Ngày 3-4, TAND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã trả hồ sơ cho VKSND cùng cấp, yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ bảy vấn đề liên quan vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trục lợi chính sách hỗ trợ đóng tàu cá của Nhà nước.
Bảy vấn đề cần điều tra bổ sung
Trong đó, năm bị cáo Lê Minh Xuân, Trần Văn Tài, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Văn Sang, Đặng Thế Hùng bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số tiền chiếm đoạt là hơn 34 tỉ đồng.
Các bị cáo Nguyễn Vũ Hà, Nguyễn Quốc Công, Đào Hồng Đức (trung tâm Đăng kiểm tàu cá thuộc Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) và Nguyễn Đức Hoàng, Đinh Cao Thượng (Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị cáo Trần Văn Cường, cựu giám đốc Sở NN&PTNT bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hai bị cáo Xuân, Hùng cùng bị truy tố tội mua bán trái phép hóa đơn.
Bị hại vụ án là UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm giám đốc ba công ty đóng tàu.
Tòa trả hồ sơ, yêu cầu VKS làm rõ các thỏa thuận liên quan đến việc ký kết các hợp đồng đóng mới vỏ tàu khống, ai là chủ mưu và số tiền chiếm đoạt cụ thể trong từng trường hợp để phân hóa trách nhiệm hình sự.
Kết luận về vị trí, vai trò và hành vi giúp sức của các chủ doanh nghiệp đóng tàu để đảm bảo giải quyết vụ án toàn diện, khách quan, tránh bỏ lọt tội phạm.
Làm rõ thủ tục, quy trình đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm tàu cá và thu thập thêm các chứng cứ khác để đánh giá chính xác hành vi phạm tội của bị cáo Đức; Xác định lại hậu quả do hành vi sai phạm của các bị cáo tại trung tâm Đăng kiểm tàu cá.
Làm rõ hành vi nhận tiền của các bị cáo Hà, Công có đủ yếu tố cấu thành tội nhận hối lộ hay không và điều tra bổ sung nếu thấy cần thiết. Ngoài ra, làm rõ trách nhiệm của bộ phận ISO tại chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT thôn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.
Cuối cùng là điều tra bổ sung xác minh lại lý lịch của các bị cáo Thế Hùng và Hoàng do có sự khác biệt so với lời khai của các bị cáo tại phiên tòa.
Chủ cơ sở đóng tàu có dấu hiệu đồng phạm, tiếp sức lừa đảo
Trước đó, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử và đã xét hỏi các bị cáo cũng như người liên quan. Theo HĐXX, qua quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi tại phiên đối với các bị cáo nhận thấy có nhiều tình tiết mới chưa được làm rõ trong quá trình điều tra, truy tố cũng như có khả năng bỏ lọt đồng phạm giúp sức trong vụ án và không thể làm rõ tại phiên tòa.
Cụ thể là vai trò của ba chủ doanh nghiệp đóng tàu cá. Theo HĐXX, quá trình bị cáo Xuân và năm chủ tàu cá hoàn thiện hồ sơ đề nghị Sở NN&PTNT tỉnh thẩm định, phê duyệt hỗ trợ từ ngân sách, các chủ tàu dù biết rõ các con tàu chưa được hoàn thiện 100% trên thực tế cũng như trị giá các vỏ tàu đã đóng. Nhưng họ vẫn đồng ý ký khống hợp đồng đóng mới vỏ tàu cá với giá trị cao hơn nhiều so với thỏa thuận ban đầu và xuất hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) nâng giá trị thực tế của năm vỏ tàu đã đóng...
Tuy chưa làm rõ được có sự thỏa thuận về việc chia chác hay hưởng lợi thế nào nhưng động cơ, mục đích của ba người này là giúp cho bị cáo Xuân cùng các bị cáo khác đạt được mục đích. Vì vậy, có đủ dấu hiệu đồng phạm với vai trò giúp sức về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần phải xem xét, giải quyết trong cùng vụ án mới đảm bảo toàn diện, đúng người, đúng tội và tránh bỏ lọt tội phạm.
Theo HĐXX, quá trình điều tra và xét hỏi tại phiên tòa đã xác định hành vi của các bị cáo Hà, Công vì vụ lợi khi thực hiện nhiệm vụ đủ yếu tố cấu thành tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Sai phạm trên đã bị Xuân cùng các bị cáo khác lợi dụng để hợp thức hóa hồ sơ, chiếm đoạt tài sản Nhà nước với số tiền hơn 34 tỷ đồng. Tuy nhiên, đối với bị cáo Đức, HĐXX nhận thấy chưa đủ căn cứ vững chắc để truy tố, xét xử bị cáo Đức về tội như cáo trạng truy tố.
Quá trình điều tra đã xác định có việc chuyển tiền từ các chủ doanh nghiệp đóng tàu cho các bị cáo cựu đăng kiểm viên là Hà, Công nên cần điều tra bổ sung để tránh bỏ lọt hành vi đưa, nhận hoặc môi giới hối lộ…
Hiện, VKSND tỉnh cũng đang hoàn tất thủ tục để chuyển hồ sơ qua Cơ quan CSĐT điều tra bổ sung.