Sau những sự cố về giáo dục xảy ra trong thời gian qua, nhất là chuyện một trường học ở Thanh Hóa đuổi học cùng lúc bảy học sinh (HS, sau đó rút lại quyết định), dư luận cho rằng cần phải xem lại cách giáo dục hiện nay để làm sao “thầy ra thầy, trò ra trò”.
Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội, khẳng định: “Thầy cô có trách nhiệm, bổn phận sửa lỗi cho trò. Khi HS vi phạm, thầy cô phải ở tâm thế bao dung, cao thượng để nhìn nhận và xem xét sự việc”.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội, trong vòng vây học trò. Ảnh do nhân vật cung cấp
Tâm thế xử phạt của thầy cô giáo
. Phóng viên: Thưa ông, với kinh nghiệm 46 năm trong nghề, ông thấy điều gì là quan trọng nhất khi xử lý HS vi phạm?
+ Ông Nguyễn Xuân Khang: Cuối giờ chiều, khi trống tan trường, HS về hết, tôi mới thở phào, thanh thản bởi một ngày qua đi trọn vẹn, không xảy ra chuyện gì đáng tiếc. Đây là tâm lý chung của các hiệu trưởng.
Trường nào cũng phải giải quyết việc HS vi phạm kỷ luật, ngày nào cũng có. Khi đứng trước một hành vi vi phạm của HS, quan trọng nhất là hiệu trưởng nhìn sự việc ở tâm thế nào. Tâm thế là tâm trạng, quan điểm, tư duy đánh giá vấn đề. Tâm thế rất quan trọng vì nó quyết định đến hướng xử lý và diễn biến của sự việc theo chiều hướng tốt hay xấu.
. Hẳn ông từng có kỷ niệm và kinh nghiệm liên quan đến tâm thế của người xử lý?
+ Cách đây 6-7 năm, trường tôi xảy ra một sự việc. HS nói xấu, xúc phạm giáo viên trên mạng xã hội. Khi đó, cô giáo bị xúc phạm rất bức xúc, muốn làm rõ sự việc. Cô giáo đó lập tức báo cáo thầy hiệu phó. Thầy hiệu phó khi đó cũng ở tâm thế giật mình. Đọc được những câu chữ mà học trò viết về giáo viên trường, thầy tức giận.
Lúc ấy, đang trên đường tới trường, tôi nghe thầy hiệu phó gọi điện thoại. Tôi bình tĩnh tiếp nhận sự việc và nhìn nhận nó ở một khía cạnh khác. Tôi nói với thầy hiệu phó ngừng ngay ý định tổ chức cuộc họp kỷ luật vào chiều nay. Sau đó, tôi gọi điện thoại trao đổi với cô giáo, an ủi và thuyết phục cô không nên làm gì mà hãy cứ im lặng, xem như không có chuyện gì xảy ra. Cô cứ dạy và đối xử với HS đó bình thường, chậm nhất một tuần con sẽ tìm đến cô xin lỗi.
Đúng như kịch bản mà tôi nghĩ, chỉ đến ngày thứ ba, HS đó gặp riêng cô giáo sà vào lòng khóc nức nở. Con nói lời xin lỗi và mong cô tha thứ. Đó là giây phút trò cảm thấy hối lỗi thật sự.
Hiệu trưởng Trường Marie Curie Nguyễn Xuân Khang. Ảnh do nhân vật cung cấp
Hiệu quả của lòng bao dung và “án” kỷ luật
. Khi học trò vi phạm, các trường thường tiến hành kỷ luật dưới nhiều hình thức và xem nó như một biện pháp giáo dục. Còn ông thì sao?
+ Kỷ luật là một biện pháp giáo dục. Nhưng khi áp dụng hình thức kỷ luật nào đó thì hàm lượng giáo dục chiếm tỉ lệ rất ít, còn hàm lượng mang tính trừng trị chiếm tới 80%. Khi áp dụng hình thức kỷ luật thì nội hàm trừng trị hành vi đó là chính. Vì thế, kỷ luật không nên áp dụng ngay, áp dụng nhanh quá mà cần phải có thời gian. Bởi nhà trường không phải là cơ quan hành chính thuần túy như công an phường.
Công an phường khi tiếp nhận một sự việc, lúc có chứng cứ, tìm ra đối tượng thì họ sẽ áp dụng hình thức xử phạt theo quy định. Còn trường học là môi trường giáo dục, không thể thực hiện như vậy. Chúng ta không chỉ dựa vào chứng cứ có sẵn rồi tổ chức họp hội đồng kỷ luật để xử lý các con. Nếu như vậy, chúng ta đã bỏ qua một bước cực kỳ quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân vì sao các con lại hành động như thế. Nghĩa là phải có sự đối thoại, tương tác để hiểu được căn nguyên của vấn đề. Chỉ cần thầy cô có tâm, bao dung, rộng lượng thì học trò sẽ tin tưởng, tin cậy thổ lộ ngay. Và thầy cô phải làm sao để HS cảm thấy nhà trường không dồn mình vào chân tường, không phải truy bức để kỷ luật ở hình thức nặng thêm.
HS nhạy cảm lắm, các con hiểu tâm lý, trạng thái thầy cô tiếp cận mình. Nếu thầy cô thân thiện, bao dung, rộng lượng, HS cảm thấy yên tâm thì chúng sẽ tin tưởng giãi bày. Khi đó không cần phân tích, học trò cũng sẽ thấy lỗi của mình. Từ chỗ thấy lỗi, các con sẽ cảm thấy ân hận và tự biết sửa lỗi như thế nào.
Không có kỷ luật nào hiệu quả bằng lương tâm, lẽ phải và sự cao thượng của giáo viên. Sự cao thượng của giáo viên có tác dụng hơn các hình thức kỷ luật HS phải chịu. Đuổi học 5-10 ngày, một tháng, một năm các con cũng phải chịu nhưng đầy ấm ức; còn sự bao dung, cao thượng của thầy cô sẽ khiến trò biết ăn năn, hối lỗi. Dù HS có mắc lỗi thế nào thì thầy cô vẫn nên dang rộng vòng tay giúp các con nhận ra lỗi lầm để sửa sai.
Học sinh trường THPT Linh Trung rạng rõ trong ngày khai giảng năm học 2018-2019. ẢNH THỦY TRÚC
Trọng trách của kỹ sư tâm hồn
. Thưa ông, ngày nay HS thường sử dụng mạng xã hội để bàn luận, thậm chí nói xấu thầy cô. Ông đối phó sao với chuyện này?
+ Việc HS nói xấu thầy cô thời nào cũng có. Thời chúng tôi cũng vậy, sau lưng cô thầy, chúng tôi cũng bàn tán về cách dạy, hình thức của mỗi người. Chỉ có điều thời chúng tôi không có mạng xã hội nên chỉ có truyền miệng. Còn bây giờ, với thời đại của công nghệ, với sự phát triển của mạng xã hội, khi bàn luận về ai đó sự việc sẽ bị lan truyền, lưu dấu.
Vậy phải làm sao để xử lý những tình huống “nhất quỷ, nhì ma…” này? Trước tình huống trên, giáo viên, nhà trường cần phải xem lại mình, phải kiểm điểm bản thân. Thầy cô giáo cũng là con người, cũng có lúc sai lầm, mắc lỗi. Nếu thật sự chúng ta chưa đúng điều gì thì khi tiếp xúc với HS chúng ta phải dũng cảm thừa nhận chứ không cố tình che giấu hoặc áp đặt, đối phó kiểu bề trên. Đồng thời chúng ta cũng trao đổi với HS rằng góp ý với thầy cô thì có nơi, có chỗ, không nên dùng những lời lẽ thiếu chuẩn mực, dễ gây tổn thương cô thầy. Thầy cô phải làm sao để gần gũi trò, nắm bắt suy nghĩ, nội tâm của trò để chinh phục chứ không phải ở tâm thế trừng trị.
. Là một hiệu trưởng lâu năm, ông đã bao giờ phải ký quyết định kỷ luật học trò bằng hình thức đuổi học chưa?
+ Tôi vào ngành giáo dục năm 1972, đến nay đã 46 năm. Từ giáo viên cho đến khi làm hiệu trưởng, chưa bao giờ tôi phải ký văn bản đuổi học HS. Thực tế tôi đã gặp rất nhiều tình huống vi phạm của HS đáng bị đuổi học nhưng tôi luôn tìm biện pháp mềm để giải quyết. Mỗi khi rơi vào tình huống đó, tôi tự hỏi mình đã bất lực chưa, nếu chưa thì còn nước còn tát, bởi một khi đưa ra quyết định đuổi học HS có nghĩa là nhà trường đã bất lực.
Tôi luôn tâm niệm phải làm sao để học trò vi phạm dù ở mức độ nào thì các con cũng cảm thấy sẽ được tha thứ chứ không phải sẽ bị trừng trị. Các con cần cơ hội sửa chữa sai lầm hơn là bị bỏ rơi.
. Được biết HS Trường Marie Curie thường gọi ông là “ông nội” một cách trìu mến, thân thương. Ông có “bửu bối” gì để HS yêu thương, kính trọng như thế?
+ 46 năm trong ngành giáo dục, gia tài lớn nhất của tôi chính là niềm tin của mọi người, mọi thế hệ HS. Bởi tất cả điều tôi làm đều vì HS thân yêu.
Hồi đầu khi mới dựng trường, có một thầy giáo đề xuất viết câu khẩu hiệu “Tất cả vì HS thân yêu!” ở vị trí trang trọng trong phòng hội đồng giáo viên. Tôi nói không nên, “tất cả vì HS thân yêu” phải ở trong tim của chúng ta chứ không phải ở trên tường.
Trường tôi không dùng khẩu hiệu mà giáo dục các con bằng cái đẹp về không gian, đẹp về nhân cách, hành vi, cử chỉ và bằng thực tiễn. Một thí dụ thật sự vì HS mà chúng tôi đã làm và có hiệu quả đó là nhà vệ sinh. Nhà vệ sinh của trường rất sạch và rất đẹp, thuận tiện cho HS sử dụng. Các cô lao công cọ rửa thường xuyên. Khi đó, HS đã có được tâm lý không muốn làm bẩn. Cái sạch, cái đẹp đã thay cho những lời giáo huấn suông, những quy định cứng nhắc, những khẩu hiệu hình thức, sáo rỗng.
. Cám ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này.
Sau ba ngày, học sinh đã đến ôm tôi và khóc Tôi là giáo viên trong câu chuyện mà thầy hiệu trưởng Trường Marie Curie đã chia sẻ. Chuyện xảy ra cách đây bảy năm nhưng với tôi đó là một kỷ niệm đẹp trong quãng đời làm nghề giáo. Năm đó tôi là giáo viên chủ nhiệm lớp 7. Buổi sáng hôm đó, khi bước vào lớp, tôi được học trò trao một tờ giấy A4 với đầy chữ. Đọc những dòng chữ viết trên đó, tôi sốc và cảm thấy tức giận. Bởi nội dung của nó là những lời xúc phạm tôi rất nặng nề. Điều đáng nói, học trò đó luôn được tôi quan tâm, nhắc nhở về chuyện học cũng như trong cuộc sống. Trong tờ giấy đó, em gọi tôi là mụ, bà, giống phù thủy, thậm chí em còn nói tục, chửi bậy… Tại sao em lại hành động như vậy? Tôi bắt đầu suy nghĩ… Trường tôi cuối học kỳ luôn có học bổng trị giá 1 triệu đồng dành cho những HS có học lực xuất sắc và đạo đức tốt (G1,T1). Em đó học rất tốt nhưng ý thức kỷ luật vẫn còn vi phạm (như nói chuyện riêng, trao đổi bài trong giờ kiểm tra…). Vì thế, tôi đã cho em hạnh kiểm T2 với hy vọng sang học kỳ mới em sẽ cố gắng hơn, hoàn thiện bản thân mình. Có lẽ vì thế mà em ghét tôi chăng… Tôi buồn và suy nghĩ rất nhiều, tôi đem câu chuyện của mình chia sẻ với đồng nghiệp mong tìm được hướng giải quyết. Tôi cũng nói chuyện này với thầy hiệu phó. Ngay sau đó, thầy hiệu phó đã gọi điện thoại cho hiệu trưởng để xin ý kiến. Thầy hiệu trưởng đã gọi ngay cho tôi. Thầy nói tôi cần bình tĩnh, nên tìm hiểu mọi chuyện, tìm xem nguyên nhân vì sao em lại làm như thế. Thầy khuyên tôi nên im lặng, xem như không có chuyện gì xảy ra. Ý thầy hiệu trưởng cũng giống với ý định ban đầu của tôi, vì thế tôi quyết định im lặng. Ngày thứ nhất, tôi vẫn cư xử với HS đó bình thường, vẫn kiểm tra bài của em như chưa có chuyện gì xảy ra. Ngày thứ hai cũng như thế, tôi không mắng hay gọi em lên phòng hội đồng để truy xét về việc kia. Bên cạnh đó, tôi cũng đánh tiếng với những người bạn thân của em rằng tôi đã biết những gì em làm nhưng tôi tin em sẽ tự biết nhận ra lỗi của mình. Sang ngày thứ ba, đầu giờ tự học, em tới tìm tôi xin cuối giờ được gặp riêng để nói chuyện. Cuối buổi học, khi các bạn đã về hết, em đến gặp tôi, ôm lấy tôi và khóc nức nở. Em thổ lộ chính sự im lặng của tôi khiến em sợ, chính cách đối xử của tôi khiến lương tâm em cắn rứt và em nghĩ mình phải xin lỗi tôi... Sau sự việc đó, em luôn nỗ lực trong học tập và thay đổi theo chiều hướng tích cực. Cuối năm đó, với những gì mà em đã cố gắng, tôi đã cho em hạnh kiểm tốt, đánh giá em đạt hạnh kiểm T1. Và em đã giành được học bổng. Từ đó về sau, mối quan hệ giữa tôi và em càng trở nên bền chặt. Kết thúc lớp 9, em đậu vào một trường chuyên của Hà Nội. Sau đó, em là thủ khoa đầu vào của một trường đại học có tiếng. Hiện nay em và tôi vẫn luôn liên lạc với nhau… LÊ THANH THÚY, giáo viên Trường Marie Curie, Hà Nội |
Ba bước “rút thẻ vàng” với học sinh vi phạm Kỷ luật, xử phạt là để HS ý thức được sai lầm của mình chứ không phải để làm các em phải sợ hãi. Phạt nhưng phải kèm theo lời chỉ bảo tận tình để HS không thấy mình bị đẩy vào đường cùng. Thầy cô phải khơi dậy ở các em mầm thiện, phải biết quên lỗi lầm của các em ngày hôm qua và nhớ sự tiến bộ của các em hôm nay. Có như vậy HS mới cảm thấy được yêu thương, được tôn trọng và được đánh giá đúng sự nỗ lực của mình. Trong suốt cuộc đời đi dạy và làm công tác quản lý, tôi chưa bao giờ phải đuổi một HS nào. Không đuổi nhưng dọa đuổi thì có kha khá. Dọa đuổi như một thẻ vàng để HS biết rằng em cần thay đổi, sửa sai. “Quy trình dọa đuổi” cũng khá nhiêu khê. Thứ nhất, giáo viên chủ nhiệm nói chuyện với HS; HS gặp hiệu trưởng để trò chuyện thẳng thắn về những điều em thấy chưa hài lòng về trường và ngược lại; tạm cách ly HS khỏi các hoạt động chung của nhà trường nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi học tập của em đó. Thứ hai, mời phụ huynh gặp hiệu trưởng để trò chuyện, chia sẻ và tìm hiểu về những sinh hoạt ngoài nhà trường của HS. Lưu ý: Chia sẻ chứ không phải là mách tội. Từ đó, nhà trường cùng gia đình bàn bạc cách giúp đỡ và biện pháp “bảo lãnh” cho HS. Cuối cùng, trường ra thông báo về thời gian tự thay đổi bản thân, cùng giáo viên chủ nhiệm động viên, khuyến khích những thay đổi, dù nhỏ, hằng ngày của các em. Tôi làm điều đó vì muốn HS của mình hiểu em ấy không hề bị ruồng bỏ mà luôn được mọi người yêu thương, đánh giá cao, qua đó khơi dậy sự tự tin để các em tự hoàn thiện mình. Giáo dục HS bằng kỷ luật, bằng trừng phạt, bằng “quyền của người lớn”… thì không cần học sư phạm ai cũng có thể làm được. Nhưng giáo dục bằng niềm tin, bằng sự tôn trọng và bằng sự yêu thương thật sự với HS của mình thì chỉ có NHÀ GIÁO mới có thể làm và làm tốt. Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim. Ông PHẠM PHÚC THỊNH, Hiệu trưởng hệ thống Cần sửa đổi, bổ sung thông tư “già cỗi” Xung quanh vụ đuổi bảy HS ở Thanh Hóa (sau đó trường đã thu hồi quyết định đuổi này), ngoài tính bất hợp lý của quyết định rất vội vàng với lý do gây nhiều tranh cãi thì căn cứ pháp lý để đuổi học cũng cần được lưu tâm. Hình thức xử phạt và mức phạt cho các HS được Trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hóa) áp dụng dựa vào Thông tư 08 (về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật HS phổ thông) của Bộ GD&ĐT từ năm 1988. Với vòng đời thông thường của văn bản pháp luật ở nước ta thì có thể xếp thông tư này vào một trong những văn bản “cao tuổi” bất ngờ đối với một lĩnh vực phức tạp và cần cập nhật như giáo dục. Chúng ta có Luật Giáo dục năm 1998 và năm 2005, sửa đổi năm 2009 và đang dự thảo sửa đổi lần nữa nhưng thông tư này lại là văn bản có cách đây 30 năm, trước cả khi có luật. Chính vì “tuổi thọ” vượt thời gian của Thông tư 08, có thể dễ dàng nhận ra những lạc hậu và bất cập của nó. Thông tư đưa ra năm hình thức kỷ luật: Khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật của nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học một tuần và nặng nhất là đuổi học một năm. Trong đó, hình thức khiển trách trước hội đồng kỷ luật hay cảnh cáo trước trường hoàn toàn có thể gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của trẻ, những người chưa có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm về mọi hành vi của mình. Nghiêm trọng hơn là nó trái với Luật Trẻ em 2016: “Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, thông tin riêng tư khác”. Đồng thời theo Điều 33 Nghị định 56/2017 (hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em) thì tên, tuổi, hình ảnh, kết quả học tập đều là thông tin riêng tư của trẻ, cũng cần phải giữ bí mật và không được tùy tiện công bố. Hình thức đuổi học lại càng không thể chấp nhận được ở góc độ bảo vệ quyền trẻ em. Việc đuổi học xâm phạm trực tiếp quyền được giáo dục học tập để phát triển toàn diện, được bình đẳng về cơ hội học tập và giáo dục tại Điều 16 Luật Trẻ em. Cạnh đó, Thông tư 08 còn kèm theo những quy định lỗi thời và bất hợp lý khác. Chẳng hạn, nếu không thuộc bài từ ba lần trở lên trong thời gian một tháng thì bị khiển trách trước lớp; nếu HS bị công an tạm giam giữ hoặc thông báo cho nhà trường biết thì bị cảnh cáo trước toàn trường. Theo luật, bị tạm giữ hoặc tạm giam chưa thể được xem là có tội, còn nếu chỉ cần được công an thông báo cho trường mà áp dụng cảnh cáo lại càng tùy tiện hơn nữa… Không những thế, Thông tư 08 không có dòng nào cho phép các em được bày tỏ ý kiến của mình khi bị kỷ luật. Thật đáng lo ngại cho sự nghiệp trồng người nếu những quy định thiếu nhân văn, bất công, bất cập và trái luật của Thông tư 08 không nhanh chóng được xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp thực tế. Qua sự việc này, mong rằng các nhà lập pháp và các nhà quản lý chú ý hơn đến tinh thần của Luật Giáo dục, Luật Trẻ em khi quyết định các biện pháp chế tài với HS. Hãy luôn cẩn trọng vì lợi ích trăm năm. Hãy đừng vì vài chiếc gai mà biến cành hồng thành khô héo và tước mất cơ hội nhìn ngắm những bông hoa rực rỡ trong tương lai. TS ĐINH THỊ THANH NGA, giảng viên khoa Luật, |