Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dư luận về Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học, để thay thế cho Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học.
Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học mới gồm 7 chương, 47 điều. So với Thông tư 41, dự thảo có nhiều điểm mới, trong đó tập trung đổi mới quản lý nhà trường.
Học sinh Trường Tiểu học An Hội hào hứng trong ngày đầu tiên trở lại trường sau thời gian dài nghỉ học tránh dịch. Ảnh: NQ
Học sinh có thể học vượt lớp trong phạm vi cấp học
Kế thừa quy định trong Điều lệ trường tiểu học hiện hành, thực hiện Luật Giáo dục 2019, dự thảo thông tư mới cho phép học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ được học vượt lớp trong phạm vi cấp học.
Thủ tục xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo ba bước.
Thứ nhất, cha mẹ học sinh có đơn đề nghị với nhà trường. Thứ hai, hiệu trưởng nhà trường thành lập hội đồng khảo sát, tư vấn, gồm: hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang học; giáo viên dạy lớp trên; nhân viên y tế; tổng phụ trách Đội. Cuối cùng, căn cứ kết quả khảo sát của hội đồng tư vấn, hiệu trưởng xem xét quyết định.
Về “nhiệm vụ học sinh”, dự thảo quy định người học phải: Thực hiện đầy đủ và hiệu quả nhiệm vụ học tập; hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, kính trọng, lễ phép với thầy giáo, cô giáo và người lớn tuổi, đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ bạn bè… Đây là những nội dung được giữ nguyên trong Điều lệ hiện hành.
Dự thảo có bổ sung nhiệm vụ mới, là học sinh phải “biết cách tự học dưới sự hướng dẫn của giáo viên”. Các em cần chủ động, tích cực tham gia các hoạt động trải nghiệm. Đặc biệt dự thảo nhấn mạnh nhiệm vụ; vận dụng kiến thức đã học và giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống. Đây là yêu cầu quan trọng, là “đích đến” của việc thực hiện chương trình GDPT mới.
Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học bổ sung một điều khoản có nội dung hoàn toàn mới so với Điều lệ hiện hành, đó là quy định “xây dựng và phát triển văn hóa đọc”. Theo đó, việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc, thói quen đọc sách được áp dụng cho tất cả cán bộ, giáo viên, học sinh trong nhà trường tiểu học.
Để thực hiện quy định này, các nhà trường có thể sử dụng đa dạng và sáng tạo các hình thức như tổ chức cho học sinh đọc tại thư viện, lớp hoặc mượn tài liệu về nhà; tổ chức các tiết đọc ở thư viện; tổ chức các hoạt động khuyến đọc…
Dự thảo cũng định lượng cụ thể số học sinh khuyết tật trong mỗi lớp học hòa nhập là không quá hai em, lớp học ghép có không quá hai nhóm trình độ và không quá 15 học sinh, nhằm đảm bảo các hoạt động giáo dục trong lớp học hòa nhập, lớp học ghép được thực hiện hiệu quả và không gây khó khăn cho giáo viên, học sinh khi giảng dạy, tiếp thu.
Trường học có trách nhiệm triển khai dạy SGK theo quyết định của UBND tỉnh
Một điểm mới rõ rệt khác trong quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của trường tiểu học, là các nhà trường phải có trách nhiệm triển khai dạy học SGK theo quyết định của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; lựa chọn xuất bản phẩm sử dụng trong nhà trường theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Điều này nhằm đáp ứng chủ trương “một chương trình, nhiều SGK”, quy định UBND tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông theo Luật Giáo dục 2019.
Những quy định về vai trò - vị trí, nhiệm vụ - quyền hạn của hiệu trưởng, hiệu phó trong dự thảo Thông tư về cơ bản kế thừa quy định trong Điều lệ hiện hành.
Dự thảo bổ sung một số điểm mới nhằm tăng trách nhiệm tự bồi dưỡng, tự nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực quản lý của hiệu trưởng, hiệu phó trường tiểu học. Theo đó, cán bộ quản lý trường tiểu học này phải tham gia sinh hoạt cùng tổ chuyên môn; tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ…
Dự thảo Thông tư Điều lệ trường tiểu học có thời gian góp ý từ ngày 6-5 đến 6-7.