Vướng hành lang an toàn tháp gió: Chính quyền, doanh nghiệp lúng túng

(PLO)-Chính quyền địa phương và doanh nghiệp đều lúng túng trong khâu đền bù, hỗ trợ cho người dân trong hành lang an toàn cột tháp gió.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-5, nguồn tin PLO, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm hướng dẫn, ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong phạm vi hành lang an toàn của cột tháp gió.

Hàng trăm hộ dân trong hành lang cột tháp gió

Cụ thể, các nội dung cần được sớm hỗ trợ hướng dẫn, gồm: xác định diện tích đất bị ảnh hưởng, mức độ ảnh hưởng, tính toán mức bồi thường, hỗ trợ về đất, nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng, chuồng trại, gia súc,...để làm cơ sở triển khai thực hiện, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Chính quyền địa phương và doanh nghiệp lúng túng đền bù trong phạm vi hành lang an toàn của cột tháp gió
Hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng trong phạm vi an toàn cột tháp gió của các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai chưa được đền bù, hỗ trợ. Ảnh: LK.

Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai, tình hình thực hiện và triển khai các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2018 - 2022, có 63 hộ dân tại huyện Ia Grai, 125 hộ dân tại huyện Chư Pưh, 97 hộ dân tại huyện Chư Prông sinh hoạt và sản xuất nằm trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió.

Lo sợ bị ảnh hưởng, các hộ dân kiến nghị hỗ trợ, bồi thường đất đai, tài sản trên đất để yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Một số nơi người dân liên tục khiếu nại, đơn từ vượt cấp.

Tại huyện Ia Grai, ông Nguyễn Văn Tấn (ngụ làng Nang Long Osor, xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) cho biết, hơn ba năm nay, dự án điện gió của Công ty Cổ phần Đầu tư năng lượng điện xanh Gia Lai đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa có giải pháp đền bù, hỗ trợ cho người dân trong khu vực hành lang an toàn cột tháp gió. Nhiều hộ bị ảnh hưởng vẫn chưa được kiểm kê, xác định để có hướng giải quyết.

“Diện tích đất của tôi nằm trong khu vực cột tháp gió khoảng bốn sào. Hiện tại, ngôi nhà tôi đang ở cũng nằm ở đây, các trụ điện gió vận hành gây tiếng ồn rất lớn”, ông Tấn nói.

Tại huyện Chư Pưh, xã Ia Le, trụ điện gió N13 cách nhà bà Phạm Thị Hòa (thôn Phú Bình) 80 m. Bà Hòa phản ánh diện tích đất và tài sản bị ảnh hưởng khoảng 3 ha trong khu vực dự án điện gió của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1.

Theo bà Hòa, phía công ty và gia đình bà có đối thoại giải quyết nhưng do mức đền bù, hỗ trợ chưa thỏa đáng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Bà đã có nhiều đơn phản ánh đến cơ quan chức năng đề nghị giải quyết.

Chính quyền địa phương và doanh nghiệp lúng túng đền bù trong phạm vi hành lang an toàn của cột tháp gió
Hộ ông Nguyễn Văn Tấn (xã Ia Pếch, huyện Ia Grai) nằm trong phạm vi hành lang an toàn của cột tháp gió. Ảnh: LK.

Muốn hỗ trợ dân nhưng không có cơ sở?

Theo ông Nguyễn Minh Tứ, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, đến nay Trung ương vẫn chưa có quy định cụ thể nên việc tính toán đền bù đất đai, tài sản trong phạm vi hành lang an toàn tháp gió. Đây là tình trạng chung cả nước.

Nội dung này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo các bộ khẩn trương hướng dẫn, nhưng không biết khi nào mới có văn bản.

“Hiện nay địa phương tập trung chỉ đạo, xử lý đối với các trường hợp có nhà ở hoặc chăn nuôi dưới cánh quạt, bằng mọi biện pháp phải di dời ra khỏi phạm vi an toàn tháp gió”, ông Tứ nêu giải pháp trước mắt.

Tại dự án điện gió của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển điện gió Cao Nguyên 1 (xã Ia Le, huyện Chư Pưh), chủ đầu tư nỗ lực trong giải quyết quyền lợi cho người dân. Trước mắt, đơn vị đã thống nhất đền bù, hỗ trợ đưa 8/10 hộ đến khu tái định cư mới để đảm bảo an toàn cho người dân.

Theo ông Tứ, huyện rất muốn sớm giải quyết quyền lợi cho người dân nhưng không dám làm, không có cơ sở để làm nên không thể yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện được. Phía doanh nghiệp cũng khó đền bù theo kiến nghị của người dân vì không có cơ sở giải quyết.

Kiến nghị bổ sung quy định khoảng cách an toàn của cột tháp gió

Trong báo cáo quý 1-2024 ngày 9-5, UBND tỉnh Gia Lai cũng đã kiến nghị Bộ Công thương sớm xây dựng, ban hành hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo xây dựng, sớm ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực, trong đó đưa các nội dung về năng lượng tái tạo vào trong Luật Điện lực; quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất và tài sản gắn liền với đất nằm trong hành lang an toàn của cột tháp gió.

Đồng thời, đề nghị Bộ nghiên cứu về tác động của cánh quạt tua bin điện gió và tiếng ồn của tua bin gió để sửa đổi, bổ sung quy định về khoảng cách an toàn của cột tháp gió.

Theo điều 11 Thông tư 02/2019/TT-BCT Bộ Công thương quy định về an toàn công trình điện gió phải nằm cách xa khu dân cư ít nhất 300 m.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm