Bỏ kỳ thi đại học hay không: Đợi bàn kỹ!

Trong phần chất vấn Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân hôm qua, các đại biểu QH tập trung vào các vấn đề chính: giáo dục mầm non; có nên lấy kết quả tốt nghiệp phổ thông để xét tuyển đại học; việc quản lý các trường có yếu tố nước ngoài...

30% trẻ chưa được học mầm non

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Tây Ninh) chất vấn: Đến nay cả nước có 70% các em trong độ tuổi 3-5 được đến trường. Vậy 30% còn lại thì sao, giải pháp thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trả lời: Đây là điều mà Chính phủ, ngành giáo dục rất bức xúc. Vì vậy, ngành đang xây dựng đề án phát triển giáo dục mầm non từ nay đến 2015. Theo đó, trước mắt ưu tiên phổ cập mầm non năm tuổi, phấn đấu từ nay đến năm 2015 ít nhất 95% các em đi học và học hai buổi/ngày. Hiện nay thực tế riêng trẻ năm tuổi đã đi học được khoảng 90% nhưng không phải hai buổi/ngày, nhiều nơi chỉ học một buổi hoặc không đủ số tháng trong năm. Bộ cũng sẽ chỉ đạo xây các trường mầm non công lập cho trẻ năm tuổi ở miền núi, học sinh nghèo sẽ được miễn học phí...

Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Thị Loan về trách nhiệm quản lý chất lượng các trường mầm non tư thục, Bộ trưởng Nhân cho biết: Quản lý bậc mầm non thuộc trách nhiệm các tỉnh, địa phương, trong đó UBND các huyện, xã quyết định trực tiếp việc thành lập và giám sát chất lượng. Tuy nhiên, có thực trạng là cán bộ, nhân lực cấp xã phải kiêm nhiệm, lực lượng mỏng nên không đủ sức giám sát. “Chúng tôi đang suy nghĩ cách giải quyết phù hợp” - ông Nhân nói.

Chưa quyết phương án thi “hai trong một”

Đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) hỏi: Khi nào thực hiện kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông là kỳ thi hai trong một (thi tốt nghiệp phổ thông, đồng thời lấy kết quả xét tuyển đại học)?

Trả lời, Bộ trưởng Nhân cho biết: Trên thế giới hiện chỉ còn khoảng 10% số nước duy trì hai cuộc thi, 90% họ chọn phương án thi tốt nghiệp phổ thông lấy kết quả xét tuyển vào đại học. “Nên duy trì thi tốt nghiệp phổ thông nghiêm túc để vừa có mặt bằng đánh giá chung và nếu kết quả nghiêm túc thì vẫn chọn xét vào đại học được. Còn thi đại học thì còn các lò luyện thi, còn tốn kém lãng phí. Nếu xét đại học căn cứ vào kết quả phổ thông thì sẽ giảm áp lực, giảm chi phí rất nhiều cho xã hội” - ông Nhân bày tỏ quan điểm.

Tuy nhiên, ông Nhân cũng nhấn mạnh, phương án cuối cùng chưa quyết định: “Chúng ta phải rà soát kỹ năm nay rồi sau đó sẽ thảo luận kỹ trong ngành. Khi trong ngành thống nhất cơ bản rồi thì tham khảo ý kiến xã hội và sẽ báo cáo Thủ tướng”.

Quản chặt trường có vốn đầu tư nước ngoài

Theo đại biểu Trần Hoàng Thám (TP.HCM), những năm gần đây, các trường có yếu tố nước ngoài xuất hiện ngày càng nhiều nhưng việc quản lý dường như bị buông lỏng. Điều này cử tri TP.HCM rất bức xúc. “Xin Bộ trưởng cho biết về phía Bộ đã có giải pháp gì để chấn chỉnh hoạt động của các trường này?” - ông Thám hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Nhân cho biết tháng 4 vừa rồi Bộ có kiểm tra, đánh giá cho thấy đa số các trường này thực hiện đúng cam kết trong quá trình đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, cũng có trường đăng ký đào tạo những ngành về kỹ thuật công nghệ rất cần cho chúng ta nhưng sau năm năm hoạt động vẫn chưa triển khai... Hiện Bộ đang tập trung hoàn thành dự thảo nghị định thay thế Nghị định 06 và 18 của Chính phủ để quản lý việc đầu tư giáo dục. Dự kiến cuối tháng 6, đầu tháng 7 này sẽ trình Chính phủ. 

Bỏ kỳ thi đại học hay không: Đợi bàn kỹ! ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Giáo dục đừng chạy theo lợi nhuận

Việc các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam là vấn đề rất quan trọng. Trong điều kiện mở cửa hội nhập, giao lưu văn hóa quốc tế, chúng ta rất cần thiết phải tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế để tiếp thu những tri thức mới, những kinh nghiệm quản lý tốt và tranh thủ cơ sở vật chất, kỹ thuật hỗ trợ về tài chính. Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng ta quên rằng chúng ta phải đào tạo ra những con người Việt Nam. Do đó, phải có biện pháp quản lý để hoạt động cho tốt chứ không phải chỉ vì chạy theo lợi nhuận.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm