Sau lần bị truy tố oan về tội kinh doanh trái phép, tên quán cà phê Xin chào ở thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM vừa được “hâm nóng” trên các báo với việc bị xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
Ngày 16-8-2016, do đặt tạm khúc container trong phần đất vườn kế bên quán để làm chỗ rửa ly, chén..., chủ quán Xin chào là ông Nguyễn Văn Tấn đã bị chủ tịch UBND thị trấn ra quyết định đình chỉ thi công công trình kèm theo “hăm he” cắt điện, nước; buộc tự tháo dỡ, nếu không sẽ bị cưỡng chế. Theo UBND thị trấn, ông Tấn đã có hành vi “tổ chức thi công công trình khác (công trình container) trên đất không được phép xây dựng” (nguyên văn trong quyết định đình chỉ thi công), vi phạm quy định nêu tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 180/2007 của Chính phủ.
Luật mẹ chết, điều gì xảy ra?
Sự thật thì khoản 1 Điều 12 Nghị định 180/2007 không hề có nội dung vi phạm nêu trên. Điều khoản này chỉ quy định về việc xử lý hành vi xây dựng không phép (nói đầy đủ là công trình xây dựng theo quy định phải có giấy phép xây dựng nhưng khi xây dựng không có giấy phép). “Công trình container” không phải là công trình xây dựng để bị điều chỉnh theo điều khoản này. Vậy nên nếu nói là áp dụng theo Nghị định 180 thì UBND thị trấn đã áp dụng sai nghị định này trong việc xác định vi phạm đặt container của ông Tấn.
Vấn đề nổi cộm liên quan là tại thời điểm này, UBND cấp xã có được căn cứ vào Nghị định 180 để xử lý các vi phạm trật tự xây dựng đô thị?
Trên Pháp Luật TP.HCM ra ngày 19-8, luật sư Phạm Công Hùng (nguyên Thẩm phán TAND Tối cao) cho rằng quyết định đình chỉ thi công của UBND thị trấn Tân Túc là bất hợp pháp bởi lẽ Nghị định 180 đã hết hiệu lực. Luật sư Hùng giải thích thêm: Nghị định 180 hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng 2003 mà từ 1-1-2015 thì Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực thi hành.
Viện dẫn quy định “văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) hết hiệu lực thì VBQPPL quy định chi tiết thi hành cũng đồng thời hết hiệu lực” (khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành VBQPPL 2015), nôm na là “luật mẹ chết thì luật con chết theo”, rất nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý cũng đồng tình với nhận định này của luật sư Hùng.
Container được đặt ở góc trái quán Xin Chào, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: Lệ Trinh
Khoảng trống pháp lý khủng khiếp
Tuy nhiên, nếu hiểu như thế để cho là Nghị định 180 đã “chết” thì các vi phạm trật tự xây dựng mới phát sinh sẽ được xử lý sao khi vẫn chưa có quy định thay thế? Công tác quản lý trong lĩnh vực xây dựng và trong nhiều lĩnh vực kinh tế, hành chính, văn hóa… sẽ như thế nào khi có khoảng trống pháp lý kinh khủng do nhiều văn bản dưới luật đồng loạt bị loại bỏ theo luật cũ mà chưa kịp có văn bản hướng dẫn mới?
Nhằm tránh các hậu quả phát sinh, theo tìm hiểu của người viết, một lãnh đạo cấp vụ của Bộ Tư pháp đã lưu ý: Nguyên tắc “luật con chết theo” chỉ áp dụng cho các VBQPPL được ban hành từ ngày 1-7-2016 (thời điểm Luật Ban hành VBQPPL 2015 có hiệu lực) trở về sau. Với quan điểm này, vì Luật Xây dựng 2014 được ban hành trước nên không thể hồi tố nguyên tắc “mẹ-con” để phủ nhận hiệu lực của Nghị định 180 vào lúc này.
Được biết tại Văn bản 2974/BXD-TTr ngày 21-12-2015, Bộ Xây dựng cũng có ý kiến chỉ đạo tương tự. Văn bản này nêu: Để đảm bảo hoạt động quản lý trật tự xây dựng không bị gián đoạn, trong thời gian chờ ban hành nghị định thay thế Nghị định 180/2007, Bộ Xây dựng đã có văn bản báo cáo Chính phủ quyết định việc tiếp tục áp dụng Nghị định 180 đối với những nội dung không trái với Luật Xây dựng 2014…
Tính ra, cùng một vấn đề nhưng có đến hai cách hiểu. Cách hiểu 1 “luật con chết theo” nghe rất có lý vì được chiếu theo khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành VBQPPL 2015 nhưng hiện tại mang đến nhiều bất ổn cho việc thực thi pháp luật và quản trị xã hội. Ngược lại, cách hiểu 2 “luật con không chết theo” tính theo thời điểm ban hành luật thì không rõ căn cứ theo quy định nào. Riêng với Nghị định 180, tuy Chính phủ không có văn bản bãi bỏ nhưng nếu Bộ Xây dựng cho phép tiếp tục thực hiện bằng các văn bản cá biệt thì có đủ tính pháp lý để các nơi đều biết và cùng thực hiện?
Không đồng bộ đến bao giờ?
Trước vấn nạn nợ đọng văn bản, bên cạnh nguyên tắc “luật con chết theo” như đã nêu ở trên, Luật Ban hành VBQPPL 2015 còn yêu cầu: “Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh và phải được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của văn bản...”. Thế nhưng từ vụ xử lý hành chính chủ quán Xin chào mới thấy công tác xây dựng, thi hành pháp luật vẫn còn nhiều khiếm khuyết với ba cái thiếu là thiếu chuyên nghiệp, đồng bộ, thống nhất.
Trở lại việc tiếp tục áp dụng Nghị định 180, mặc dù Bộ Xây dựng yêu cầu loại bỏ những nội dung trái với Luật Xây dựng 2014 nhưng với “rừng” quy định như hiện nay, làm sao người dân và cả chính quyền dễ dàng đối chiếu, xác định cái nào được làm, cái nào không?
Đơn cử là trong việc đòi cắt điện, nước… vào “công trình container” của ông Tấn, do luật mới không quy định các chế tài này nên rõ ràng chủ tịch thị trấn Tân Túc đã làm sai. Tới đây, có thể vì không thể biết hết hoặc biết nhưng lợi dụng sự “tù mù” của luật để hành xử theo mục đích riêng, nhiều nơi sẽ có thêm cái sai mới khiến người dân khốn đốn và chính quyền càng mất uy tín.
Container không phải là công trình xây dựng Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Xây dựng… thì container đặt trên nền đất không phải là công trình xây dựng. Việc đặt container trên diện tích đất… cũng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 180/2007 quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Xây dựng về xử phạt vi phạm trật tự xây dựng đô thị. (Trích Văn bản 2326 ngày 23-9-2014 của Bộ Xây dựng) 1 là số nghị định được ban hành tính trên 157 văn bản cần được ban hành để quy định chi tiết 18 luật sẽ có hiệu lực trong thời gian tới. Trong đó có tới 114/156 văn bản quy định chi tiết 12 luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2016 nhưng đến nay mới có 7/114 văn bản được trình cấp có thẩm quyền xem xét để ban hành, còn 107/114 văn bản vẫn đang trong quá trình soạn thảo hoặc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định. (Theo VGP News ngày 4-5-2016 trích từ báo cáo mới của Bộ Tư pháp) |