Ngày 4-9, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở lại phiên toà sơ thẩm xét xử Mai Chí Phương và Võ Thị Thành về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Bị cáo Phương (36 tuổi) là giám đốc Công ty TNHH Huy Đoàn Hưng (Hà Tĩnh). Thành (34 tuổi) là vợ của Phương, cùng ngụ xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh. Thành đang nuôi con nhỏ nên được tại ngoại.
Phương từng là giám đốc, doanh nhân trẻ năng động, nhưng rồi cùng vợ lao vào "sóng đất", nay phải ra toà.
Trước đó, phiên toà được hoãn do vắng mặt một số người liên quan...
Tại phiên tòa, bị cáo Thành có đưa ra lập luận thể hiện rõ quan điểm “bị cáo không hề lừa đảo”. Bị cáo nói có tài sản nhưng do cầm cố, đang bị chiếm đoạt.
Theo bị cáo Thành, việc mất khả năng thanh toán là do tình hình bất động sản tại địa phương đi xuống không bán được, các giao dịch liên quan đến các bất động sản của bị cáo không phải là chuyển nhượng ngay tình mà bị cáo chỉ cầm cố tạm. Khi cầm cố, liên tục trả tiền lãi và một phần gốc để nhanh chóng lấy lại đất cho các bị hại.
“Bị cáo đề nghị HĐXX triệu tập những người mà bị cáo đang tố cáo hành vi đang chiếm đoạt đất và tiền của bị hại trong vụ án và gộp vào vụ án này để làm rõ. Trước khi bị khởi tố bị cáo có đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho những người đó. Bị cáo mong muốn làm rõ để lấy lại giấy chứng nhận quyền sử dụng để trả lại cho các bị hại trong vụ án”- bị cáo Thành nói.
Bị cáo Thành cũng yêu cầu trả lại chiếc điện thoại của bị cáo đã bị tịch thu bởi trong đó chứa nhiều nội dung quan trọng trong giao dịch và giám định lại các nội dung chứa trong điện thoại… Luật sư và bị cáo đề nghị “trích xuất chiếc điện thoại ra" tại toà.
Tuy nhiên, HĐXX nêu, điện thoại thu giữ đã lâu không biết còn mở được hay không nên không trích xuất mở ra xem nội dung như yêu cầu của bị cáo.
Trong số các bị hại thì bà NTT (trú TP Hà Tĩnh) có số tiền lớn nhất với hơn 40 tỉ đồng. Ở phần xét hỏi, bà T cho rằng: “Số tiền tôi đưa ra rất nhiều chứ không phải hơn 40 tỉ đó đâu”. Bà T cũng cho rằng bà còn bị một số người khác “lấy tiền”, với tổng số tiền hơn 100 tỉ đồng.
Bị cáo Thành cho rằng: “Bị cáo vay tiền và quá trình đó không hề có mục đích (chiếm đoạt) và bà T cũng chỉ cho bị cáo vay trong thời gian 2 đến 3 ngày và phải trả lãi suất cho bà T. Ví dụ như vay 1 tỉ mỗi ngày trả lãi suất 10 triệu đồng”.
Bị hại TQS (trú Hà Tĩnh) là cậu ruột của bị cáo Thành. Ông S đã đưa tổng cộng cho vợ chồng Thành là một tỉ đồng. Tại phiên Toà, ông S yêu cầu vợ chồng Thành trả lại đất. Thành trình bày không chiếm đoạt tiền của cậu ruột mà do mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi “cắm” ở người khác vay tiền chưa “chuộc” được bìa đất để trả cho cậu.
Hai bị hại khác là anh PS và ông TQQ (trú Hà Tĩnh) cũng đề nghị làm rõ các thửa đất mà hai bị cáo Phương, Thành thoả thuận mua cho các bị hại nhưng đang cầm cố bìa đất.
Tại phiên toà chiều hôm nay, bị cáo Thành xin giao nộp một số chứng cứ để xem xét chứng minh bị cáo Thành không chiếm đoạt tài sản của bà T và bà NTH (trú TP Hà Tĩnh).
Phiên toà sẽ tiếp tục vào ngày mai...
Theo kết luận của cáo trạng VKSND tỉnh Hà Tĩnh, do kinh doanh bất động sản thua lỗ, phải vay mượn tiền của nhiều cá nhân, mất khả năng thanh toán nên Phương cùng vợ đưa ra các thông tin gian dối lừa vay tiền đảo hợp đồng vay ngân hàng, góp vốn đầu tư mua bán đất, các dự án bất động sản, xin cấp đất ở mà không đấu giá, lừa thuê, mượn ô tô để vay tiền.
Bằng các thủ đoạn nêu trên, từ đầu năm 2021 đến đầu tháng 11-2022, Phương cùng vợ đã lừa đảo chiếm đoạt của 13 người bị hại với tổng số tiền hơn 68 tỉ đồng. Ngoài ra, Phương còn thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt 3 xe ô tô của ba người bị hại và sử dụng ba giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để chiếm đoạt tài sản của ba bị hại.