. Lời khai của bị cáo Dũng phù hợp với cáo buộc của VKS.

Theo cáo trạng, khoảng đầu tháng 1-2014, Phương đưa hồ sơ dự thầu, gồm các tài liệu: Đơn dự thầu, thỏa thuận liên danh, giấy giới thiệu, danh sách nhân sự, báo cáo tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật, kê khai năng lực kinh nghiệm, hồ sơ bảo lãnh dự thầu ngân hàng cho Dũng ký để tham gia làm “quân xanh”.

Xét xử vắng mặt bốn bị cáo đang bỏ trốn

Bốn bị cáo gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu chủ tịch AIC), Nguyễn Hồng Sơn (cựu phó tổng giám đốc Công ty AIC), Trương Thị Xuân Loan (cựu trưởng Ban quản lý dự án 3 Công ty AIC), Nguyễn Thị Tích (cựu trưởng phòng Hồ sơ pháp chế của Công ty AIC kiêm tổng giám đốc Công ty Mopha) bỏ trốn, chưa ra đầu thú, bị xét xử vắng mặt. Tòa chỉ định luật sư bào chữa cho bốn bị cáo này.

Theo tòa, vụ việc sai phạm này đã xảy ra từ 10 năm trước; căn cứ kết quả điều tra có đủ cơ sở để xét xử đối với các bị cáo vắng mặt. Việc bị cáo không có mặt không thay đổi bản chất vụ án.

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, theo VKS, có căn cứ xác định Dũng đã thực hiện hành vi thông thầu thông qua việc làm “quân xanh”. Hành vi này giúp Công ty AIC trúng năm gói thầu, tổng giá trị hơn 147 tỉ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 24 tỉ đồng.

Cựu kế toán trưởng khai “bị ép chỉnh sửa số liệu”

Theo cáo trạng, Đỗ Văn Sơn, cựu kế toán trưởng Công ty AIC, đã điều chỉnh số liệu báo cáo tài chính các năm 2010, 2011, 2012, 2013 để công ty đủ năng lực tài chính tham gia dự thầu. Sau đó, Sơn cung cấp số liệu và chỉ đạo nhân viên kế toán điều chỉnh báo cáo tài chính trong bốn năm này để làm tăng hệ số thanh toán nợ ngắn hạn và tăng vốn chủ sở hữu (so với các báo cáo tài chính đã nộp tại Cục Thuế TP Hà Nội).

Sơn ký bốn báo cáo tài chính đã chỉnh sửa và trình Nhàn ký xác nhận. Sau đó, các báo cáo tài chính này được cung cấp cho Công ty Kiểm toán KTV để xác nhận kiểm toán rồi đưa vào hồ sơ dự thầu để AIC đủ điều kiện tham gia và trúng ba gói thầu số 01, 02, 05 của dự án tại BV Sản - Nhi Quảng Ninh.

Cựu kế toán trưởng Công ty AIC nói rằng không được hưởng lợi bất cứ thứ gì về việc làm sai này. Khi được hỏi về quá trình trốn ra nước ngoài, Sơn khai năm 2020 đã xin nghỉ ở Công ty AIC.

Đến tháng 4-2022, Sơn nhận được điện thoại của bà Nhàn nói rằng công ty không kinh doanh công việc như trước nữa, mà chuyển sang làm mô hình TP thông minh. Bà Nhàn nói với Sơn, nếu muốn làm công việc mới này thì phải đi Dubai học tập.

“Khi sang đến Dubai, bị cáo được đưa về một căn phòng thuê, bị thu điện thoại. Bị cáo sang đó mới phát hiện không như những gì chị Nhàn nói về việc đi học. Đến ngày 22-6-2023, bị cáo về nước đầu thú” - cựu kế toán trưởng AIC khai.

Tại phiên tòa, bị cáo Sơn nói nhận thức được việc mình làm là sai. Sơn cũng nhắn nhủ các bị cáo còn đang bỏ trốn “nên trở về đầu thú để nhận được sự khoan hồng của pháp luật”.

HĐXX sẽ kiến nghị làm rõ dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ kế toán

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Thu Phương, cựu trưởng bộ phận thư ký tài chính AIC, trình bày rằng mình chỉ là thư ký trong ban thư ký của AIC, được phân công theo dõi thời gian làm việc của các nhân viên và một số việc vặt khác như đóng tiền nhà, tiền điện, nước.

Ngoài ra, bị cáo Phương xác nhận được giao làm kế toán trưởng Công ty Phúc Hưng “nhưng hoàn toàn không biết báo cáo tài chính đó được mang đi để dự thầu”. Phương phủ nhận việc mình đứng đằng sau “giật dây” Công ty Phúc Hưng, đưa hồ sơ cho tổng giám đốc Công ty Phúc Hưng ký dự thầu.

Cùng với đó, Phương cũng khẳng định không quen biết cũng như không có trao đổi liên quan đến dự thầu với một số bị cáo…

Trước lời phủ nhận của Phương, HĐXX cho biết sẽ xem xét dựa trên lời khai của các bị cáo. Tuy nhiên, HĐXX sẽ kiến nghị cơ quan điều tra làm rõ dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ kế toán của Phương trong vai trò kế toán trưởng...

Trong phi vụ đấu thầu dự án BV Sản - Nhi Quảng Ninh, Phương bị cáo buộc điều hành các công ty “quân xanh” trong hệ sinh thái AIC; giúp bà Nhàn hợp thức hóa hồ sơ dự thầu cho các công ty “quân xanh”. Hành vi của Phương và đồng phạm gây thiệt hại hơn 50 tỉ đồng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới