Bà Nguyễn Thị Cải tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ số 139/11 Ngô Tất Tố, phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Vợ chồng bà về đây thuê trọ từ năm 2012.
Căn nhà trọ này trước đây do bà NTKL làm chủ sở hữu. Bà L. ngăn ra làm hai căn để lấy một nửa cho bà Cải thuê.
Cầm 500 triệu đồng rồi đi biệt
“Hai vợ chồng tôi không có con cái nên nương tựa vào nhau mà sống. Về đây được năm thì ông bị tai biến, phải nằm một chỗ. Đầu năm 2017, bà chủ nhà NTKL cần tiền gấp, muốn thế chấp căn nhà cho tôi với giá 500 triệu đồng. Tôi mượn tiền của người quen để cho bà L. thế chấp. Giấy thế chấp viết tay, có sự chứng kiến của công an khu vực nên tôi tin tưởng. Căn nhà sau đó ngăn hai, phần trước tôi ở, phần sau tôi cho người thuê để có tiền ăn uống” - bà Cải nói.
Trong tờ giấy thế chấp, bà NTKL ghi: “Hôm nay, ngày 1-4-2017, tôi thế chấp căn nhà nhỏ cho bà Nguyễn Thị Cải với số tiền 500 triệu đồng (năm trăm triệu đồng). Sau khi tôi giao nhà (một phần căn nhà số 139/11 Ngô Tất Tố, phường 22 quận Bình Thạnh) thì bà Cải có nghĩa vụ giao tiền (không lãi suất). Thời gian từ 1-4-2017 đến 1-4-2019”.
Theo bà Cải (và trong tờ giấy nói trên cũng có ghi), buổi giao nhận tiền còn có sự chứng kiến của một cảnh sát khu vực.
Tuy nhiên, hai ông bà mới ở được khoảng bốn tháng thì có nhóm người lạ mặt tới đòi nhà. Họ bảo bà L. đã bán căn nhà này cho họ, yêu cầu vợ chồng bà Cải phải ra ngoài. Chủ nhà cũ thì đã biệt tích đâu không rõ.
Không chỉ uy hiếp bằng lời nói, nhóm người lạ còn dùng xà beng nạy cửa gây áp lực, làm bong tróc bản lề.
“Nhóm người lạ đó nói sẽ đền cho tôi 250 triệu đồng, bảo tôi im lặng đi chỗ khác sống. Nhưng có vay phải có trả, hai vợ chồng tôi sống đến tuổi này, không có con cái, có mấy người dám cho mượn tiền để đưa cho bà L. mà có nhà ở lâu dài, giờ tôi biết lấy gì trả người ta?” - bà Cải nói.
Bà Cải giữ kỹ tờ giấy làm tin khi đưa 500 triệu đồng cho bà L., có sự chứng kiến của công an khu vực. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Không biết chủ nhà hiện ở đâu
Trả lời chúng tôi về vấn đề này, bà Trần Thị Trúc Linh, cán bộ tư pháp-hộ tịch UBND phường 22, quận Bình Thạnh, cho biết bà L. nợ nần rất nhiều. Việc bà L. cầm cố căn nhà cho vợ chồng bà Cải nhưng rồi lại bán cho người khác mà chưa trả lại số tiền cho bà Cải là có thật. Buổi giao nhận tiền giữa hai bên đúng là có sự chứng kiến của công an khu vực.
“Bà Cải đưa 500 triệu đồng cho bà L. để được ở trong ngôi nhà đó khoảng thời gian nhất định. Hết thời hạn, bà L. phải trả lại số tiền 500 triệu đồng đó cho bà Cải. Vấn đề ở đây là chưa hết hạn hợp đồng, chưa trả lại số tiền trên cho bà Cải mà bà L. đã bán nhà cho người khác, tiền cũng không chịu trả lại cho bà Cải” - bà Trúc Linh nói.
Phường cho biết đã gửi giấy mời hòa giải hai bên nhưng chỉ có bà Cải tới, bà L. vắng mặt. “Chúng tôi đã liên lạc nhiều lần nhưng ngay cả anh em, người nhà cũng không biết hiện tại bà L. đang ở đâu” - bà Trúc Linh chia sẻ.
Nói về câu chuyện này, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND phường 22, quận Bình Thạnh, cho biết: “Đây là tranh chấp dân sự, trong khả năng thẩm quyền, phường chỉ có thể hòa giải. Chuyện gia đình bà Cải từng bị nhóm người lạ tới dùng xà beng nạy phá, phường chưa nắm thông tin vụ việc. Nếu có hành vi côn đồ, xã hội đen, chúng tôi sẽ chỉ đạo công an thường xuyên kiểm tra đeo bám, xử lý nghiêm”.
Người mua nhà nên kiện chủ cũ ra tòa Hành vi thế chấp nhà của bà L. thực chất là vay tiền của bà Cải không lãi suất. Mục đích hành vi này là lấy tiền lãi từ số tiền bà Cải giao để cho bà ở trong vòng hai năm. Sau đó bà L. trả lại cho bà Cải tiền. Chỉ khi nào bà L. trả lại tiền vay thì bà L. mới được bán nhà đó. Hiện nay, thời hạn của việc thế chấp chưa chấm dứt. Pháp luật quy định trong trường hợp này thì thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở là kể từ thời điểm bên mua đã thanh toán đủ tiền mua, tiền thuê mua và đã nhận bàn giao nhà ở, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác (theo khoản 1, khoản 5 Điều 12 Luật Nhà ở 2014). Do đó, nếu chưa nhận bàn giao nhà ở trên thực tế mà không có thỏa thuận khác thì người mua nhà của bà L. chưa có đầy đủ quyền sở hữu nhà ở. Nếu vậy, hướng ra cho câu chuyện này là người mua nhà kiện bà L. ra tòa án có thẩm quyền để tranh chấp quyền sở hữu nhà ở. Khi đó bà Cải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan sẽ có yêu cầu độc lập để đòi số tiền đã cho bà L. mượn. Luật sư TRỊNH NGỌC HOÀN VŨ, Đoàn Luật sư TP.HCM |