Học sinh TP HCM có nguy cơ phải học ca 3

Hoc sinh trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi được học trong một ngôi trường khang trang mới khánh thành. (Ảnh: Đức Quang)
Hoc sinh trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi được học trong một ngôi trường khang trang mới khánh thành. (Ảnh: Đức Quang)

Tại buổi làm việc với ngành giáo dục thành phố ngày 9/9, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND TP HCM nhấn mạnh, các dự án xây dựng cơ sở vật chất của ngành chậm bàn giao ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của các bậc học. Năm học 2008-2009, toàn thành phố đưa vào sử dụng gần 600 phòng mới, thấp nhất so với những năm học trước trong gần 10 năm qua.

Chẳng hạn, THPT Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình được xây mới đã không được bàn giao đúng ngày khai trường như kế hoạch do ảnh hưởng của vật giá leo thang. Ngôi trường với quy mô trên 50 phòng học kéo dài thời gian xây dựng thêm 2 tháng và dự kiến sẽ khánh thành vào ngày 20/11 sắp tới sau khi được bổ sung thêm 3,5 tỷ đồng.

"Nếu không khắc phục được tiến độ xây dựng các trường học thì trong năm học tới 2009-2010 sẽ có tình trạng học ca ba, ca bốn. Chất lượng đào tạo giảm sút, công tác tuyển sinh ở các quận huyện vô cùng khó khăn", ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo cho biết.

Đại diện Phòng Giáo dục đào tạo quận Gò Vấp cũng nêu, đã nhiều năm nay trên địa bàn quận không có một trường lớp nào được xây mới, mặc dù số học sinh nhập học trên địa bàn quận tăng gấp đôi mỗi năm.

Thiếu quy học mạng lưới trường lớp là nguyên nhân gây ách tắc trong việc xây dựng trường lớp tại quận này. "UBND thành phố sẽ phối hợp với Tổ công tác liên ngành và quận Gò Vấp để giải quyết nhanh vấn đề quy hoạch và thúc đẩy tiến trình đầu tư xây dựng", bà Hà nhấn mạnh. Ngay trong tháng 9, UBND TP đã đồng ý chi tạm ứng 155 tỷ đồng cho 16 trường hoàn thành dự án xây dựng và đưa vào sử dụng trước ngày 31/12 năm nay.

Bên cạnh việc thiếu trường lớp, ngay từ đầu năm học mới, ngành giáo dục thành phố cũng đối mặt với việc thiếu trên 1.000 giáo viên các cấp. Hiện sở Giáo dục đào tạo tiếp tục tuyển thêm giáo viên đợt 2 vào cuối tháng 9 này với một số chính sách mở rộng khu vực ngoại thành.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, UBND thành phố sẽ phối hợp với với các cơ quan liên quan, xem xét các đề xuất của Sở Giáo dục đào tạo về việc thực hiện chế độ phụ trội thêm giờ cho lực lượng giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên trường khuyết tật; khuyến khích các quận huyện, đặc biệt làm các quận huyện vùng ven phối hợp với các trường đại học mở các lớp đào tạo giáo viên ngay tại địa phương nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.

Theo Đức Quang (Vnexpress)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm