Một vấn đề được nhiều ĐB quan tâm thảo luận là quy định về hội có đăng ký và không có đăng ký.
ĐB Phan Thanh Bình (Quảng Nam) cho rằng: “Việc quy định hội có đăng ký và hội không đăng ký là không ổn. Quy định vậy sẽ dẫn đến cách hiểu hội có đăng ký là có tư cách pháp nhân và không đăng ký là không có tư cách pháp nhân. Hai điều này hoàn toàn khác nhau. Nên quy định trong luật hội có tư cách pháp nhân phải đăng ký thế nào và hội không có tư cách pháp nhân phải đăng ký thế nào” - ông Bình nói.
Còn ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nhận định các hội đều phải đăng ký sẽ thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước nhưng có thực tế là rất nhiều hội khó đăng ký, không biết đăng ký ở đâu và quản lý thế nào. Phải chăng nên phân định thêm một tiêu chí nữa là hội chính thức và hội không chính thức.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Ngọc Lâm lại cho rằng lập hội là quyền của người dân. “Lẽ ra chúng ta phải khuyến khích họ đăng ký để hoạt động, tại sao cứ phải làm thủ tục thật khó, hai, ba tháng mới xong. Các quỹ là nơi tiếp nhận, cung cấp các dịch vụ công cho xã hội nên phải khuyến khích, động viên” - ông Lâm nói.
Là cơ quan thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định cho hay luật tiếp cận theo hướng quyền lập hội là quyền tự do của cá nhân, quyền của công dân. Vì vậy đăng ký thành lập hội là quyền, có thể đăng ký hoặc không. Khi không đăng ký, hội vẫn hoạt động hợp pháp. Những hội không đăng ký không thể có tư cách pháp nhân nhưng Nhà nước vẫn thừa nhận, vẫn bảo vệ và yêu cầu họ hoạt động đúng pháp luật. Hội muốn đăng ký phải đủ điều kiện pháp nhân để đăng ký.