Chiều ngày 11-12, bác sĩ Lê Minh Khôi đã tổ chức buổi ra mắt sách Phía Tây thành phố tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 (UCICC) thuộc BV Đại học Y Dược TP.HCM. Buổi ra mắt được diễn ra với hai hình thức: offline cho các y, bác sĩ (BS) làm việc tại UCICC và online qua zoom.
Trước đây, hội trường buổi ra mắt sách vốn là nơi điều trị bệnh nhân (BN) COVID-19, sau này trở thành giảng đường để các y, BS thực tập. Những chiếc kệ trưng bày sách vốn là kệ đựng dụng cụ, trang thiết bị y tế. Các y, BS UCICC đã tận tay sắp xếp, trang trí và chuẩn bị cho buổi ra mắt sách này.
Những chiếc kệ trưng bày sách vốn là kệ đựng dụng cụ, trang thiết bị y tế. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Viết sách như gói quà dành tặng những chiến binh UCICC
BS Lê Minh Khôi chia sẻ: "Phía Tây thành phố là cuốn sách viết vì những người ở UCICC nên phải được ra mắt tại nơi này. Dù chỉ diễn ra nội bộ ở bệnh viện dã chiến nhưng tôi và các y, BS UCICC đã dành nhiều tâm huyết cho buổi ra mắt sách này".
Cuốn sách là những câu chuyện cảm động về các BN COVID-19 chiến đấu giành giật sự sống, về các y, BS ngày đêm cứu chữa cho BN. Một phần cuốn sách còn là những chiêm nghiệm từ cuộc sống hằng ngày, những băn khoăn trăn trở và lời tâm huyết của tác giả đối với ngành Y.
Phía Tây thành phố được BS Lê Minh Khôi viết để cảm ơn những chiến binh ngày đêm cùng BN chiến đấu với dịch bệnh. "Khi viết, tôi không được quyền ôm hết tất cả những gì mình muốn nói vào trong cuốn sách mà chỉ viết những gì nhẹ nhàng, viết vì các chiến binh UCICC. Tôi muốn các bạn thấy được bóng dáng của mình ở đâu đó trong cuốn sách này. Tôi đã đặt tất cả tình cảm vào trong cuốn sách, từng câu từng chữ rất chỉn chu giống như đang gói quà để tri ân những chiến binh thầm lặng của UCICC", BS Lê Minh Khôi nói.
BS Lê Minh Khôi chia sẻ về những câu chuyện xoay quanh cuốn sách. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Một trong những chiến binh mà tác giả nhắc đến là BS Đặng Minh Hiệu - người cạo trọc đầu để xông pha tuyến đầu chống dịch. Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình chiến đấu với cơn bão COVID-19, BS Hiệu cho biết, lúc đầu tổ cấp cứu ngoại viện chỉ có anh và một số điều dưỡng. Ngoài thời gian làm trong khu điều trị, anh cũng phải cấp cứu thường xuyên.
"Khi công việc quá tải, BS Lê Minh Khôi quyết định thành lập một tổ có đồng đội, có quy trình, có ca kíp mới đảm bảo được công việc và sức khỏe cho mọi người để chiến đấu lâu dài. Có những y, BS đã không về nhà hay đến ở khách sạn mà sẵn sàng ở lại trung tâm để có thể cấp cứu kịp thời" - BS Hiệu nhớ lại.
BS Đặng Minh Hiệu - người cạo trọc đầu để xông pha tuyến đầu chống dịch. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Khi được hỏi cho đến ngày hôm nay anh đã phải trải qua những áp lực gì và có từng muốn thôi việc hay không, BS Hiệu tâm sự rằng, áp lực dĩ nhiên là có nhưng trong quá trình đó, anh vui vì được làm việc và được chỉ dạy bởi các BS tại UCICC.
"Tôi được dẫn đường và được học hỏi nhiều điều mới lạ, những điều mà trước đó tôi chưa từng làm. Các kiến thức này đã mang lại hiệu quả thật sự và cứu sống được nhiều người bệnh. Tất cả những điều này đã vượt qua khỏi áp lực và giúp tôi duy trì được động lực để làm việc cho đến ngày hôm nay" - BS Đặng Minh Hiệu tâm sự.
Trong buổi ra mắt sách, BS Lê Minh Khôi đã tổ chức đấu giá hai cuốn sách Phía Tây thành phố. Toàn bộ tiền tác quyền và tiền đấu giá 60 triệu đồng sẽ được ủng hộ quỹ "Cùng con đi tiếp cuộc đời". Lợi nhuận từ NXB Trẻ sẽ ủng hộ quỹ phòng chống COVID-19.
Toàn bộ tiền tác quyền và tiền đấu giá 60 triệu đồng được ủng hộ quỹ "Cùng con đi tiếp cuộc đời". Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Chia sẻ lý do đấu giá sách để ủng hộ quỹ "Cùng con đi tiếp cuộc đời", BS Khôi mong muốn "dìu" các trẻ em mồ côi vì COVID-19 có thể tiếp tục đến trường. “Nếu không viết cuốn sách này thì tôi cũng sẽ tìm những nguồn tiền khác để ủng hộ quỹ. Tuy nhiên thông qua buổi đấu giá sách, tôi muốn lan tỏa đến mọi người và hi vọng sẽ có nhiều người chung tay giúp đỡ các em. Đi qua cơn bão, có những thân cây lớn đã gãy rồi, không thể nào ôm thân cây đó mà khóc mãi. Chúng ta chỉ có thể chăm cho những mầm non thì tương lai mới rợp bóng mát” – tác giả trải lòng.
|