Ấy vậy mà Bộ GD&ĐT lại đưa vào dự thảo thông tư ban hành một quy chế quản lý học sinh, sinh viên (SV) một quy định hết sức ngớ ngẩn: hoạt động mại dâm đến lần thứ tư thì bị đuổi học!
Chưa kể hình thức xử lý ấy đã nằm trong một thông tư đang có hiệu lực thi hành từ tháng 10/2016.
Ngay sau khi báo chí phản ánh vào ngày 29-10, chỉ vài tiếng đồng hồ, làn sóng bất bình của dư luận dâng lên cao độ. Và đến 22 giờ, Bộ GD&ĐT đã phải rút lại bản dự thảo thông tư này, tuy nhiên thái độ dư luận phẫn nộ vẫn không ngừng tăng lên. Không chỉ có các bài viết, các ý kiến tràn ngập trên mạng xã hội mà ở bất cứ chỗ nào trên bàn hội nghị, đến quán cà phê đều bàn tán về dự thảo này với tất cả mọi lời lẽ, mọi trạng thái cảm xúc khác nhau, từ “kinh ngạc”, “ngớ ngẩn” đến “không còn điều gì để nói”.
Đã từng có các dự thảo bị dư luận phản ứng, như người ngực lép không được chạy xe máy, thịt không được để quá tám tiếng, mỗi người chỉ được mua một xe… nhưng có lẽ trong lịch sử, đây là một dự thảo bị phản ứng nhiều nhất, không một ai, một ý kiến nào đồng tình hay thông cảm.
Trong dự thảo, chuyên gia của Bộ GD&ĐT có chia ra làm bốn mức: bán dâm lần thứ nhất sẽ bị khiển trách, lần hai bị cảnh cáo, lần ba đình chỉ học tập có thời hạn và lần thứ tư bị buộc thôi học.
Nhóm chuyên gia soạn thảo này có lẽ cho rằng bán dâm một vài lần chưa phải là nặng, có thể thông cảm được, nhưng nếu “quá tam ba bận” như các cụ dạy thì phải xử thôi. Nhưng các vị quên mất một điều là cho đến lúc này, luật pháp Việt Nam và văn hóa truyền thông không thừa nhận bán dâm là hợp pháp. Bộ GD&ĐT đưa ra quy định như thế này trong dự thảo là đang làm trái luật. Hơn thế nữa, nhóm soạn thảo dự thảo này cũng vi phạm chuẩn mực đạo đức khi cho phép SV ngành sư phạm được bán dâm không quá bốn lần. Nên biết, đối với các giáo sinh sư phạm thì chuẩn mực đạo đức là một trong số các yêu cầu tối thượng. Họ sẽ nói gì với học trò của mình, họ sẽ tự vấn lương tâm ra sao, hay họ sẽ nhủ cái sai của họ vẫn trong giới hạn cho phép của Bộ chủ quản?
Trong thực tế, việc bán dâm (cả SV nữ và nam) là điều có thật và có khá nhiều ở hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM. Trước thực trạng này, Bộ GD&ĐT cần có những đối sách cẩn trọng hơn. Quả thật có một số SV không chịu học hành, thích mua sắm hàng hiệu, thích ăn ngon mặc đẹp, thích vào các nhà hàng sang trọng nhưng không có tiền, lười biếng nên bán thân và lôi kéo cả bạn đồng học vào việc mua bán thân xác làm ô nhiễm môi trường học đường thì phải kiên quyết xử lý, đưa ra khỏi trường học. Đối với những SV do bị dụ dỗ, do hoàn cảnh đưa đẩy, do kinh tế quá khó khăn trong lúc cần tiền chữa bệnh, đóng học phí thì các trường cần có cách thức giúp đỡ đừng để các em rơi vào sự chọn lựa ngặt nghèo như thế. Cho đến nay không có trường đại học nào của Việt Nam có một tổ chức nào kiểu như phòng, ban đảm nhiệm việc hỗ trợ cấp kỳ cho SV khi có sự cố bất thường xảy ra. Nếu Nhà nước và các trường có tổ chức như thế (giống như ở các nước phát triển) thì việc tìm đến những hành động thiếu chín chắn của SV sẽ được giảm bớt.
Người xưa nói “thần thiêng nhờ bộ hạ”, thật tiếc trong trường hợp này, vị tư lệnh ngành GD&ĐT đã không có được nhóm tham mưu giỏi. Và việc rà soát các quy định đang có hiệu lực cũng đang có vấn đề.