Ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, khẳng định tại hội thảo quốc tế về xây dựng tầm nhìn đô thị sáng tạo tại TP.HCM ngày 28-7.
Đại diện WB đánh giá: Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các TP đều phải đổi mới sáng tạo để thành công. Và TP.HCM đang xây dựng tầm nhìn cho đô thị sáng tạo là một hướng đi đúng hướng.
Ông Ousmane Dione cho rằng để xây dựng đô thị sáng tạo thành công thì cần phải có tầm nhìn rõ ràng, có một quy hoạch tốt và phải có đội ngũ nguồn nhân lực có chất lượng giỏi. WB khẳng định sẽ luôn đồng hành cùng với TP.HCM trong quá trình xây dựng tầm nhìn cho đô thị sáng tạo TP.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với ông Ousmane Dione, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Nhiều chuyên gia, nhà khoa học của các nước phát triển cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc xây dựng thành công các đô thị sáng tạo tại nhiều nước trên thế giới như Tây Ban Nha, Mỹ, Trung Quốc…
Theo các chuyên gia, việc xây dựng thành công đô thị sáng tạo sẽ phát huy hết các tiềm năng sẵn có của TP, đóng góp vào sự phát triển mạnh mẽ, tạo công ăn việc làm và sẽ tạo ra một khu vực phát triển với hàm lượng tri thức cao.
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết: TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, đóng góp 22% GDP quốc gia, 27% vào ngân sách quốc gia. TP có lực lượng lao động chất lượng cao. Hiện nay, tỉ lệ người lao động có bằng đại học ở TP.HCM cao gấp 2-3 lần so với trung bình cả nước.
Ngoài ra, TP là nơi có các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, chiếm 82% đóng góp cho nền kinh tế TP. Như vậy, TP.HCM phải là TP đi đầu và đáp ứng kỳ vọng lớn của TP và cả nước.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy cũng nhận diện năm thách thức đối với việc xây dựng đô thị sáng tạo tại TP.HCM hiện nay. Đó là vấn đề kẹt xe, ngập nước, nhà ở cho người dân, ô nhiễm không khí, huy động được sức mạnh người dân.
“Trong một thập kỷ tới, TP muốn tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tiếp tục tăng trưởng năng suất lao động, duy trì mức đóng góp 30% vào ngân sách quốc gia; muốn trở thành hạt nhân của cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam; triển khai Đề án TP.HCM trở thành đô thị thông minh; phải quan tâm đến mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp TP” - Bí thư Thành ủy nói.
Theo ông Nhân, TP đang triển khai bảy chương trình đột phá nhưng vẫn chưa đủ để phát triển toàn diện. Do đó TP đã xây dựng thêm Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh. Và hiện nay là việc xây dựng tầm nhìn cho việc xây dựng đô thị sáng tạo.
“Mục tiêu xây dựng đô thị sáng tạo của TP.HCM nhằm tạo sự tương tác giữa các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học công nghệ... Ngoài ra, TP.HCM muốn hỗ trợ các tỉnh xung quanh như Đồng Nai và Bình Dương để tạo nên cụm động lực phát triển kinh tế cho khu vực phía Nam” - ông Nhân cho biết.
Đô thị sáng tạo sẽ gồm ba quận ở phía Đông TP là quận 2, quận 9, quận Thủ Đức; bên cạnh đó Bình Dương và Đồng Nai là hai tỉnh có công nghiệp hóa cao ở Việt Nam. Quận Thủ Đức có mật độ cao tập trung các viện, trường nghiên cứu, bốn trường đại học lớn ở Thủ Đức với trên 10.000 giảng viên, trong đó có hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ, có 100.000 sinh viên. Vì vậy, Thủ Đức sẽ là nơi tập trung năng lực về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.
Ở quận 2 có khu đô thị mới Thủ Thiêm để cung cấp nhiều hạ tầng cơ sở, tiện ích cho rất nhiều chức năng khác nhau. Ở đây sẽ có cơ sở hạ tầng chính cho trung tâm tài chính quốc tế của TP. Đây là một trong những nơi đáng sống nhất của TP.
Với quận 9 là quận nghiên cứu và phát triển. Ở đây có Khu công nghệ cao TP thành công nhất ở Việt Nam. TP.HCM đổi mới sáng tạo sẽ có nghiên cứu, có đào tạo, chuyển giao công nghệ, có trung tâm dịch vụ, khu vực sản xuất công nghệ cao, văn hóa giải trí…
Trong năm 2018, TP sẽ tổ chức cuộc thi để lựa chọn các hãng tư vấn quốc tế để hỗ trợ TP xây dựng tầm nhìn và các bước triển khai cụ thể cho đô thị sáng tạo TP, sau đó xây dựng quy hoạch tổng thể cho đô thị đổi mới sáng tạo TP.