Chơi game đến mức nhập vai: Đừng để quá muộn

Vừa qua, một sự việc rúng động thương tâm xảy ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Bé trai HVĐ (năm tuổi) được gia đình trình báo mất tích. Tuy nhiên, sau hai ngày tìm kiếm, gia đình bàng hoàng phát hiện bé bị trói tay và tử vong trong rừng.

Nhiều trẻ bị ảnh hưởng tâm lý do game

Qua điều tra, lực lượng chức năng xác định và bắt giữ nghi can Đào Ngọc Hoàng (17 tuổi), sống cách nhà bé trai khoảng 300 m. Theo lời khai ban đầu, nam sinh này đã đưa bé Đ. vào rừng giấu để sau này đi tìm chuộc công. Điểm đáng chú ý là trò chơi trốn tìm này nghi can khai học theo trong game. Tại lớp học, nghi can được cô giáo cho biết có học lực trung bình nhưng có biểu hiện nghiện game online.

Tìm hiểu tại Khoa tâm lý BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), có không ít các trường hợp đi khám vì các biểu hiện tâm lý có liên quan đến trò chơi điện tử.

ThS tâm lý lâm sàng Hoàng Dương chia sẻ gần đây nhất, ông tiếp nhận một trường hợp bé trai (12 tuổi) được cha mẹ đưa đến khám vì lý do thiếu kiềm chế, lịch sự khi tiếp xúc với người thân, bạn bè, thường xuyên dùng tiếng lóng, chửi thề. Sự việc lên đến đỉnh điểm khi em bị một số bạn học chặn đường đánh. Tìm hiểu nguyên nhân thì được biết em tham gia một trò chơi game online. Do người chơi cùng trong game làm cả hai thua cuộc nên em đã dùng lời lẽ thóa mạ nặng nề với bạn này.

Một trường hợp khác, đang là học sinh cấp 2 chuyển tiếp lên cấp 3, bắt đầu chơi game online từ hè năm lớp 8. Ban đầu, em chơi có chừng mực nhưng càng về sau chơi không kiểm soát và lấy trộm tiền để nâng cấp trò chơi trong game. Mỗi lần nhân vật trong game gặp chuyện gì không vừa ý hoặc thua cuộc là em thường cau có, bực bội, thậm chí nổi cơn tam bành đập điện thoại. Cha mẹ em cho biết đã phải sắm mới vài cái điện thoại cho em.

ThS Hoàng Dương tư vấn cho một phụ huynh và học sinh về việc bố trí thời gian khi chơi game online. Ảnh: GN

Kiểm soát nội dung và cho chơi có thời lượng

Theo ThS Hoàng Dương, Khoa tâm lý BV Nhi đồng 1, khoa tiếp nhận nhiều đối tượng thanh thiếu nhi nhưng đến khám vì lý do nghiện game không nhiều. Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám, có nhiều trẻ được phụ huynh đưa tới do bất ổn tâm lý liên quan đến trò chơi điện tử khá cao. Các em đa phần được đưa đến khám vì lý do khó chịu, cau có, có hành xử hỗn hào với người lớn. Tìm hiểu sâu xa thì ra các em chơi game và quen với kiểu hành xử thiếu kiểm soát trong game dẫn đến trục trặc trong các mối quan hệ ở đời thực.

ThS Hoàng Dương phân tích hiện nay, các game có xu hướng bạo lực, hành động thiết kế ngày càng hấp dẫn tạo cảm giác như đời thực. Khi được đắm chìm sảng khoái trong những nhân vật và lặp lại liên tục các hành động trong game, có cơ hội được thể hiện bản thân, vô tình từ từ các em sẽ hình thành kiểu hành vi bắt chước như trong game. Ra đời, các em cũng thích vận dụng những hành vi này thì lại không phù hợp, dễ dẫn đến mâu thuẫn với thành viên trong gia đình, bạn bè, thầy cô...

Ở độ tuổi thanh thiếu nhi, các em có quá trình phát triển nhanh, giai đoạn này rất quan trọng và cần thiết cho sự hình thành nhân cách trong tương lai. Sự phát triển phải thông qua quá trình học tập, tương tác trong xã hội, từ đó góp phần hình thành, điều chỉnh tính cách, hành vi. Một khi trẻ dành quá nhiều thời gian cho game sẽ không có cơ hội tương tác cần thiết trong cuộc sống. Các em sẽ mất dần vai trò trải nghiệm cuộc sống, mở rộng mối quan hệ và rất khó để hòa nhập xã hội sau này. Việc hạn chế giao tiếp sẽ làm cho trẻ phát triển cảm xúc kém, mất dần tính nhạy bén trong giao tiếp, cư xử xã hội, kiểm soát cảm xúc kém.

ThS Hoàng Dương khuyên phụ huynh nên kiểm soát nội dung và thời lượng chơi game của con, không để trẻ lệ thuộc vào thiết bị điện tử nói chung và trò chơi trong game nói riêng.

“Biểu hiện của trẻ nghiện game là chơi trò chơi điện tử nhiều giờ, không những ban ngày mà thậm chí thâu đêm suốt sáng. Trẻ rất khó để dứt ra được trò chơi, kể cả có sự can thiệp của cha mẹ, thậm chí cha mẹ có la mắng đi chăng nữa. Thứ ba là trẻ có biểu hiện, hành vi ứng xử khác thường trong phạm vi gia đình, chẳng hạn như dùng ngôn ngữ khó hiểu, khó kiểm soát cảm xúc, dễ nóng giận, bực bội, mệt mỏi... Do chơi game mất nhiều thời gian nên trẻ cũng bỏ bê việc ăn uống, ngủ nghỉ làm ảnh hưởng đến thể chất” - ThS Hoàng Dương nêu.

Thời gian chơi game bao lâu trong ngày là đủ?

Để bố trí thời gian hợp lý cho con chơi game nhằm mục đích giải trí, ThS Hoàng Dương gợi ý đối với trẻ dưới ba tuổi, không nên cho trẻ chơi game và xem các game trên điện thoại. Trên ba tuổi, có thể cho trẻ chơi các trò chơi đơn giản, kích thích trí não như tìm hình, tìm chữ.

Tổng cộng thời lượng trong ngày không quá một tiếng đồng hồ, có thể chia làm nhiều khung giờ chơi. Đối với trẻ lớn hơn nữa, nếu thấy trẻ chơi hơn hai tiếng tổng cộng trong một ngày là phải báo động thời gian chơi quá nhiều.

Hệ lụy nguy hiểm

Một hệ lụy nguy hiểm của việc chơi game nhiều là các em có thể bị lệ thuộc vào các chất kích thích như chơi quá mệt, các em sẽ tìm uống cà phê, hút thuốc lá và thậm chí là các chất ma túy để đủ sức “cày” game. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.