Vua ngoại người Nhật Jumpei Ilda cũng khoác áo FIFA như nhiều trọng tài FIFA Việt Nam, cũng có lúc nhận định không đúng nhưng ông không bị cầu thủ gây áp lực, vây hãm đòi thay đổi quyết định hay sỉ vả.
Trọng tài ngoại chỉ nghĩ đến trận đấu, trọng tài nội phải nghĩ 10
Trao đổi với chúng tôi, những vị điều hành trọng tài cho biết trọng tài ngoại nhiều người không hơn trọng tài nội về chuyên môn nhưng vẫn phải mời họ vì nhiều cầu thủ và đội bóng “tin” họ hơn nên sẽ ít rắc rối, phiền phức hơn (!?).
Đó không phải là nhận định sai hay trái chiều bởi thực tế ở V-League nói riêng và nhiều giải ở Việt Nam nói chung, nhiều đội bóng luôn nghi kỵ trọng tài nội. Sự đa nghi và mất niềm tin đấy đã ăn sâu vào tiềm thức bởi trọng tài Việt Nam không có may mắn như các trọng tài ngoại. Khi ra sân, trọng tài Việt Nam chịu quá nhiều chi phối ở giải nội còn trọng tài ngoại họ được mời đến, làm xong và nhận một khoản tiền phí do ban tổ chức V-League chi trả.
Sự chi phối của trọng tài Việt Nam vốn là căn bệnh của một nền bóng đá. Chúng tôi tin chắc những người đang làm công tác điều hành trọng tài như Trưởng ban Nguyễn Văn Mùi hay Phó ban Dương Văn Hiền khi còn cầm còi họ cũng hiểu và từng trải qua căn bệnh đấy. Đó là căn bệnh trước khi ra sân phải nghe ngóng xem tình hình hai đội có những ông lãnh đạo thuộc dây nào. Họ có được sếp của mình ưu ái qua những mối quan hệ không. Thậm chí họ còn phải đón gió rằng vì sao sếp muốn mình bắt trận đó và phải “đọc” được ý đồ nếu không thì sẽ khó có cửa thăng tiến hay được giao nhiều kèo thơm.
Đó là phần nổi mà trọng tài nội phải tinh ý “giải mã”. Còn phần chìm đó là nhiều CLB luôn tìm kiếm các trọng tài và “gửi gắm” qua nhiều cách. Trước đây là việc đặt vấn đề “thắng thì anh thưởng” nhưng càng về sau khi tiền đổ vào cho bóng đá càng nhiều thì “biết điều” với trọng tài để còn gặp nhau hoài và còn “dễ dãi” với nhau.
Trọng tài ngoại Jumpei Ilda không gặp trở ngại nào từ các CLB. Ảnh: NNVN
Nỗi đau vua nội
Chúng tôi tin chắc những sự cố hay tranh cãi từ đầu mùa đến giờ như trận TP.HCM - Long An hay gần nhất là Hải Phòng - TP.HCM, lãnh đạo các đội bóng phản ứng trọng tài không phải vì họ chỉ trích chê trách chuyên môn mà vì điều họ biết ở cuộc chơi này các trọng tài hay bị “chích”. Cựu trưởng đoàn Long An Võ Văn Nhiệm khi bình tĩnh lại hay trách mình phản ứng không khéo nhưng vẫn dứt khoát là trọng tài có tiêu cực, có vấn đề về tư tưởng mới xử lý thế và làm được vậy là họ giỏi nghề lẫn giỏi vận hành mới làm được.
Có một điều lạ lùng ở V-League mà chính Ban Trọng tài VFF sau nhiều mùa bóng vẫn chưa thể giải tỏa là trọng tài ngoại không giỏi hơn đồng nghiệp nội nhưng họ không bị phản ứng theo kiểu “Chí Phèo” như các CLB vẫn hay dùng để dằn mặt nhau.
V-League lên tuổi 17 vẫn chưa ai chấp nhận những sai số của trọng tài nội như là một phần của cuộc chơi bởi căn bệnh mà bóng đá nội hay đúng hơn là chính họ, là những người tiền nhiệm của họ góp phần làm hư trọng tài. Đó là chưa kể trọng tài còn là nơi “đánh bùn sang ao” dễ nhất để người ta lý giải cho thất bại của đội nhà nhằm che đậy đi một âm mưu đen tối nào đó.
Riêng với trọng tài ngoại dù đẳng cấp có thể không cao vẫn không mấy khó khăn cầm còi các trận đấu V-League bởi họ không chịu tác động từ nhiều phía và không ân oán với CLB nào cả. Họ cũng không cần phải lấn cấn trong việc tìm hiểu đội X có thân với sếp này hay đội Y có thân với sếp kia rồi phải đi “giải mã” những câu bóng gió của người có quyền phân công lẫn quyền sinh sát với mình.
Đó là lời giải cho sai sót của trọng tài ngoại dễ được cho qua hơn đồng nghiệp Việt Nam dù không giỏi hơn nhưng họ không bị các CLB nghi kỵ có tiếng còi lệch lạc ngoài chuyên môn.
Đấy là nỗi đau của “vua sân cỏ” Việt Nam hay đúng hơn là của nhiều người muốn làm trọng tài một cách tử tế.