Nhật chạy đua ứng phó động đất mạnh ngay đầu năm mới

(PLO)- Trận động đất ngày 1-1 ở miền Trung nước Nhật đã làm 48 người chết, thương vong được dự báo sẽ còn tăng trong bối cảnh hoạt động cứu hộ gặp khó khăn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khi người dân Nhật đang chào đón ngày đầu năm mới 2024 thì một trận động đất mạnh nhất trong nhiều năm bất ngờ tấn công nước này, cướp đi hàng chục sinh mạng và gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng.

Hàng chục người thiệt mạng, nguy cơ các đợt dư chấn còn cao

Tính đến chiều 2-1 (giờ địa phương), số người chết trong trận động đất mạnh 7,6 độ Richter tại bán đảo Noto (tỉnh Ishikawa) và các khu vực lân cận ở miền Trung Nhật đã lên tới 48 người. Thương vong được dự đoán sẽ còn tăng khi lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm những người sống sót dưới đống đổ nát, theo hãng thông tấn Kyodo News.

Ngay sau động đất, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra Nhà máy điện hạt nhân Shika (ở tỉnh IÍhikawa, Nhật) nhưng không ghi nhận tình trạng bất thường nào.

Trận động đất vừa qua được xếp ở mức số 7, mức cao nhất trong thang đo động đất ở Nhật, khiến nước này phải phát cảnh báo sóng thần tại hàng loạt khu vực ven biển trong suốt ngày 1-1 với mức cảnh báo nghiêm trọng nhất kể từ trận động đất kinh hoàng năm 2011.

Ngoài việc san phẳng hàng chục nhà cửa khiến nhiều người bị kẹt dưới đống đổ nát, trận động đất cũng làm bùng phát các đám cháy tại trung tâm TP Wajima (tỉnh Ishikawa) suốt nhiều giờ liền, phá hủy hơn 200 công trình kiến ​​​​trúc ở TP này. Đến ngày 2-1, lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực dập tắt đám cháy.

Hoạt động giao thông cũng bị gián đoạn nghiêm trọng do đường sá hư hại và mối đe dọa từ các dư chấn. Hệ thống đường sắt cao tốc Shinkansen đã phải tạm ngưng hoạt động và nhiều chuyến bay trong khu vực cũng bị hủy. Đài NHK dẫn thông tin từ các quan chức ngành đường sắt Nhật cho biết gần 1.400 hành khách bị kẹt bên trong các chuyến tàu cao tốc vào thời điểm xảy ra động đất.

Tối 1-1, chính phủ Nhật đã sơ tán hơn 97.000 người đến các trường học, phòng tập thể thao, trung tâm sơ tán... Sáng 2-1, nhiều người đã trở về nhà sau khi chính phủ hạ thấp cảnh báo sóng thần. Tuy nhiên, khoảng 45.700 hộ gia đình vẫn mất điện trong khi nhiệt độ ở mức đóng băng, thêm vào đó, hầu hết khu vực ở phía bắc bán đảo Noto cũng mất nguồn cung cấp nước.

Nhật-nha-cua-bi-sap-o-tinh-ishikawa-sau-khi-tran-dong-dat-tan-cong-tinh-nay-859.jpg
Nhà cửa bị sập ở tỉnh Ishikawa sau khi trận động đất 7,6 độ Richter tấn công tỉnh này. Ảnh: AP

Theo Cơ quan Khí tượng Nhật, kể từ khi trận động đất đầu tiên xảy ra, đã có khoảng 155 dư chấn được ghi nhận đến sáng 2-1. Cơ quan này cảnh báo các trận động đất mạnh có thể tấn công khu vực lần nữa trong tuần tới và kêu gọi người dân thận trọng.

Cơ quan Khí tượng Nhật cũng dự báo ​​sẽ có mưa ở bán đảo Noto từ ngày 2 đến 4-1 và cảnh báo nguy cơ sạt lở đất.

Trận động đất không chỉ ảnh hưởng đến Nhật mà còn cả các khu vực lân cận. Hàn Quốc ngày 1-1 chứng kiến một cơn sóng thần cao dưới 1 m tràn vào bờ biển nước này khiến Seoul phải sơ tán người dân trong khu vực và phát cảnh báo sóng thần. Tương tự, Triều Tiên và các TP phía Đông của Nga (giáp với bờ biển Nhật Bản) cũng ban hành cảnh báo sóng thần.

mot-khu-vuc-o-tp-wajima-tinh-ishikawa-chay-rui-hom-2-1-sau-khi-tran-dong-dat-tan-cong-tinh-nay-6528.jpg
Một khu vực ở TP Wajima (tỉnh Ishikawa) cháy rụi hôm 2-1, sau khi trận động đất 7,6 độ Richter tấn công tỉnh này. Ảnh: KYODO NEWS

Cấp tập tìm kiếm cứu nạn

Sáng 2-1, Thủ tướng Nhật Kishida Fumio đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp về khắc phục hậu quả và đề phòng dư chấn từ trận động đất. Thủ tướng Kishida cho biết chính phủ đã thành lập trụ sở ứng phó với thảm họa khẩn cấp tại nơi xảy ra động đất để đánh giá tình hình và đưa ra hỗ trợ, theo hãng tin Reuters.

“Đã ghi nhận những thiệt hại rất lớn, bao gồm nhiều người thương vong, nhà cửa bị sập và hỏa hoạn. Chúng ta phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm và giải cứu các nạn nhân của thảm họa động đất” - ông Kishida nói.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Minoru Kihara cho biết bộ này đã điều 1.000 binh sĩ của lực lượng Phòng vệ Nhật tới hiện trường vụ động đất và 8.500 binh sĩ khác cũng đang trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu. Ngoài ra, rất nhiều lính cứu hỏa và cảnh sát từ khắp Nhật cũng được điều động đến các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ trận động đất.

Tuy nhiên, công tác cứu hộ nạn nhân và cung cấp hàng viện trợ đang gặp khó khăn vì việc tiếp cận bán đảo Noto bằng đường bộ và đường hàng không đang bị gián đoạn. Tình trạng mất điện và các đám cháy cũng làm trầm trọng thêm những thách thức với đội cứu hộ.

Ngay sau khi thảm họa động đất xảy ra ở Nhật, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết Mỹ đã liên lạc với các quan chức Nhật và Washington “sẵn sàng cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho người dân Nhật”, theo đài CNN.

“Là những đồng minh thân thiết, Mỹ và Nhật Bản chia sẻ mối quan hệ hữu nghị sâu sắc. Tâm trí chúng tôi hướng về người dân Nhật trong thời điểm khó khăn này” - Tổng thống Biden chia sẻ.

Tương tự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ “sự đoàn kết” của Pháp với người dân Nhật, trong khi Thủ tướng Ý Giorgia Meloni gửi lời chia buồn và cho biết nước này sẵn sàng hỗ trợ Nhật ứng phó với thảm họa.•

Nhìn lại thảm họa kép động đất, sóng thần Nhật năm 2011

Ngày 11-3-2011, một trận động đất mạnh 9,1 độ Richter đã làm rung chuyển vùng Đông Bắc Nhật, gây ra sóng thần cao đến 40 m ập vào đất liền và phá hủy mọi thứ trên đường nó đi qua.

Đây cũng là trận động đất lớn nhất từng ghi nhận ở Nhật. Rung chuyển của trận động đất có thể được cảm nhận ở khắp nơi trên thế giới, từ các vịnh ở Na Uy đến những dải băng ở Nam Cực, theo trang web khoa học Live Science.

Trong suốt một năm sau động đất, hơn 5.000 dư chấn được ghi nhận với cơn lớn nhất có cường độ 7,9 độ Richter.

Trận động đất năm 2011 đã cướp đi sinh mạng của hơn 19.000 người. Đau đớn hơn, sóng thần đã làm ngập Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi ở tỉnh Fukushima, gây ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử, khiến hàng trăm ngàn người phải sơ tán.

Người dân Nhật đến nay vẫn đang hồi phục sau thảm họa này. Theo Cơ quan Tái thiết Nhật, tính đến tháng 11-2021, vẫn còn khoảng 39.000 người sơ tán do thảm họa năm 2011 chưa thể trở về nhà, 1.000 người trong số họ đang sống trong những ngôi nhà tạm bợ.

Chính phủ Nhật cho biết thiệt hại do thảm họa gây ra vào khoảng 199 tỉ USD. Ngân hàng Thế giới ước tính tổng thiệt hại kinh tế có thể lên tới 235 tỉ USD, khiến vụ việc trở thành thảm họa thiên nhiên tốn kém nhất trong lịch sử thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm