Chấm chéo bài thi THPT: Nên tiếp hay dừng?

Ông Trần Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, chính thức đề nghị bỏ chấm chéo tại cuộc họp giao ban ngành giáo dục khu vực đồng bằng sông Cửu Long vừa qua và được nhiều người đồng tình.

Không chính xác!

Ông Hùng chỉ ra nhược điểm của chấm chéo: “Thực tế việc chấm chéo hai năm qua đã bộc lộ khiếm khuyết là giám khảo giữa các hội đồng chấm thi không đều tay, đặc biệt rơi vào các môn xã hội như văn, sử, địa. Cụ thể năm ngoái Cần Thơ chấm cho Bến Tre, tỉ lệ học sinh tỉnh này đậu tốt nghiệp đứng đáy bảng xếp hạng vùng nhưng lượng học sinh Bến Tre đậu vào các trường đại học chiếm tỉ lệ cao trong vùng và cả nước. Thực tế năm rồi tỉnh Cà Mau dẫn đầu về tỉ lệ tốt nghiệp THPT cả vùng nhưng kết quả vào đại học học sinh Cà Mau đâu phải đứng đầu”. Đây là điều đáng suy nghĩ.

Bà Phan Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, là người ủng hộ giải pháp chấm chéo nhưng cũng thừa nhận: “Hạn chế lớn nhất hiện nay của công tác chấm chéo khi lệch từ hai điểm trở lên là có xung đột giữa giám khảo các tỉnh. Suy cho cùng, sở dĩ có sự chênh lệch cao như vậy là do mỗi tỉnh có cách thức làm khác nhau, dẫn đến kết quả khác nhau khi chưa có “tổng tư lệnh” hướng dẫn”.

Chấm chéo bài thi THPT: Nên tiếp hay dừng? ảnh 1

Giám khảo TP.HCM đang chấm bài thi môn địa lý cho các tỉnh bạn tại hội đồng chấm thi Trường Marie Curie. Ảnh: Như Hùng

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, cho rằng: “Khuyết điểm lớn nhất là đáp án áp dụng chung cho cả nước không có sự linh hoạt cho từng vùng, từng địa phương, nhất là đối với các môn khoa học xã hội. Khi chấm bài, tính chủ quan của giám khảo rất cao. Ví dụ một câu hỏi địa hay sử, đáp án của Bộ có bốn ý cụ thể, thí sinh nêu được cả bốn ý thì cho tròn điểm. Nhưng có thí sinh nói bốn ý chỉ ba ý đúng, 1-2 ý ngoài đáp án, giám khảo dễ tính cho tròn điểm luôn, giám khảo khó tính không cho tròn điểm! Tất cả những chuyện như trên Bộ cần định hướng, sinh hoạt rõ ràng trước khi chấm để tránh độ vênh gây thiệt cho thí sinh”.

Nhiêu khê, mất lòng tin

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đăk Nông, nêu ra một nhược điểm khác của chấm chéo là: “Theo tôi, quy định việc chấm chéo bài thi giữa các tỉnh đã gây ra nhiều nhiêu khê và căng thẳng không cần thiết. Khi Bộ có đáp án chính thức theo chuẩn thì chỉ cần khâu thanh tra chéo giữa các sở là được. Đã hai năm bài thi của học sinh tỉnh Đăk Nông giao cho TP.HCM chấm cũng không có biến động gì quá bất ổn so với kết quả kiểm tra học kỳ của Sở”. Ông Hùng lưu ý rằng: “Khi Bộ đã tin tưởng giao công tác coi thi cho các sở thì cớ gì không tin tưởng giao luôn cả khâu chấm thi. Bài thi và điểm số của thí sinh bằng giấy trắng, mực đen được lưu lại nhiều năm, nếu cần thiết thì Bộ chỉ cần kiểm tra đột xuất, ngẫu nhiên”.

Ông Hòa nhấn mạnh: “Phải thấy rằng mấu chốt của kỳ thi tốt nghiệp THPT bấy lâu nay ồn ào là khâu coi thi. Làm tốt khâu này, tin tưởng ở khâu này thì các khâu còn lại Bộ nên giao cho các sở địa phương làm”.

53% bài chấm chéo bị lệch điểm

Trước đây, để bảo đảm tính khách quan cho kỳ thi tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT đã đưa ra nhiều biện pháp, trong đó có tổ chức chấm chéo giữa các tỉnh. Sau hai năm thực hiện chấm chéo, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2010 đã bộc lộ nhiều quan điểm trái chiều. Mới đây, tại buổi họp giao ban các sở GD&ĐT các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (vùng 6) đã có ý kiến đề nghị bỏ chấm chéo bởi rườm rà, tốn kém, không đạt mục tiêu đề ra là kết quả chấm khách quan mà còn xảy ra tình trạng có độ vênh điểm chấm giữa tỉnh này với tỉnh khác, có thể ảnh hưởng đến điểm đậu của thí sinh.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009 có biểu hiện chấm “chặt” đã xảy ra ở môn ngữ văn. Lãnh đạo Sở GD&ĐT Đồng Tháp, Kiên Giang đã yêu cầu Bộ chấm thẩm định lại toàn bộ bài thi môn ngữ văn mà các tỉnh bạn đã chấm. Kết quả có tới 53,2% số bài có điểm chênh lệch so với điểm chấm của các sở. Độ lệch điểm này theo đánh giá của Bộ là nằm trong phạm vi dung sai cho phép, song thực tế dù chỉ chênh lệch 0,5 điểm nhưng cũng có thể khiến học sinh rớt thành đậu.

Pháp Luật TP.HCM đã ghi nhận thêm nhiều ý kiến của lãnh đạo các sở GD&ĐT xoay quanh công tác chấm thi tốt nghiệp THPT hiện nay.

Chấm thi chéo có mặt tích cực là đảm bảo tính khách quan. Ví dụ, năm 2009 Đồng Tháp chấm thi cho Tiền Giang thấy học sinh Tiền Giang làm bài thi tốt, tìm hiểu thì thấy ở Tiền Giang giáo viên ôn tập cho học sinh bằng phương pháp rất hay, học sinh biết cách trình bày ngắn gọn, đủ ý nên dễ đạt điểm theo đáp án. Qua đó, Đồng Tháp cũng học hỏi và kết quả của Đồng Tháp tăng rõ (năm 2009 tỉ lệ tốt nghiệp THPT là trên 63%, năm 2010 tăng lên 81%).

PHAN THỊ THU HÀ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp

Bỏ chấm chéo kiểu nào?

Bộ nên trả về địa phương chấm. Trước đây, chúng ta đã từng làm như vậy, thậm chí Bộ còn phải giao cho các sở GD&ĐT ra đề thi và tự chịu trách nhiệm về chất lượng của mình. Sao Bộ GD&ĐT không dám giao quyền tự chủ cho các sở tự chịu trách nhiệm chất lượng giáo dục của tỉnh mình?...

Ông TRẦN VIỆT HÙNG, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng

 Bộ nên có cách làm khác thay vì phải vận chuyển bài thi của thí sinh về các tỉnh, thành quá cực nhọc. Bộ chỉ cần điều động cán bộ sở GD&ĐT địa phương hoặc cử người về từng sở sinh hoạt, hướng dẫn đáp án rồi giao cho các sở tự chấm, tự chịu trách nhiệm.

Ông NGUYỄN VĂN HÒA, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đăk Nông

Bộ nên chia theo cụm khi chấm thi chéo giữa các sở lẫn nhau, một vùng 2-3 cụm (một cụm 3-4 tỉnh) tùy theo môn thi tự luận của năm rồi quyết định cụm. Ví dụ như tỉnh Đồng Tháp chỉ chấm một môn và mời giáo viên bộ môn các tỉnh bạn về chấm cho cả cụm. Trước khi chấm cũng cần sinh hoạt trước đáp án để thống nhất quan điểm, biểu điểm để có sự hiểu và vận dụng thống nhất.

PHAN THỊ THU HÀ, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp

Bộ nên mời các trưởng bộ môn ở các sở phổ biến chấm điểm dựa vào đáp án. Sau đó cán bộ này về sinh hoạt với chủ tịch hội đồng chấm thi cụm (một vùng chia làm bốn cụm: cụm chấm toán, cụm chấm văn, cụm chấm sử, cụm chấm địa). Mỗi câu trong đáp án Bộ cũng nên đặt ra nhiều tình huống cho học sinh các vùng, giám khảo được “mở” đáp án như thế nào và mở tới đâu, cái nào được mở và có gút mắc phải báo cáo với “tổng tư lệnh” - chủ tịch hội đồng chấm thi để thảo luận và quyết định.

Ông NGUYỄN THANH BÌNH, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm