Học sinh tiểu học được học vượt lớp

Thông tư 28 về Điều lệ Trường tiểu học vừa được Bộ GD&ĐT chính thức ban hành với nhiều điểm mới. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20-10-2020.

Học vượt lớp là đúng vì tài không đợi tuổi

Trao đổi với báo chí, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT, cho biết trong điều lệ có quy định học sinh (HS) có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp trong phạm vi cấp học.

Việc học vượt lớp không phải điểm hoàn toàn mới mà đã có quy định trong điều lệ trường tiểu học ban hành trước đây. Nhưng ở điều lệ mới được quy định chặt chẽ hơn.

Nếu trước đây việc này giao cho hiệu trưởng nhà trường quyết định thì ở điều lệ mới đã nêu rõ thủ tục xem xét với từng trường hợp cụ thể.

Theo đó, cha mẹ hoặc người giám hộ HS có đơn đề nghị với nhà trường.

Hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn gồm hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và ban đại diện cha mẹ HS của trường; giáo viên dạy lớp HS đang học, giáo viên dạy lớp trên, nhân viên y tế, tổng phụ trách Đội.

Căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng hoàn thiện hồ sơ và báo cáo trưởng Phòng GD&ĐT xem xét, quyết định.

Đề cập đến vấn đề này, hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 9 cho biết đối với thế giới thì chuyện này rất bình thường nhưng tại trường chưa gặp trường hợp nào.

“Việc cho HS học vượt lớp là đúng đắn vì thực tế tài không có đợi tuổi. Quy định này sẽ tạo điều kiện cho các trường trong việc thực hiện nếu có trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, cần phải có những bài thi trắc nghiệm về thể lực, trình độ của các cháu để xác định chính xác HS ấy có thực sự được học vượt lớp hay không” - vị này nói.

Học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) trong lễ khai giảng năm học 2020-2021. Ảnh: NQ

Ông Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận 10, cho hay việc học vượt lớp những năm trước từng được đề cập nhưng với thông tư này quy định cụ thể hơn.

“Bộ GD&ĐT cho phép HS được học vượt lớp trong phạm vi cấp học là một quyết định đúng đắn và hợp lý. Bởi vì thực tế có những em có khả năng vượt trội. Nhưng điều quan trọng, hội đồng khảo sát phải có điều kiện để thẩm định. Nếu không, trường có thể mời thêm một số chuyên gia tư vấn” - ông Dũng nói.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, ngoài việc thành lập hội đồng tư vấn thì bài trắc nghiệm trí tuệ của các em cần phải quy định như thế nào để có thể đánh giá được thực chất, tránh trường hợp nhầm lẫn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh, quận 3, cho biết Thông tư 28 ban hành Điều lệ Trường tiểu học đã quy định rõ và cụ thể hơn về thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể muốn học vượt lớp.

“Tuy nhiên, việc học vượt lớp muốn thực hiện được, trước hết phụ huynh phải biết được năng lực học của con mình, từ đó đề xuất với trường. Hoặc giáo viên chủ nhiệm phải nắm rõ được trình độ của HS, từ đó đề nghị nhà trường xem xét. Sau đó nhà trường mới thiết lập hội đồng khảo sát” - ông Hùng nói.

Điều lệ vẫn quy định mỗi lớp học có không quá 35 HS, do một giáo viên chủ nhiệm phụ trách là không thực tế. Bởi điều này đối với TP.HCM, mức độ tăng dân số cơ học cao, khó có thể thực hiện.

Vì thế, quy định này nên thay đổi, có thể điều chỉnh theo hướng đối với những khu vực TP đông dân cư, không đủ trường lớp thì một lớp không vượt quá 35 HS đến không vượt quá 45 HS.

Ông NGUYỄN VĂN HÙNGHiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh, quận 3 

Sách giáo khoa do UBND tỉnh lựa chọn

Một trong những điểm mới của Điều lệ Trường tiểu học vừa ban hành là trường tiểu học sử dụng sách giáo khoa được bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt và được UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn, sử dụng vào quá trình giảng dạy và học tập tại trường. Trường học phải cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin về sách giáo khoa sử dụng tại trường để HS và gia đình HS biết.

Nhà trường tổ chức lựa chọn, trang bị xuất bản phẩm tham khảo phục vụ cho hoạt động giảng dạy, nghiên cứu của giáo viên theo quy định của Bộ GD&ĐT; khuyến khích giáo viên sử dụng xuất bản phẩm tham khảo để nâng cao chất lượng.

Mọi tổ chức, cá nhân không được ép buộc HS phải mua tài liệu tham khảo.

Ngoài ra, tài liệu giáo dục địa phương do UBND cấp tỉnh chỉ đạo tổ chức biên soạn và thẩm định đáp ứng nhu cầu và phù hợp với đặc điểm của địa phương, theo yêu cầu của chương trình và được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường

HS có thành tích xuất sắc, HS tiêu biểu hoàn thành tốt các nhiệm vụ trong học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, có nhiều đóng góp cho tập thể được các bạn trong lớp bình chọn hoặc có thành tích đột xuất khác thì được giáo viên, nhà trường và các cấp quản lý khen thưởng bằng các hình thức: Tuyên dương trước lớp hoặc trước toàn trường, tặng giấy khen hoặc thư khen.

HS có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tùy theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật: Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để HS tiến bộ hơn, thông báo với cha mẹ HS nhằm phối hợp giúp đỡ HS khắc phục khuyết điểm. Giáo viên không được phê bình HS trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ HS.

Thông tư 28 ban hành Điều lệ Trường tiểu học 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm