Ông Huỳnh Trí Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Alustar ở Bình Chánh, TP.HCM, gửi đơn đến báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh trường hợp oái oăm mà công ty ông đang gặp phải. Theo đó, ông mua trúng đấu giá nhà xưởng 20 tỉ đồng đã hai năm nay nhưng không thể sử dụng được nhà xưởng này vì vướng phải cái của nợ đang nằm chình ình ở đây.
Mua tài sản mà không sử dụng được
Theo ông Dũng, đầu năm 2015 Công ty Alustar có nhu cầu xây thêm nhà xưởng để mở rộng sản xuất. Thông qua một người quen giới thiệu, công ty được biết Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Đức Hòa, Long An đang bán đấu giá một nhà xưởng tại KCN Tân Đức, Long An. Đến xem, ông Dũng được biết ngoài đất, nhà xưởng được mang ra bán đấu giá còn có một số máy móc, thiết bị, băng chuyền của Công ty Cổ phần Nhôm Hiệp Phong đang đặt trong đây.
Ông Dũng có hỏi đơn vị bán đấu giá tài sản về số tài sản của Công ty Nhôm Hiệp Phong thì đơn vị này thông tin nếu có cá nhân, đơn vị nào mua trúng đấu giá thì THA sẽ yêu cầu Công ty Nhôm Hiệp Phong di chuyển máy móc của họ đi nơi khác. Với giải thích trên, Công ty Alustar quyết định mua nhà xưởng này.
Ngày 27-5-2015, Công ty Alustar trúng đấu giá số tài sản gồm đất và nhà xưởng với diện tích hơn 10.000 m2. Ngày 8-6-2015, Công ty Alustar đã thanh toán đầy đủ hơn 20 tỉ đồng. Sau đó, nhiều lần Công ty Alustar yêu cầu cơ quan THA bàn giao tài sản và thực hiện di dời số máy móc nhưng THA không thực hiện.
Qua thời gian, nhà xưởng xuống cấp. Do muốn sửa chữa để sử dụng nên ngày 21-8-2015, Công ty Alustar đã đồng ý nhận tạm tài sản trên trong thời gian chờ những nơi liên quan di dời máy móc của Công ty Nhôm Hiệp Phong. Tuy nhiên, đã gần hai năm trôi qua nhưng không cơ quan nào di dời máy móc ra khiến Công ty Alustar không thể sử dụng, khai thác nhà xưởng được.
“Công ty Alustar là doanh nghiệp nhỏ, không có nguồn vốn nhiều để mở rộng sản xuất nên làm liều vay vốn ngân hàng để mua nhà xưởng nói trên làm nơi sản xuất. Nào ngờ gặp phải cái của nợ này nên hai năm qua chúng tôi không thể sản xuất được. Nào là tiền lãi ngân hàng, tiền thuê bảo vệ giữ nhà xưởng, việc mở rộng sản xuất phải ngưng trệ..., thiệt hại này ai sẽ chịu trách nhiệm đây?” - ông Dũng bức xúc.
Thiết bị, máy móc, băng chuyền nằm trong nhà xưởng của Công ty Alustar mua trúng đấu giá. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Chủ tài sản buông, thi hành án không di dời
Tiếp xúc với PV, ông Nguyễn Tâm Trường, đại diện Công ty Cổ phần Nhôm Hiệp Phong, giải thích: “Trước đây, Nhôm Hiệp Phong đã thuê kho xưởng của Công ty Thiên Kim để đặt máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất. Trong hai bản án xét xử của tòa, một là bản án xử lý tài sản nhà xưởng của Công ty Thiên Kim và hai là bản án giữa ngân hàng kiện Công ty Nhôm Hiệp Phong lại không buộc Công ty Nhôm Hiệp Phong di dời tài sản đi nơi khác. Vì thế, chúng tôi chỉ làm theo bản án tòa tuyên, những gì tòa không tuyên chúng tôi không thực hiện. Nếu sau này có cá nhân, đơn vị nào mua trúng đấu giá tài sản của chúng tôi thì họ có trách nhiệm di dời”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Văn Lình, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Đức Hòa, Long An, cho biết tài sản Công ty Alustar mua trúng đấu giá thành thì Chi cục THADS có trách nhiệm phải giải quyết. Tuy nhiên, quá trình cưỡng chế, bàn giao tài sản cho Công ty Alustar, chấp hành viên đã nhiều lần thông báo cho Công ty Nhôm Hiệp Phong di dời máy móc, thiết bị ra khỏi nhà xưởng nhưng công ty này không thực hiện.
Ngoài ra, ông Lình cho biết những máy móc của Công ty Nhôm Hiệp Phong trước đó đã thế chấp cho một ngân hàng và ngân hàng đã khởi kiện, TAND tỉnh Long An đã thụ lý và có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. “Vì thế, việc cưỡng chế di dời tài sản của công ty Nhôm Hiệp Phong phải chờ đến khi xử lý xong tài sản của công ty này. Hiện nay, phần tài sản của Nhôm Hiệp Phong đang đưa ra bán đấu giá lần ba và khi người mua trúng đấu giá thành phải di dời tài sản này đi nơi khác” - ông Lình nói.
Trả lời câu hỏi ai sẽ chịu trách nhiệm về thiệt hại của Công ty Alustar, ông Lình nói: “THA đã làm hết trách nhiệm của mình, nếu Công ty Alustar có đơn yêu cầu di dời số tài sản của Nhôm Hiệp Phong ra khỏi nhà xưởng đó thì chúng tôi sẽ xem xét giải quyết di dời. Nếu Công ty Alustar cho rằng mình bị thiệt hại thì có thể khởi kiện đến tòa án, tòa tuyên như thế nào thì cơ quan THA sẽ thực hiện theo bản án của tòa”.
Thi hành án phải có trách nhiệm! Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND tỉnh Long An đối với số tài sản của Công ty Nhôm Hiệp Phong chỉ nêu: “Phong tỏa tài sản của Công ty Cổ phần Nhôm Hiệp Phong”. Và trong quyết định ngăn chặn không nói cấm di chuyển tài sản đi nơi khác. Do đó, theo tôi, căn cứ Điều 103 Luật THADS thì cơ quan THA phải có nghĩa vụ giao tài sản bán đấu giá cho Công ty Alustar. Nếu Công ty Nhôm Hiệp Phong không chịu di dời tài sản đi nơi khác thì theo Điều 58 Luật THADS, cơ quan THA có trách nhiệm phải di dời toàn bộ tài sản trên đến bảo quản tại kho của cơ quan THADS hoặc có thể giao cho cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản. Cơ quan THA cho rằng sở dĩ không thể di dời tài sản của Công ty Nhôm Hiệp Phong là do vướng quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa là chưa phù hợp với quy định pháp luật. Bởi theo Điều 179 Luật THADS thì nếu cho rằng tòa ra quyết định không rõ ràng mà chỉ nói “phong tỏa tài sản” thì cơ quan THA phải có công văn yêu cầu tòa giải thích rõ nội dung, rằng có được phép di chuyển tài sản của Công ty Nhôm Hiệp Phong đi nơi khác hay không. Nếu cơ quan THA không gửi công văn tới tòa tức là chưa làm hết trách nhiệm của mình. TS NGUYỄN VĂN TIẾN, Giảng viên trường ĐH Luật TP.HCM |