Xử vắng mặt bà Nhàn AIC xong, thi hành án thế nào?

(PLO)- Trường hợp người phạm tội trốn ra nước ngoài, việc thi hành án hình sự gặp khó, dẫn đến hiệu lực của bản án chưa đạt được do người phạm tội vẫn nhởn nhơ sống ở nước khác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-5 tới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ xử phúc thẩm bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng đồng phạm trong vụ AIC (trong đó, bà Nhàn cùng bảy bị cáo khác đã bỏ trốn và bị truy nã). Vấn đề đặt ra là sau khi xét xử xong, bản án sẽ được thi hành (cả phần hình sự và dân sự) như thế nào khi các bị cáo đã bỏ trốn?

Về việc thu hồi tiền, tài sản thất thoát trong vụ án này, theo kết quả xét xử sơ thẩm thì quá trình tố tụng, nhiều tài sản của các bị cáo đã bị kê biên, phong tỏa. Nhiều bị cáo đã chủ động nộp lại khoản tiền thu lợi bất chính. Đối với những tài sản này thì sau khi bản án có hiệu lực, việc xử lý tài sản để thi hành án (THA) khá thuận lợi.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người đang bị truy nã. Ảnh: CTV
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người đang bị truy nã. Ảnh: CTV

Riêng đối với những tài sản có tính chất pháp lý phức tạp như cổ phần, cổ phiếu, quyền sử dụng đất thì sau khi thụ lý thi hành, chấp hành viên sẽ xác minh để xử lý theo quy định. Việc các bị cáo vắng mặt sẽ khiến cơ quan THA dân sự mất nhiều thời gian cho việc thông báo, niêm yết theo quy định của Luật THA dân sự. Tuy nhiên, câu chuyện thu hồi tài sản phụ thuộc chủ yếu vào việc các bị cáo có tài sản nhiều hay ít, chứ chuyện họ đang bỏ trốn không ảnh hưởng nhiều đến việc THA.

Về thi hành phần hình phạt, có thể sau khi bản án được tuyên và có hiệu lực pháp luật thì việc chấp hành đối với những người vắng mặt sẽ chưa được thực thi cho đến khi họ bị bắt giữ hoặc tự nguyện trình diện và thi hành.

Trường hợp người phạm tội đang trốn ở nước chưa ký hiệp định dẫn độ hoặc tương trợ tư pháp với Việt Nam thì việc thực thi gần như là bỏ ngỏ, ngoại trừ giữa hai nước cùng cam kết theo nguyên tắc “có đi, có lại” để dẫn độ (tức hai bên sẽ chắc chắn thực hiện dẫn độ đối với trường hợp tương tự).

Thực tế, việc dẫn độ đối với các nước trên rất hạn chế mà hầu hết xuất phát từ lý do chính trị, ngoại giao, quyền con người, hoặc sự không tương thích về pháp luật (ở nước này thì đó là hành vi phạm tội nhưng ở nước còn lại thì không)… và cả trường hợp liên quan đến “chính sách thân thiện” của nước đó để thu hút về tiềm năng tài chính.

Riêng về thủ tục THA dân sự thì chúng ta mới chỉ có quy định về việc ủy thác tư pháp trong việc tống đạt giấy tờ, thông báo nếu biết đương sự đang cư trú ở nước ngoài.

Những năm gần đây, bỏ trốn sang nước ngoài trước khi vụ án bị khởi tố là một trong những phương thức mà người có hành vi phạm tội thường dùng đến, đặc biệt là trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Trong các trường hợp này, cơ quan chức năng thường áp dụng quy định về tạm đình chỉ cho đến khi bắt được người bị khởi tố, như một số bị can trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) và vụ án khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM liên quan đến một cựu thứ trưởng…

Trong các trường hợp người phạm tội trốn ra nước ngoài, việc THA hình sự gặp khó, dẫn đến hiệu lực của bản án chưa đạt được do người phạm tội vẫn nhởn nhơ sống ở nước khác. Để khắc phục điều này, các bộ, ngành đã đề xuất nhiều biện pháp ngăn chặn như: Cơ chế bảo mật nhằm tránh lọt thông tin vụ án từ trước giai đoạn điều tra, các quy định về tạm hoãn xuất cảnh, tăng cường xúc tiến ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp đa phương và song phương…

Có thể thấy với các tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ…, người phạm tội hoàn toàn có đủ điều kiện về tài chính, chủ động di dời, tẩu tán tài sản (và đưa người thân) ra nước ngoài trước khi sự việc bị bại lộ, phòng cho tình huống xấu xảy ra, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và giao thương thuận tiện như hiện nay. Do đó, việc cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố và đưa ra xét xử vắng mặt bị cáo đối với các tội phạm này là điều cần thiết nếu hồ sơ vụ án thể hiện đầy đủ hành vi phạm tội và việc tạm đình chỉ sẽ ảnh hưởng đến nhiều bị can, bị cáo, tiến trình giải quyết vụ án.

Bên cạnh đó, việc xét xử vắng mặt bị cáo (với điều kiện đảm bảo về thủ tục tố tụng và hồ sơ thể hiện đầy đủ hành vi phạm tội) ngoài hiệu quả tích cực về phòng, chống tội phạm thì về mặt dân sự vẫn bảo đảm được quyền lợi của bị hại, kịp thời kê biên, xử lý tài sản chưa bị tẩu tán để khắc phục hậu quả, thu hồi cho bị hại và Nhà nước, hạn chế các thiệt hại phát sinh do vụ án bị đình chỉ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm