Luật Giáo dục phải cấm được việc loạn thu

Ngày 17-10, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức hội thảo đóng góp ý kiến, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (GD). Nhiều ý kiến cho rằng Luật GD hiện nay còn chung chung, xa rời thực tế.

Sách giáo khoa phải ổn định

Những ý kiến đóng góp của GS Nguyễn Minh Thuyết - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đặc biệt gây sự quan tâm của nhiều đại biểu hơn cả.

Theo GS, điều quan trọng là chương trình sách giáo khoa (SGK) phải ổn định, thống nhất trong giảng dạy và do bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định tiêu chuẩn, biên soạn SGK hay lựa chọn làm thí điểm. Có như vậy chất lượng SGK mới được kiểm duyệt chặt chẽ, nội dung của mỗi loại sách tương ứng với từng đối tượng. Ý kiến này trùng với kiến nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) Chu Hồng Thanh.

Cũng theo GS Thuyết, hiện nay Chính phủ hay Bộ GD&ĐT không kiểm duyệt được nguồn ngân sách dành cho các địa phương nhằm nâng cao chất lượng GD. Ông ví dụ: năm 2008, có 27 địa phương trong cả nước không thực hiện đúng chỉ tiêu phân bổ mà Chính phủ giao, trong đó có nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM. GD trung học chỉ chiếm 6%-7% trong bánh ngân sách GD địa phương. Nay phải làm sao để Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính nắm được việc chi tiêu này.

Phải chống tiêu cực học phí

“Ngoài ra, Luật sửa đổi phải chống được tiêu cực trong GD, đặc biệt là những tiêu cực học phí, chạy trường chạy lớp” - GS Thuyết nói tiếp. Cũng theo ông, Luật GD hiện hành đã quy định cụ thể là ngoài học phí, người đi học không phải nộp cái gì cả. Tuy nhiên, tiền trường hiện rất loạn, còn có các khoản thu tự nguyện nhưng không nộp thì không xong.

Ông đề nghị nên có trong luật một số điều nghiêm cấm thu ngoài bất kỳ cái gì trừ học phí. Hội phụ huynh học sinh phải chấm dứt thu tiền, trường cũng không có quyền thu tiền đóng góp xây dựng trường hoặc cái này cái khác. Ông cũng “bắt lỗi” Luật GD có nhiều điều kiện ưu đãi trường tư thục trong khi đây là loại hình thu lợi lớn từ tiền lãi.

Tiến sĩ phải là tiến sĩ thật

GS Nguyễn Xuân Hãn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng trong vấn đề đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, điều quan trọng nhất là chuẩn luận văn tiến sĩ đạt những gì thì lại không được đưa vào luật. Cách thức tổ chức các hội đồng chấm cũng tương tự. Ông kiến nghị: Tiến sĩ phải được đào tạo tập trung, không có chuyện đào tạo tại chức. Cơ quan nào cử người đi thì người đấy phải dứt việc để đi học.

Theo ông Chu Hồng Thanh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT), dự luật sẽ quy định cụ thể thời hạn đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ. Cụ thể, đào tạo tiến sĩ được thực hiện trong bốn năm đối với người có bằng tốt nghiệp cử nhân; ba năm đối với người có bằng thạc sĩ. Trong trường hợp đặc biệt, bộ trưởng Bộ GD&ĐT sẽ quyết định kéo dài hoặc rút ngắn thời gian đào tạo (tối đa bốn năm, tối thiểu sáu tháng).

Cũng theo ông Thanh, những ý kiến từ hội thảo này sẽ được tổng hợp, trình Chính phủ để hoàn thiện dự luật sửa đổi.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC

Độc giả HOÀNG LÊ PHƯỚC (phường 12, quận Gò Vấp, TP.HCM):

Vấn đề ở chỗ ai là người kiểm tra việc loạn thu và kiểm tra có đến nơi đến chốn không.

TỐ NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm