Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (Vusta) ngày 23-10 đã gửi đến Quốc hội văn bản đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật về Hội.
Văn bản này do Chủ tịch Vusta, GS Đặng Vũ Minh ký.
Vusta đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến chuyên gia cũng như tích cực đóng góp cho Dự luật về Hội.
Vusta cho rằng: Điều 25 của Hiến pháp đã ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Vì vậy, Quốc hội đã đưa Luật về quyền lập hội vào chương trình xây dựng luật năm 2015 và dự kiến sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vào tháng 10-11/2016. Dự án Luật về hội đã được Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Vusta khẳng định đã tổ chức nhiều hội thảo lấy ý kiến chuyên gia cũng như tích cực đóng góp cho Dự luật này. VUSTA nhận định dự thảo mới nhất do Bộ Nội vụ trình ngày 10-10 vẫn nghiêng về việc tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động hội; chưa luật hóa đầy đủ quyền lập hội theo tinh thần Điều 25 Hiến pháp 2013.
Vusta cũng nhận định: việc đưa 6 tổ chức chính trị - xã hội (MTTQ Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam), hội không có tư cách pháp nhân (hội không đăng ký), hội không có hội viên (quỹ, các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức phi chính phủ,...) ra khỏi đối tượng áp dụng của Luật là không phù hợp, vì “đã loại bỏ một số thành tố quan trọng có thể góp phần phát triển xã hội, phát triển đất nước”.
Vusta cũng cho biết: “Nhiều ý kiến cho rằng, cần có sự bình đẳng giữa các hội đều do Đảng, Nhà nước thành lập hoặc chỉ đạo thành lập và giao nhiệm vụ”.
Về bản thân mình, Vusta cho rằng: nếu Luật về hội được thông qua như Dự thảo ngày 10-10, thì cũng như các tổ chức liên hiệp hội, liên minh, tổng hội khác, Vusta, một số tổng hội thuộc Vusta… sẽ không còn là Hội vì không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật về hội.
Ngoài ra, Vusta cũng cho rằng: Đảng và Nhà nước cũng như hệ thống chính trị đang đề cao cảnh giác với âm mưu “diễn biến hòa bình”, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, thì cần phải lưu ý đến vấn đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các Hội để giữ vững chế độ.
Với nhiều lý do khác nữa, Vusta đề nghị UB Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội xem xét thấu đáo dự án Luật về Hội.
“Chúng tôi cho rằng đây là một dự án Luật rất quan trọng, nhưng cũng có nhiều yếu tố phức tạp và nhạy cảm. Vì vậy, trong trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu đề ra thì có thê chưa thông qua tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội; tiếp tục điều chỉnh, bo sung, hoàn thiện và xem xét, thông qua vào Kỳ họp tới”, kiến nghị của Vusta nêu.
Chủ trương của Đảng là không có "hội đặc thù" Trước đó, tại Hội nghị góp ý Luật về Hội do UB Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 14-10, đại diện nhiều hội cũng yêu cầu phải được coi là hội đặc thù hoặc nhà nước phải bao cấp kinh phí hoạt động. Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên Minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam đòi coi Liên minh HTX là “hội đặc thù” vì có Luật HTX vì HTX cũng thực hiện những chức năng đặc thù. Nhà thơ Hữu Thỉnh đề nghị không để Liên hiệp Các hội văn học và nghệ thuật chịu sự chi phối của Luật về Hội và Nhà nước phải "nắm" Liên hiệp này vì văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận liên quan đến sự tồn vong của chế độ. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn bày tỏ rằng: không nên giữ tư duy bao cấp, và thực tế, dự thảo vẫn quy định đối với một số nhiệm vụ cụ thể do Nhà nước giao thì sẽ có kinh phí cho các hội thực hiện nhiệm vụ đó. “Chủ trương của Đảng là không có hội đặc thù” - Thứ trưởng khẳng định. Ngày 25-10, Quốc hội sẽ nghe tờ trình và thảo luận, góp ý Dự thảo Luật về Hội. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân sẽ giải trình các ý kiến của Quốc hội xung quanh dự luật này |