Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân đã nêu một thực tế như vậy khi góp ý kiến cho dự án luật về hội tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ QH vào sáng qua (22-9).
“Mỗi thứ trưởng về hưu lại xin thành lập một hội”
Bà Ngân cho biết có một số bộ/ngành, cứ một ông thứ trưởng về hưu là thành lập một hội, nói là tự nguyện, tự trang trải kinh phí nhưng sau đó lại đi xin nhà, xin xe, xin ngân sách. Thậm chí họ còn xin biên chế nữa…
“Khi bàn về luật hội này có một số bộ trưởng gặp tôi, nói là: “Tôi lo lắm chị à, bộ tôi có mấy hội rồi mà họ đeo xin tiền quá, chịu không nổi. Đủ thứ hội, hội nào cũng xin tiền và có lý do. Khi ra luật này thì phong trào thành lập hội, cứ đeo xin tiền, xin xe, xin nơi làm việc… rất mệt” - Chủ tịch QH nói.
Chủ tịch QH cho hay bà từng làm bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nên biết rất rõ chuyện “cứ mỗi thứ trưởng về hưu là có một hội ra đời” như Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, Hội Bảo vệ quyền trẻ em, Hội Xuất khẩu lao động…
“Cùng một lĩnh vực lại có rất nhiều hội. Trong số này có hội hoạt động rất tốt, huy động nguồn lực xã hội để giúp cho những đối tượng theo đúng tôn chỉ, mục đích rất tốt. Tuy nhiên, việc có quá nhiều hội lập ra, rồi đi vận động tài trợ, doanh nghiệp cũng than lắm” - bà Ngân nói và nhấn mạnh việc ra luật này là để quy định những nguyên tắc, những chính sách, quyền, nghĩa vụ và những điều cấm để quản lý nhà nước.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu ý kiến tại phiên họp Thường vụ Quốc hội ngày 22-9. Ảnh: QH
Cán bộ, công chức về hưu năm năm mới được lập hội
Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo luật về hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay dự thảo luật có quy định rõ về vấn đề này. Cụ thể, tại khoản 3 Điều 8 dự thảo luật quy định: “Cán bộ, công chức và những người đang làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc quân đội nhân dân, công an nhân dân chỉ được sáng lập hội, đăng ký thành lập hội, lãnh đạo, điều hành hoạt động các hội có đăng ký, khi được cơ quan có thẩm quyền phân công”.
Liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nhấn mạnh: “Nhiều người chuẩn bị nghỉ hưu xin thành lập ban vận động thành lập hội. Do đó, trong dự thảo luật về hội, chúng tôi đề nghị đối với cán bộ, công chức lãnh đạo từ cấp vụ trở lên, sau năm năm nghỉ hưu mới được tham gia thành lập, sáng lập ban lãnh đạo của hội”.
Ông Tuấn dẫn chứng đã có nhiều ý kiến của các đại biểu tại hội nghị đại biểu QH chuyên trách vừa qua (đầu tháng 9) đề nghị làm rõ việc cán bộ, công chức tham gia quyền lập hội để tránh “vừa đá bóng vừa thổi còi”, lợi dụng ảnh hưởng trong lĩnh vực mình tham gia phụ trách để mang lại lợi ích cá nhân, vụ lợi và khắc phục thực trạng cứ chuẩn bị nghỉ hưu thì làm chủ tịch các hội.
Một số hội thành lập không phải đăng ký Trình bày báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo luật về hội tại Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết: “Hội do công dân Việt Nam thành lập nhằm mục đích gặp gỡ, giao lưu không phải đăng ký theo quy định của luật này”. Theo đó, một số hội như hội đồng hương, hội đồng ngũ, hội cựu học sinh… sẽ không phải đăng ký với cơ quan chức năng. Tuy nhiên, khi thành lập phải có thông báo bằng văn bản tới chính quyền cấp xã nơi hội đăng ký địa chỉ liên lạc khi thành lập, báo cáo hoạt động hội khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản yêu cầu và khi thay đổi về người đại diện của hội. “Nhiều hội như hội thích uống bia, thích uống rượu, hội yêu hoa... đang hoạt động trên khắp cả nước và nhiều khi thành viên của hội chỉ có 3-5 người. Thực tế hiện nay chúng ta cũng là thành viên của nhiều hội như thế này, không hạn chế được. Đó là quyền của mỗi công dân” - ông Định nói. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng Hiến pháp quy định công dân có quyền lập hội theo quy định của pháp luật. Luật này quy định về quyền lập hội của công dân, khi lập thì được công nhận, nếu không theo quy định của luật thì không được công nhận. “Nếu quy định hội không đăng ký thì phải làm rõ hội nào phải đăng ký, hội nào không đăng ký, có ràng buộc rõ ràng vào dự thảo luật” - bà Anh nói. Dự thảo luật về hội không đưa các tổ chức chính trị-xã hội sau đây vào trong phạm vi điều chỉnh: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam. |