Ngày 19-10, TAND TP.HCM tiếp tục phiên xử vụ đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun (gọi tắt là Vinasun) và Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab).
Grab xuất hiện, Vinasun tụt doanh thu?
Tại tòa, phía Vinasun cho biết những năm 2015-2016 là giai đoạn Grab bắt đầu hoạt động. Qua xem xét báo cáo tài chính, so sánh doanh thu của công ty mẹ thì Vinasun nhận thấy tỉ lệ tăng doanh thu bị sụt giảm, riêng năm 2017 so với năm 2016 giảm 43,2%.
“Khi có những dấu hiệu, tác động ảnh hưởng trực tiếp đến ngành nghề kinh doanh thì chúng tôi phải phản ứng và nỗ lực điều chỉnh hoạt động kinh doanh. Doanh thu sụt giảm nhưng hằng năm chúng tôi đều phải đầu tư xe mới để thay thế các xe đã cũ bởi theo quy định của Bộ GTVT thì xe taxi chỉ được hoạt động tám năm” - đại diện Vinasun trình bày.
Phía Vinasun cho biết thêm: Năm 2014, Grab bắt đầu vào thị trường. Đến năm 2015, Grab đã hoạt động phát sinh doanh thu. Tuy nhiên, theo Thông tư 63/2014 thì Grab không được kết hợp với các tài xế mà chỉ được cung ứng các phần mềm ứng dụng nhằm mục đích hỗ trợ cho điều hành hoạt động vận tải, quản lý doanh nghiệp. Vinasun cho rằng Grab đã có những sai phạm làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của taxi truyền thống. Vì vậy, Grab phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại đã gây ra.
Phía Grab trình bày rằng tháng 2-2014, Grab vào thị trường Việt Nam, thời điểm này chưa có Đề án 24. Mục tiêu kinh doanh của Grab tại Việt Nam là cung cấp dịch vụ công nghệ cho các công ty taxi. Khi đăng ký ngành nghề kinh doanh, Grab có đăng ký là công ty cung cấp dịch vụ công nghệ.
Ngoài ra, Grab còn đăng ký thêm một số ngành nghề và chức năng khác như ứng dụng máy tính, phát triển phần mềm và kinh doanh vận tải nhưng thực tế Grab không kinh doanh hết các lĩnh vực đã đăng ký. Ngày 2-3-2017, Grab nhận được quyết định của Bộ Công Thương đề nghị rút ngành nghề kinh doanh vận tải vì chưa bao giờ sử dụng ngành nghề đó. Grab đã rút bỏ ngành nghề này.
Đại diện Vinasun và Grab đối đáp tại tòa. Ảnh: PL
Tranh luận kéo dài
Phía Vinasun tranh luận, dẫn chứng phán quyết của Tòa Công lý châu Âu (ECJ) hồi tháng 12-2017 về việc một hiệp hội tài xế taxi ở Barcelona (Tây Ban Nha) cho rằng các tài xế Uber phải có giấy phép cũng như cáo buộc hãng này cạnh tranh không công bằng. ECJ đã phán quyết: Dịch vụ do Uber cung cấp, “vốn đã liên quan đến dịch vụ vận tải” và vì thế phải được phân loại là “một dịch vụ trong lĩnh vực vận tải” trong khuôn khổ pháp luật của EU.
Từ đó, phía Vinasun đề nghị HĐXX xem phương thức hoạt động của Grab cũng như Uber là “dịch vụ trong lĩnh vực vận tải” chứ không đơn thuần là phần mềm ứng dụng kết nối. Việc Grab trực tiếp kinh doanh vận tải taxi là một hành vi vi phạm nghiêm trọng Đề án 24 do Bộ GTVT ban hành. Vinasun đề nghị HĐXX định danh Grab là đơn vị kinh doanh vận tải bằng taxi, không phải là doanh nghiệp kinh doanh phần mềm theo Đề án 24 bởi lẽ trong quá trình thực hiện Đề án 24, Grab đã có hành vi vi phạm pháp luật, kinh doanh taxi trái phép. Vinasun đề nghị HĐXX kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT dừng thí điểm đối với Grab. Đồng thời buộc Grab bồi thường như Vinasun đã yêu cầu.
Đối đáp, phía Grab cho rằng theo đề án thí điểm, Grab được phép thỏa thuận giá cước với các đối tác kinh doanh vận tải và có trách nhiệm hỗ trợ các đối tác kinh doanh xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng sau mỗi chuyến đi. Cạnh đó, giám định thiệt hại do Công ty Cửu Long thực hiện có rất nhiều sai sót, nhiều mơ hồ cần phải được làm rõ. Grab tiếp tục đề nghị tòa hoãn xử để triệu tập công ty này tham gia tố tụng.
Theo phía Grab, ngoài lĩnh vực taxi, Vinasun cũng đầu tư, mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực khác. Tổng doanh thu của Vinasun vẫn tăng đều đặn nhưng lợi nhuận giảm là do chi phí hoạt động, đầu tư không ngừng tăng cũng như do chuyển đổi mô hình kinh doanh. Grab cho rằng điều này lại không được thể hiện trong nghiên cứu của Công ty Cửu Long. Việc sụt giảm doanh thu của Vinasun không phải do Grab gây ra.
Phía Grab không đồng ý với việc Vinasun yêu cầu tòa định danh Grab là doanh nghiệp taxi bởi đây là trách nhiệm của Bộ GTVT. Trước đó, Vinasun chỉ kiện Grab để đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo Grab, điều này hết sức nguy hiểm bởi có thể sẽ tạo tiền lệ xấu khi một doanh nghiệp lợi dụng hệ thống tư pháp và tòa án để thay đổi chính sách thượng tầng, gây bất ổn chính trị, xã hội...
Thứ Hai 22-10, hai bên sẽ tiếp tục tranh luận.
Vì sao lỗ mà Grab vẫn kinh doanh? Theo đại diện VKS, theo báo cáo của Bộ Tài chính, giai đoạn 2014-2017, Grab báo lỗ 1.726 tỉ đồng, chủ yếu là tiếp thị và quảng cáo. Trả lời, phía Grab cho biết khi vào Việt Nam, Grab có mục tiêu là để thị trường và khách hàng hiểu được, chấp nhận và sử dụng công nghệ của Grab. Grab phải bước đầu bỏ tiền ra đầu tư và cho người tiêu dùng Việt Nam làm quen loại hình mới. Về lỗ, Grab cho rằng không hoàn toàn là do tiếp thị, quảng cáo mà còn chi phí thưởng cho đối tác, tài xế. Ngoài ra, còn chi phí cho những nghiên cứu và phát triển để hỗ trợ công nghệ. Theo Grab, mục đích của đơn vị là cung cấp công nghệ, dịch vụ về công nghệ, từ đó hỗ trợ xã hội, hỗ trợ người dân kết nối công nghệ để cuộc sống thuận tiện hơn... “Nếu đã kinh doanh thì tất cả công ty đều hướng về lợi nhuận. Chúng tôi cũng có những cam kết với các nhà đầu tư và các nhà đầu tư cũng rất tin tưởng chúng tôi” - đại diện Grab nói. |