Chiều 28-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Quả, Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Định, cho biết Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản kết luận chính thức vụ chiếc xe container 86H-4139 đỗ ngay đường dẫn trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động trên quốc lộ 1 đặt tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước (Bình Định) để phản đối kết quả cân kiểm tra, làm trạm tê liệt hơn 36 tiếng đồng hồ.
Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kết luận: tổ hợp xe đầu kéo 86H-4139 kéo rơmoóc 51R-003.06 chở container chứa hàng vượt quá khối lượng cho phép khi tham gia giao thông hơn sáu tấn, tương đương 20%.
Tổng cục Đường bộ cũng khẳng định bộ cân của trạm cân Bình Định là bộ cân của hãng Massload do Canada sản xuất, được Công ty Hanel cung cấp theo dự án của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đã được kiểm định kỳ lần hai vào ngày 13-10-2015, còn giá trị đến tháng 10-2016.
“Thanh tra Sở GTVT Bình Định sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vận chuyển hàng hóa quá tải trọng cho phép đối với tài xế, chủ xe theo theo quy định. Ngoài ra, chủ xe, tài xế cũng phải chịu chi phí cưỡng chế đưa chiếc xe ra khỏi trạm cân” - ông Quả nói.
Trung tá Ngô Cự Vinh, Phó phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định, cho biết thêm cơ quan này đã lập biên bản để xử phạt hành chính đối với tài xế chiếc xe trên về hành vi cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức.
Cưỡng chế đưa chiếc xe container ra khỏi trạm cân sau gần hai ngày trạm bị tê liệt. Ảnh: TẤN LỘC
Theo văn bản của Tổng cục Đường bộ, ngày 6-3, trạm cân Bình Định phát hiện tổ hợp xe đầu kéo 86H-4139 kéo rơmoóc 51R-003.06 chở container chứa hàng, do tài xế Lê Thành Nghiệp (35 tuổi, ngụ huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) điều khiển, có dấu hiệu chở hàng quá tải nên đã tiến hành cân kiểm tra tải trọng.
Kết quả cân tải trọng cho thấy khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe là 49,7 tấn, khối lượng hàng hóa chở (gồm phân bón, container) là 36,593 tấn, vượt khối lượng cho phép 6,093 tấn, tương đương 20%.
Tuy nhiên, tài xế, chủ xe không đồng ý với kết quả cân này, không ký biên bản vi phạm và cho xe tải đỗ ngay tại trạm cân để phản đối. Sau khi ông Trần Văn Phương (ngụ Bình Thuận, chủ xe) gọi điện thoại vào đường dây nóng của Tổng cục Đường bộ khiếu nại, cho rằng trạm cân Bình Định cân sai để xe của ông vi phạm ở mức bị xử phạt, Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo đơn vị cung cấp thiết bị cân tiến hành kiểm tra thiết bị cân tại Bình Định, cho phép trạm cân tiến hành cân tải trọng tổ hợp xe lần hai để giám sát trực tuyến.
Kết quả cân lại lần hai vào sáng 7-3 cũng xác định xe vượt quá tải trọng cho phép hơn 20%. Trong khi đó, chủ xe và tài xế cho rằng chiếc xe này không chở quá tải vì chỉ chở đúng số phân đạm đã xuất đi từ Ninh Bình.
Về khiếu nại của ông Trần Văn Phương cho rằng phiếu cân tại trạm cân Bình Định sai quy định thực tế của Chính phủ, Bộ GTVT vì xe đầu kéo 86H-4139 kéo rơmoóc 51R-003.06 được chở trọng tải 48 tấn nên xe không vi phạm vận chuyển hàng hóa quá tải trọng cho phép, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng ông Phương đã hiểu nhầm về vấn đề này.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, ô tô lưu hành trên đường bộ phải chấp hành hai quy định về tải trọng gồm: quy định về tải trọng đường bộ và quy định về khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép khi tham gia giao thông. Xe đầu kéo 86H-4139 kéo rơmoóc 51R-003.06 đã vi phạm quy định về khối lượng hàng hóa chuyên chở cho phép tham gia giao thông, hàng hóa thực tế cân được là 36,593 tấn, trong khi quy định chỉ cho phép là 30,5 tấn; khối lượng cân được toàn bộ xe (xác xe và hàng) là 49,7 tấn trong khi chỉ cho phép 43,607 tấn.
Tỉnh Bình Định phải huy động hàng chục người gồm nhiều lực lượng cùng phương tiện để cưỡng chế đưa xe container ra khỏi trạm cân. Ảnh: TẤN LỘC
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, để phản đối kết quả cân trên, chủ xe và tài xế đã cho đỗ chiếc xe container ngay đường dẫn trạm cân Bình Định làm trạm bi tê liệt gần hai ngày liền.
Tỉnh Bình Định phải huy động hàng chục người gồm nhiều lực lượng cùng một xe kéo, một xe cẩu tiến hành cưỡng chế đưa xe container ra khỏi trạm cân.
Đến ngày 15-3, ông Trần Văn Phương đã thuê nhân công bốc dỡ hàng, kiểm đếm từng bao phân đạm rồi cân đối chứng trên hai cân khác để chứng minh xe container của mình chở đúng tải như phiếu xuất kho tại Ninh Bình.
Sau đó, ông Phương gửi đơn kêu cứu khẩn cấp lên các cơ quan chức năng trung ương. Ngày 17-3, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có văn bản yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Công an tỉnh này giải quyết khiếu nại của ông Phương.