Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước sẽ đề nghị Công an tỉnh, Viện kiểm sát tỉnh báo cáo, làm rõ xử lý dứt điểm vụ bà Vũ Thị Kim Oanh (ngụ khu phố Phú Hưng, phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long, Bình Phước) tố bị ba người lạ xông vào nhà cướp đi 1 tỉ đồng nhưng công an huyện Hớn Quản cho rằng không có sự việc phạm tội nên không khởi tố (Báo Pháp Luật TP.HCM đã có nhiều bài phản ánh).
“Thường trực Tỉnh ủy cũng sẽ đề nghị Ban Nội chính Tỉnh ủy vào cuộc xác minh các dấu hiệu liên quan để tham mưu Thường trực hướng xử lý vụ việc trên cơ sở đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân”- Vị lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Phước thông tin.
Bà Oanh kể lại sự việc.
Sau khi báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh, ngày 20-4 Công an huyện Hớn Quản, Bình Phước đã có văn bản gửi cho bà Oanh và Báo Pháp Luật TP.HCM về kết quả điều tra.
Theo cơ quan điều tra: bà Bùi Thị Thúy (kế toán UBND xã Minh Hưng, Chơn Thành, Bình Phước) có vay của bà Oanh 1 tỉ đồng. Tuy nhiên khi đến hạn trả, bà Thúy không có tiền trả nên bà Thúy mượn của hai người tên T, N 1 tỉ đồng. Khi mượn bà Thúy có cam kết với hai người tên T, N là chỉ mượn trong 15 phút để đưa cho bà Oanh sau đó bà Oanh sẽ cho vay lại. Tuy nhiên khi thấy bà Oanh đếm tiền xong đem đi cất mà không đưa bà Thúy mượn lại nên hai người tên T, N chạy đến lấy lại số tiền 1 tỉ trên tay bà Oanh.
Công an huyện Hớn Quản kết luận: “Sau khi nhận tiền xong, bà Oanh chưa giao lại cho bà Thúy giấy mượn số tiền 1 tỉ đồng ngày 19-12-2014 nên giao dịch trả nợ tiền giữa bà Oanh và bà Thúy chưa kết thúc. Do đó thời điểm xảy ra sự việc, bà Oanh mới chỉ chiếm giữ số tiền 1 tỉ đồng mà chưa có quyền sở hữu số tiền nêu trên…”.
Theo Công an huyện Hớn Quản, số tiền mà bà Thúy đem trả nợ cho bà Oanh vẫn thuộc quyền sở hữu của hai người T, N. Do bà Thúy không thực hiện đúng cam kết mượn trong 15 phút nên hai người T, N lấy tiền lại từ trên tay của bà Oanh là đúng quy định.
Công an huyện Hớn Quản cũng cho rằng: “Hành vi của ông T. bà N. không cấu thành tội phạm hình sự vì số tiền bà Oanh chiếm giữ không phải là tiền trả nợ của bà Thúy. Mà số tiền trên vẫn đang thuộc quyền sở hữu của ông T, bà N. (vì giao dịch mượn tiền giữa bà Thúy với ông T, bà N. diễn ra cùng thời điểm và chưa kết thúc). Vì vậy hành vi lấy lại tiền từ bà Oanh của ông T, bà N. không cấu thành tội cướp tài sản như tố giác bà Oanh”.
Đến ngày 17-4, Công an huyện Hớn Quản đã có quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì “không có sự việc phạm tội xảy ra”. Sau đó VKS huyện Hớn Quản cũng thống nhất với quyết định của công an huyện.
Trao đổi với PV, bà Vũ Thị Kim Oanh cho rằng: “Kết quả giải quyết của công an huyện Hớn Quản không khách quan. Bởi tôi chỉ giao dịch với bà Thúy, bà Thúy đem tiền trả cho tôi, tôi đem vào nhà cất nhưng nhóm người kia xông vào đánh tôi rồi giật tiền lên xe ô tô bỏ đi. Tôi không có giao dịch vay mượn gì với nhóm ông T. bà N. Camera có ghi hình việc mấy người này xông vào nhà cướp tiền tôi rất rõ. Còn giấy nợ tôi đã trả cho bà Thúy sau khi bà Thúy đưa tiền nhưng khi bà Thúy đứng dậy thì nhóm người kia xông vào giằng co nên rớt tờ giấy nợ xuống đất, sau đó tôi đem nộp cho công an tờ giấy này. Đây là số tiền tôi phải thế chấp nhà, vay mượn bạn bè để cho bà Thúy mượn. Giờ công an giải quyết như vậy là không khách quan, bao che cho tội phạm”.
Về vụ việc này, một kiểm sát viên cao cấp (Viện phúc thẩm 3, VKSND Tối cao) cho rằng: Cần làm rõ hành vi của ba người xông vào giật tiền trên tay bà Oanh, nếu xác định bà Oanh không có giao dịch vay mượn gì với ba người kia thì hành vi của cả ba người có dấu hiệu của tội cướp tài sản. Bởi thời điểm ba người ập đến xô xát, giật tiền trên tay bà Oanh thì số tiền này đã thuộc sở hữu của bà Oanh, giao dịch trả nợ đã hoàn thành.
Luật sư Huỳnh Phước Hiệp- Đoàn Luật sư TP.HCM nhận định: Chế định hợp đồng vay tài sản, được quy định từ điều 471 đến 479 BLDS, có quy định quyền và nghĩa vụ của người vay, người cho vay. Theo đó, bên cho vay có nghĩa vụ: “Giao tài sản cho bên vay đầy đủ, đúng chất lượng, số lượng vào thời điểm và địa điểm đã thoả thuận”. Còn nghĩa vụ của bên vay: “Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác”. Không thấy quy định nghĩa vụ trả giấy vay nợ.Cơ quan CSĐT huyện Hớn Quản cho rằng: “Sau khi nhận tiền xong, bà Oanh chưa giao lại cho bà Thúy giấy mượn tiền ngày 19-12 (thực tế đã trả, có ghi hình từ camera), số tiền 1 tỉ đồng (thực tế giấy vay nợ là 1,1 tỉ đồng) nên giao dịch trả nợ tiền giữa bà Oanh và bà Thúy chưa kết thúc” là ý kiến chủ quan của cơ quan này chứ pháp luật không quy định. Để thấu tình đạt lý và có cơ sở pháp lý, Cơ quan cảnh sát điều tra nên viện dẫn điều luật quy định về vấn đề này.
Áp dụng tương tự giao dịch vay mượn giữa ông T., bà N. với bà Thúy (nếu có) cũng hoàn tất khi giao nhận tiền hoàn tất.
Như vậy, việc vận dụng pháp luật trong thông báo kết quả giải quyết tố giác về tội phạm của Công an Huyện Hớn Quản là có vấn đề.
Trong khi đó, Thượng tá Võ Hoàng Bắc, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Hớn Quản khẳng định: “Cơ quan điều tra đã xác minh điều tra thận trọng, khách quan, qua đó không thấy có dấu hiệu tội hình sự, nên quyết định không khởi tố vụ án, chúng tôi không bao che mà chỉ làm đúng theo quy định pháp luật”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc khi có diễn tiến mới.