Hiện nay, hành vi vượt đèn đỏ, đèn vàng khi tham gia giao thông của người dân là lỗi thường gặp, theo đó Nghị định 100/2019 quy định chung về hành vi này là không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Người dân vi phạm sẽ bị xử lý hành chính với mức phạt là như nhau.
Cụ thể, đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) bị phạt tiền từ 600 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ một tháng đến ba tháng (Điểm e, khoản 4 và Điểm b Khoản 10 Điều 6).
Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng, đồng thời tước quyền sử dụng GPLX từ một tháng đến ba tháng; từ hai đến bốn tháng nếu gây tai nạn giao thông (Điểm a Khoản 5, Điểm b, c Khoản 11 Điều 5 ).
Đối máy kéo, xe máy chuyên dùng, người điều khiên xe bị phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ một tháng đến ba tháng; từ hai đến bốn tháng nếu gây tai nạn (Điểm đ Khoản 5; Điểm a, b Khoản 10 Điều 7).
Lỗi vượt đèn vàng được hiểu là lỗi không tuân thủ quy định khi thấy tín hiệu đèn vàng (trừ tin hiệu vàng nhấp nháy) phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp.
Theo đó, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới về báo hiệu đường bộ (QCVN 41:2019 sửa đổi Quy chuẩn 41:2016) quy định vượt đèn vàng không có sự khác biệt với quy định hiện hành.
Cụ thể, Quy chuẩn này quy định tín hiệu vàng bật sáng, phải dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đi quá vạch dừng hoặc quá gần vạch dừng nếu dừng lại thấy nguy hiểm thì được đi tiếp.
Theo đó, đèn vàng là tín hiệu đèn giao thông để chuyển sang đèn đỏ hay còn gọi là thời gian dọn nút giao, để khi xe đi vào nút giao với tốc độ cao gặp tín hiệu chuẩn bị chuyển sang tín hiệu đèn đỏ nếu dừng lại sẽ không an toàn thì tài xế được phép đi tiếp. Trong trường hợp xe đi từ xa với tốc độ chậm dừng lại an toàn thì phải dừng lại.