Vụ va máy bay ở Nhật: 379 người trên chiếc máy bay của Japan Airlines an toàn, nhờ đâu?

(PLO)- Quy trình an toàn nghiêm ngặt của Japan Airlines và bài học từ các vụ tai nạn trước đây đã giúp phi hành đoàn sơ tán thành công tất cả hành khách trên chiếc máy bay gặp nạn hôm 2-1.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khi xem video quay về vụ va nhau giữa máy bay của hãng hàng không Japan Airlines với máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật tại sân bay Haneda ở Tokyo (Nhật), nhiều người thở phào khi thấy các hành khách an toàn thoát ra khỏi chiếc máy bay gặp nạn.

Theo đài CNN, vụ việc khiến 5 trong số 6 thành viên trên máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật thiệt mạng. Tất cả 379 hành khách và phi hành đoàn trên chiếc Airbus A350 của Japan Airlines đều sống sót sau vụ tai nạn.

Qua vụ tai nạn trên, các chuyên gia cho rằng sự kết hợp giữa các tiêu chuẩn an toàn hiện đại và văn hóa an toàn nghiêm ngặt của Japan Airlines giúp hãng hàng không này sơ tán thành công các hành khách trên chiếc máy bay nói trên.

Video máy bay của hãng hàng không Japan Airlines bốc cháy sau khi va chạm với máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật hôm 2-1. Nguồn: THE GUARDIAN

Ông Graham Braithwaite – GS điều tra an toàn và tai nạn tại ĐH Cranfield (Anh) – cho biết: “Từ những gì tôi thấy trên video, tôi rất ngạc nhiên và nhẹ nhõm khi mọi người đều thoát ra ngoài”.

“Đó là một tác động nghiêm trọng mà không phải chiếc máy bay nào cũng chịu đựng được. Nhưng với những gì tôi biết về hãng hàng không này [Japan Airlines], cũng như nỗ lực của họ trong việc đảm bảo an toàn và đào tạo phi hành đoàn, việc họ làm tốt công tác sơ tán không có gì đáng ngạc nhiên” – ông Braithwaite nói.

Sự kỹ lưỡng của Japan Airlines

Theo ông Braithwaite, Japan Airlines đã trở thành một hãng hàng không với những tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt sau vụ tai nạn máy bay cách đây gần 40 năm.

Vào ngày 12-8-1985 chuyến bay 123 của Japan Airlines từ Tokyo đến Osaka (Nhật) bị rơi. Vụ việc khiến 520 trong số 524 người trên máy bay thiệt mạng.

Cho đến nay, đây là một trong những vụ tai nạn máy bay thương tâm nhất trong ngành hàng không.

“Rõ ràng vụ tai nạn đã ảnh hưởng rất sâu sắc đối với hãng hàng không. Trong nền văn hóa Nhật, họ sẵn sàng nhận trách nhiệm về vụ việc và đảm bảo rằng sẽ không có chuyện tương tự xảy ra nữa. Vì vậy, khi có sự cố xảy ra, họ sẽ xem đó là điều đáng học hỏi. Mọi thứ đều là cơ hội để cải thiện chất lượng trong tương lai” – ông Braithwaite nói.

Năm 2005, nhận ra rằng nhiều nhân viên mới không biết gì về vụ tai nạn hồi năm 1985, Japan Airlines đã mở một không gian trưng bày trong trụ sở công ty của họ. Tại đây, họ trưng bày các mảnh vỡ của chiếc máy bay gặp nạn, cũng như câu chuyện của phi hành đoàn và hành khách trên chuyến bay năm xưa.

Ông Braithwaite cho rằng gần 4 thập niên trôi qua, vụ tai nạn vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc đến tâm lý của công ty Japan Airlines.

Điều gì giúp Japan Airlines sơ tán an toàn 379 người trong vụ va chạm máy bay?
Japan Airlines là hãng hàng không có quy trình an toàn nghiêm ngặt. Ảnh: AFP

“Họ có văn hóa rất nghiêm ngặt về các quy trình vận hành tiêu chuẩn và thực hiện mọi việc đúng cách. Đó là một trong những lý do giúp phi hành đoàn phản ứng rất tốt trong vụ tai nạn vừa qua” - theo ông Braithwaite.

Ông Braithwaite cho rằng mặc dù không rõ ai là người chịu trách nhiệm cho vụ tai nạn hôm 2-1 nhưng việc sơ tán thành công “hoàn toàn” là một điều tích cực đối với Japan Airlines.

Theo CNN, Japan Airlines thường xuyên được vinh danh là một trong các hãng hàng không an toàn nhất thế giới trong danh sách hàng năm của chuyên trang Airlineratings.com.

Ông Geoffrey Thomas – Tổng biên tập của Airlineratings.com cho biết: “Japan Airlines đã đạt được [kỷ lục] an toàn tuyệt vời kể từ năm 1985. Tuy nhiên, vụ tai nạn năm 1985 không phải lỗi của hãng này mà là do lỗi sửa chữa của Boeing”.

“Japan Airlines được trang web của chúng tôi đánh giá là hãng hàng không 7 sao hàng đầu và đã vượt qua tất cả cuộc kiểm tra an toàn quan trọng. Ngoài ra, cơ quan quản lý an toàn hàng không của Nhật thực hiện 8 tiêu chí giám sát tốt hơn so với mức trung bình của thế giới”, theo ông Thomas.

Hướng dẫn an toàn "được viết bằng máu"

Nhận xét về hoạt động sơ tán vừa qua của Japan Airlines, phi công của một hãng hàng không lớn tại châu Âu nói rằng: “Tôi đặc biệt ấn tượng với các phi công, phi hành đoàn và hành khách trên chuyến bay của Japan Airlines, vì họ đã thực hiện một cuộc sơ tán mẫu mực, trong điều kiện khắc nghiệt nhất”.

Phi công trên cũng cho biết bản chất của những dòng máy bay hiện đại buộc các hãng hàng không đào tạo kỹ lưỡng phi công để có thể xử lý các tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, một số hãng hàng không còn cho phép tiếp viên sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp, mà không cần lệnh của cơ trưởng.

“Chúng ta đang ở trong thời kỳ an toàn nhất của ngành hàng không kể từ khi nó ra đời” – phi công trên cho hay.

Tuy nhiên, phi công này cho biết để đi đến thời kỳ hiện tại, các hãng hàng không đã phải nỗ lực xây dựng bộ hướng dẫn an toàn. Trong đó, những quy định hướng dẫn an toàn của các hãng hàng không “được viết bằng máu của những người không may mắn”.

Theo đó, các tai nạn trở thành bài học được “chia sẻ trong toàn ngành hàng không, để tất cả phi hành đoàn có thể hoàn thành công việc tốt hơn”.

Ông Braithwaite cho biết nhiều vụ tai nạn máy bay đã để lại những bài học quý cho quy trình an toàn của ngành.

Điển hình là vụ tai nạn của hãng hàng không British Airtours (Anh) xảy ra vào năm 1985 tại sân bay Manchester. Khi ấy, máy bay bốc cháy trên đường băng, khiến 55 người thiệt mạng, chủ yếu là do ngạt khói.

Theo ông Braithwaite, vụ việc đã khiến các nhà sản xuất thay đổi nhiều tính năng trên máy bay hiện đại.

240102115400-03-japan-airlines-safety-culture-service-counter-restricted-7620.jpg
Hành khách tại quầy thủ tục của Japan Airlines. Ảnh: BLOOMBERG

“Thực tế là người ta mở thêm nhiều không gian xung quanh các lối thoát hiểm, gắn đèn dọc theo sàn máy bay. Phi hành đoàn buộc phải đánh đánh giá xem người ngồi ở lối thoát hiểm có thể mở cửa được hay không. Dấu hiệu thoát hiểm được làm rõ ràng hơn nhiều. Vật liệu làm cabin cũng được thay thế. Tất cả điều này góp phần tạo nên một cuộc sơ tán thành công” - theo ông Braithwaite.

Ông Steven Erhlich – Chủ tịch của PilotsTogether (một tổ chức từ thiện được thành lập trong thời kỳ đại dịch để hỗ trợ phi hành đoàn ở Anh) – cũng đồng tình rằng phi hành đoàn của Japan Airlines đã thực hiện một cuộc sơ tán mẫu mực trong sự cố hôm 2-1.

“Việc Japan Airlines thường xuyên huấn luyện an toàn đã giúp phi hành đoàn sơ tán thành công các hành khách trong 90 giây. Điều đáng rút ra là hành khách cần chú ý đến các hướng dẫn an toàn. Hành khách cũng cần nhớ rằng phi hành đoàn không phải là những nhân viên phục vụ ăn uống, mà là những chuyên gia an toàn được đào tạo bài bản” – ông Erhlich nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm