Cứu trẻ bị xâm hại như cứu hỏa, được không?

Ông Nguyễn Văn Tính, Phó Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Sở LĐ-TB&XH, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM: Đầu tháng 6, công an một quận vùng ven đã bắt một kẻ dâm ô trẻ em. Người này dùng thủ đoạn giả vờ đánh rơi tờ 10.000 đồng rồi núp gần đó quan sát. Có một vài em bé đã mắc bẫy, cúi xuống lượm tờ tiền liền bị hắn chặn lại sờ soạng, lục soát khắp người, nắn bóp vùng nhạy cảm. Nhận được tin báo, công an quận đưa các em nhỏ đi giám định ngay, các tế bào da và mồ hôi của kẻ dâm ô vẫn lưu lại trên cơ thể các em nhỏ. Kẻ dâm ô đã bị bắt.

Ông Tính nói: “Không phải vụ nào địa phương và công an cũng tham gia nhanh như vậy. Thủ tục tố tụng hình sự cho phép làm giám định trong vòng bảy ngày. Nhiều khi phải có đủ chứng cứ mới đem nạn nhân đi giám định, lúc đó đâu còn chứng cứ nữa. Chúng tôi đã làm việc với các chuyên gia, với công an, tòa án để nắm quy trình xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em. Cần có một quy trình thống nhất thật nhanh gọn, hiệu quả, chặt chẽ hơn để can thiệp, giúp đỡ, bảo vệ các em”.

Hiện nay Sở LĐ-TB&XH đang gấp rút hoàn thiện dự thảo về quy trình xử lý các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trên địa bàn TP.HCM để trình lên UBND TP.

Những vụ việc trẻ em bị xâm hại gây rúng động xã hội, như bé gái 10 tuổi ở Long An (giữa) mới đây cần được các cấp, ngành có trách nhiệm can thiệp, xử lý ngay lập tức. Ảnh: HM

Tiếp cận ngay trong vòng… hai tiếng

Ông Nguyễn Văn Tính trước khi làm việc tại phòng chuyên môn của Sở đã có hơn chục năm làm cán bộ trẻ em ở phường và ở quận. Do đó, ông có rất nhiều kinh nghiệm xử lý các vụ việc liên quan đến trẻ em. Trên thực tế, việc giải quyết gặp nhiều vướng mắc, các ngành chức năng chưa phối hợp nhịp nhàng với nhau.

Hầu như phường nào cũng có trường hợp cha mẹ đánh đập, bạo lực với con. Người dân bức xúc báo công an, khi công an đi xuống thì mọi chuyện đã xong. Cha mẹ giải thích tại… con hư, công an lại đi về. Lần sau đứa trẻ lại bị đánh tiếp. Ông Tính nói: “Nhiều địa phương không xử lý được trường hợp này. Trong khi lẽ ra phải can thiệp ngay, ít nhất là lập biên bản, đưa trẻ tới bệnh viện (BV) khám. Sắp tới quy trình phối hợp sẽ nêu rõ ủy ban phường khi nhận thông báo phải cử cán bộ đến làm việc ngay trong vòng hai tiếng. Nếu xác thực vụ việc, chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền cấp giấy giới thiệu trẻ em đến BV để khám và điều trị khẩn cấp. Chỉ cần có xác nhận của BV là xử lý được, nhẹ thì phạt hành chính”.

Trong vòng tám giờ kể từ thời điểm nhận thông báo và hồ sơ BV, chủ tịch xã có thẩm quyền gửi kiến nghị khởi tố bằng văn bản kèm chứng cứ, tài liệu đến công an xã.

Trong một cuộc hội thảo giữa tháng 5 vừa qua do Cục Trẻ em tổ chức tại TP.HCM, một nhà báo đã chia sẻ câu chuyện thực tế khi tác nghiệp. Một cô bé 13 tuổi ở trọ với gia đình tại Củ Chi bị xâm hại dẫn đến mang thai, gia đình phải cầu cứu báo chí, trong khi địa phương giải quyết rất rề rà. Ông Nguyễn Văn Tính cũng tham dự cuộc họp này. Ông cũng cho rằng nhiều địa phương giải quyết rề rà, chậm chạp, thời điểm vàng của giám định đã vuột qua, nhiều chứng cứ giá trị bị mất. Do đó, với dự thảo quy trình phối hợp mới sẽ không ai được phép rề rà.

Cách ly trẻ em ngay khi có nguy cơ

Ông Nguyễn Văn Tính cho biết qua thông tin báo chí, ông biết được vụ việc ở BV Nhi đồng 1 có em bé bị chính mẹ ruột chăn dắt đi ăn xin. Phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em đã xác minh ngay. Ông nói: “Chúng tôi đã phối hợp với công an can thiệp ngay, cách ly cháu bé khỏi người mẹ để đảm bảo an toàn cho bé. Cháu bé được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc. Khi mẹ bé đủ điều kiện chăm sóc mới cho phép nhận lại”.

Trong sáu tháng đầu năm, Công an TP.HCM tiếp nhận, thụ lý 17 vụ, 18 đối tượng xâm hại tình dục trẻ em. Trong đó, phần lớn các đối tượng quen biết nạn nhân hoặc có tình cảm, quan hệ nam nữ với nạn nhân. 

Đây không phải lần đầu tiên TP.HCM thực hiện biện pháp cách ly trẻ em khỏi cha mẹ khi thiếu an toàn cho các em. Tuy nhiên, khi phòng nghiệp vụ của Sở LĐ-TB&XH can thiệp mạnh mẽ hoặc trong một số vụ việc nghiêm trọng khác, công an địa phương mới dùng biện pháp mạnh này. Theo ông Tính, do thủ tục hiện nay quá rườm rà nên việc cách ly trẻ dù cấp thiết nhưng khó thực hiện. Với vụ việc tương tự ở một quận khác, công an cho biết mời bà mẹ đến làm việc mấy bận rồi phải thả ra. Muốn đưa bà mẹ nghiện ma túy đi cai bắt buộc phải có quyết định của tòa án.

Dự thảo quy trình phối hợp yêu cầu cách ly trẻ em khỏi cha mẹ, người chăm sóc trẻ em là có biện pháp chăm sóc thực hiện trong vòng 12 giờ kể từ khi cơ quan chức năng nhận được thông tin trẻ bị bạo lực, xâm hại bởi chính cha mẹ hoặc người chăm sóc.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vụ việc em bé 10 tuổi ở Long An bị cha ruột xâm hại, ông Tính cho rằng: “Nếu vụ việc xảy ra trên địa bàn, chắc chắn chúng tôi đã đưa bé vào trung tâm bảo trợ xã hội để cách ly ngay, sau đó khám sức khỏe tâm lý cho em”.

Khả thi nhưng gặp khó ở khâu phối hợp

Dự thảo quy định trách nhiệm của UBND xã, phường phải can thiệp xác minh trong vòng hai tiếng đồng hồ kể từ khi tiếp nhận nguồn tin báo đầu tiên và gửi kiến nghị khởi tố trong vòng tám tiếng đồng hồ kể từ khi nhận thông báo của BV, theo tôi là một quy định có trách nhiệm và hoàn toàn khả thi. Phường của tôi vừa qua giải quyết một vụ việc rất nhanh chỉ trong vài tiếng nên kinh nghiệm của tôi là không vấn đề gì ở phía phường. Quan trọng nhất là quy trình phối hợp. Trên thực tế, một số BV vào thứ Bảy và Chủ nhật họ chỉ có bác sĩ trực và xử lý ban đầu một số ca, muốn xét nghiệm, giám định gì cũng phải đợi thứ Hai. Hoặc phải xin Sở Y tế chỉ đạo xuống, nên trễ là do khâu phối hợp thôi. Có quy trình phối hợp, mọi chuyện sẽ rất tốt.

Ông NGUYỄN VĂN QUẢNG, Phó Chủ tịch UBND phường 17, quận Gò Vấp, TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm