Nghe kể nhiều về làng “cái bang” ở Hậu Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) nhưng nay tôi mới có dịp đến thăm. Dù có người dẫn đến cổng làng nhưng khó có thể tin đây là ngôi làng từng một thời nổi tiếng hành nghề ăn xin: Đây là một làng trông rất khá giả.
Giàu, nghèo cùng kéo nhau đi xin
Ông Trần Quốc Hùng (70 tuổi), người làng “cái bang” kể: Những năm 1998, xã này mất mùa, một số hộ dân đói khổ đành bỏ làng ra Bắc, chủ yếu là Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình để kiếm sống bằng nghề ăn xin. Hầu hết họ trở về không những sống tốt mà còn gom tiền xây nhà. Thấy vậy người giàu, người nghèo lũ lượt bỏ làng đi... và chẳng mấy chốc chuyện đi ăn xin trở thành một nghề “rất phong trào”. Không chỉ người lớn, trẻ con trong làng cũng phải theo cha mẹ đi học những ngón nghề để kiếm tiền. Họ cải trang đủ kiểu để vào các chùa chiền, lễ hội, trung tâm TP xin tiền.
Chị NTT nhớ lại: “Ngày đó gia đình tui tương đối khó khăn nên nhiều người rỉ tai bảo đi ăn xin với họ, công việc vừa khỏe lại có thu nhập khá. Nghe vậy tôi liền đồng ý. Sáng hôm sau, họ đưa tui ra bến xe rồi đến Thanh Hóa thuê một căn phòng nhỏ làm nơi cư trú. Hằng ngày, cứ 5 giờ là dậy cải trang, lăn lê bò trườn để khách thập phương phải động lòng rút tiền ra cho. Tuần đầu, mỗi ngày kiếm được 30.000-40.000 đồng, so với ngày xưa đây là khoản tiền lớn nuôi sống mình cả tuần”.
Giã từ thời bị gậy, người dân Hậu Lộc nay đã nỗ lực lao động để có tiền nuôi con cái học hành. Ảnh: V.LONG
Có thời điểm làng này kéo nhau đi ăn xin nhiều đến nỗi tới chùa chiền nào cũng gặp người cùng quê. Như tỉnh Thái Bình, người dân tụ tập nhau thành một làng Hậu Lộc, hằng ngày chia nhau đi kiếm sống như đi… trẩy hội”.
Tương tự, chị TTL nhớ lại thời gian sống cảnh hành khất ở Thái Bình. “Lúc đó mặc dù gia đình không đến nỗi phải đi ăn xin nhưng thấy người ta đi mình cũng thử bỏ ruộng dẫn theo đứa con đi. Sau vài tháng làm “cái bang” ở gần các chùa chiền, trung tâm TP thì thấy họ cho nhiều tiền. Từ đó sinh ra cái tính chịu nhục để có tiền, hơn là về quê cày thuê cuốc mướn” - chị thẹn thùng kể.
Một lần, khi ăn xin trong chùa chị L. gặp hai thầy tu, khi hỏi xong gia cảnh, hai thầy nhẹ nhàng bảo: Ngửa tay xin tiền người khác là khi mình không còn khả năng lao động kiếm sống. Nay con còn khỏe thì hãy bỏ sức ra mà làm ăn, những đồng tiền mồ hôi nước mắt bỏ ra không những đem đến cho con cuộc sống hạnh phúc mà con cái con sẽ hãnh diện về cha mẹ mình... “Đêm đó tôi không sao ngủ được, cứ nghĩ mãi lời nói của thầy, sáng ra tôi quyết định xách đồ lên xe đò về quê. Giờ nghĩ lại những tháng ngày ấy tôi thấy hổ thẹn với bản thân quá. Nhưng may là tui và người dân đã nhận ra những sai trái đó để hồi hương lao động kiếm sống và nuôi con cái học hành, khôn lớn chứ cứ bám lấy cái nghề ấy thì nhục lắm” - chị L. tâm sự.
Giã từ bị, gậy
Nhắc lại chuyện xưa, ông Trần Quốc Trình, Chủ tịch UBND xã Hậu Lộc, nói: “Đó là quá khứ thôi, giờ Hậu Lộc đổi khác nhiều rồi. Một phần của sự thành công là nhờ chính quyền đã tạo việc làm cho người dân, đồng thời tuyên truyền để họ thay đổi nhận thức”.
“Ai đến đây cũng đều hỏi tại sao làng này lại bỏ được nghề ăn xin. Đơn giản là vì tương lai bọn trẻ” - chị Nguyễn Thị Phúc, người trong làng, giải thích. “Người dân làng này nhận thức được cái nghề ăn xin không bền, còn để lại những lời đàm tiếu xấu cho con cái. Hồi trước tui là một trong số những người đầu tiên của làng bỏ nghề và sau đó còn đi khuyên người dân không nên đi làm nghề này. Ban đầu nhiều người còn mắng chửi nhưng khi hiểu ra thì họ bỏ ngay. Gần đây, nhiều người bảo với tui làng này vẫn còn người ăn xin nhưng khi đến tìm hiểu thì không phải người vùng này. Nhưng vì năm xưa nơi đây nổi tiếng với nghề ăn xin nên người ta mới nói vậy chứ giờ làng này làm gì còn người như thế”.
Những ngôi nhà tầng khang trang nằm ngay trên đường dẫn vào cổng làng. Ảnh: V.LONG
Chị Nguyễn Thị Mùi, người phản đối chuyện bỏ làng đi ăn xin, từng tham gia đội vận động của xã để thuyết phục người dân bỏ nghề. “Ngày xưa đói khổ gấp mấy lần nhưng ông cha mình vẫn bám đất, bám ruộng chứ có đi ăn xin đâu. Mà chuyện mất mùa đâu chỉ Hậu Lộc, nhiều xã lân cận cũng mất mùa, sao họ không đi ăn xin như mình mà vẫn sống được bằng mồ hôi nước mắt. Đặc biệt, những người đàn ông có sức khỏe nhưng không chịu lao động mà lại đi ăn xin là điều đáng hổ thẹn” - chị Mùi nói.
Và rồi người trong làng lần lượt châm lửa đốt áo, vứt bỏ bị, gậy để cầm cuốc, cầm cày, mang lại màu xanh cho ruộng đồng, nương rẫy.
Vươn lên thành xã giàu
Dọc đường làng “cái bang” bây giờ đã được bê tông hóa với nhiều ngôi nhà tầng khang trang nằm san sát nhau. Nhưng không hiểu sao nơi đây vẫn vắng hoe người.
Ông Lê Xuân Cuối, xóm trưởng xóm Lương Trung, cười bảo làng này vắng người vì họ đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào... hết chứ không phải lại bỏ đi ăn xin như trước đây đâu. “Toàn xã có hơn 800 người đi xuất khẩu lao động, riêng làng này có gần 200 người và hầu hết đều thu nhập khá. Gần đây số lượng người đi liên tục tăng, vì những người ở bên đó làm ăn được đã kéo anh em, họ hàng cùng sang” - ông Cuối nói.
Ngồi bên căn nhà tầng còn sặc sụa mùi sơn, chị Trần Thị Nhung tự hào nói: “Tui có hai đứa con trai, cả hai đều sang Thái Lan làm gara ô tô, lương một đứa mỗi tháng 9 triệu đồng. Mới đây, hai đứa mang tiền về xây cho bố mẹ một ngôi nhà. Hôm qua còn điện về bảo hai anh em chung tiền mua ô tô bốn chỗ. Nghe vậy tui mừng lắm...”.
Anh Trần Thái, cạnh nhà chị Nhung, nói xen ngang như khoe: “Tui cũng có một đứa con gái buôn bán bên Lào, vừa rồi nó có mua cho tui chiếc xe máy và gửi tiền tiết kiệm trong ngân hàng, mỗi tháng tui cứ đi nhận về là hai vợ chồng đủ sống. Nó bảo sang năm xây cho bố mẹ căn nhà nhưng tôi không cho bảo nó giữ tiền mà lấy chồng...”.
Nếu như ngày xưa mỗi lúc tết đến người dân nơi đây phải dạt đi kiếm sống thì bây giờ ngày tết nhà nào cũng đầy ắp tiếng cười. Ngoài đường những chiếc xe ô tô đủ loại đậu kín lối đi. “Ai về đây cũng phấn khởi và khen làng hết lời. Xem ra cái tên xã “cái bang” đã lùi vào dĩ vãng” - anh Thái phấn khởi nói.
* * *
Theo ông Trần Quốc Trình, Chủ tịch UBND xã Hậu Lộc, toàn xã có 1.964 hộ dân, năm 2011, thu nhập bình quân đầu người hơn 15 triệu đồng/người/năm, 100% học sinh từ bốn đến sáu tuổi được đến trường. “Thành quả đó là sự nỗ lực không biết mệt mỏi của chính quyền cũng như người dân nơi đây” - ông Trình nói.
NGUYỄN VIẾT LONG