Nhiều ‘sạn’ trong sách giáo khoa lớp 1 của Cánh diều

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên cả nước triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gọi là chương trình giáo dục phổ thông mới) đối với lớp 1.

Thay vì chỉ có một bộ sách như trước, chương trình mới cho phép các trường chọn lựa các bộ sách gồm: Chân trời sáng tạo, Cánh diều, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục, Kết nối tri thức với cuộc sống. 

Nhiều “sạn” đến khó hiểu

Sau một tháng triển khai, câu chuyện chương trình mới bị kêu nặng chưa lặng xuống thì sách Tiếng Việt của bộ Cánh diều bị cho rằng có quá nhiều “sạn”.

Chị Vũ Ngọc Thanh Tâm (quận Đống Đa, TP Hà Nội), phụ huynh có con học lớp 1 với bộ Cánh diều, cho biết những bài đầu con học ở lớp, về nhà chị kèm cặp thêm nên chỉ đọc những trang sách đầu.

“Nay có thời gian ngồi lại đọc các câu chuyện trong sách mới ngẫm ra có những câu chuyện đang đi xa với tư duy của con trẻ, như truyện “Chuột út”, “Hai con ngựa”, “Cua, cò và đàn cá”, “Ve và gà”

Sách Tiếng Việt của bộ Cánh diều rất ít thơ, tục ngữ, ca dao, đồng dao Việt Nam mà lại có quá nhiều các câu chuyện ngụ ngôn hay truyện dân gian Việt Nam. Tuy nhiên, các bài này đều ghi là phỏng theo các truyện có sẵn nhưng lại bị cắt thành hai phần, chia thành hai bài học khác nhau. Như thế, trẻ làm sao có thể nắm bắt được xuyên suốt câu chuyện. Tôi có cảm giác các tác giả đang cố ép cho trẻ gieo vần. Nếu chưa học xong vần thì đâu nhất thiết phải đọc các câu chuyện. Chỉ cần đọc một, hai câu có nghĩa là đạt rồi. Khi các con đọc thông, chúng ta có thể đưa các câu chuyện vào” - chị Tâm nói.

Chưa kể, ở câu chuyện “Thỏ thua rùa”, một câu chuyện dân gian có giá trị lâu đời trên toàn thế giới, cũng bị “xào nấu”. Câu chuyện trở nên “tào lao” khi cuối bài xuất hiện con quạ kêu “quà quà”. Tiếng kêu “quà quà” này còn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong sách Tiếng Việt như mặc định quạ kêu là “quà quà”, trong khi từ bao đời nay con quạ kêu “quạ, quạ”.

Cô Huỳnh Thị Cẩm Tú (giáo viên ở quận Gò Vấp, TP.HCM) cho rằng khi dạy học sinh các từ ngữ địa phương khá vất vả, do ngoài nhiệm vụ dạy học sinh chữ còn phải giải thích từ đồng nghĩa với từ địa phương đang được dùng. Có những em không hiểu là coi như hôm đó cháy giáo án vì cô trò sa vào giải thích.

“Bộ Cánh diều dùng nhiều phương ngữ không phổ biến, đa số từ miền Bắc, không mang tính toàn quốc, gây khó khăn cho giáo viên trong việc truyền thụ kiến thức” - cô Tú nói.

TS Nguyễn Thị Giêng (cựu giảng viên khoa ngữ văn, bộ môn ngôn ngữ học) cũng chỉ ra rằng từ “chả” đang được xem là khẩu ngữ, thường được sử dụng trong văn nói. Từ “chả” đồng nghĩa với “không”, chẳng” nhưng từ “không” mới là từ toàn quốc. Nếu dùng “chả” thay thế cho “chẳng”, “không” trong mọi trường hợp thì cách học, viết tiếng Việt đang dạy theo kiểu người nước ngoài học tiếng Việt.

TS Giêng cho rằng nên tôn trọng ngôn ngữ chuẩn, từ ngữ toàn quốc, chỉ sử dụng từ vùng, miền khi thật cần thiết.

Cử tri Ngô Thanh Lan mang sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều lên trình bày với đại biểu Quốc hội. Ảnh: LÊ THOA

Nội dung quá sức học sinh

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Bình Thạnh trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 6, nhiều cử tri nêu ý kiến về vấn đề sách giáo khoa (SGK), chương trình học của học sinh lớp 1.

Cử tri Ngô Thanh Lan (ngụ phường 27) đã mang bộ sách Cánh diều lên phản ánh với đại biểu Quốc hội về các nội dung trong sách. 

“Sách Tiếng Việt lớp 1 ghi nội dung yêu cầu học sinh phải đọc hiểu các sáng tác văn học…, còn sách Âm nhạc bảo giúp các em hình thành, ứng dụng và sáng tạo âm nhạc… Những vấn đề này làm sao đứa trẻ mới sáu tuổi có thể làm được?” - cử tri Lan đặt vấn đề.

Đưa sách Tiếng Việt 1 lên, cử tri Lan chỉ ra trong sách đang sử dụng một số từ ngữ địa phương, không mang tính phổ thông.

“Sách đưa hình quả dưa hấu nhưng lại ghi dưa đỏ trong khi chúng ta có sự tích dưa hấu, đưa hình con gà trống và con gà mái rõ ràng như thế nhưng lại ghi là gà ri… Thậm chí, kho tàng cổ tích Việt Nam rất nhiều nhưng sách lại đưa truyện cổ dân gian của nước ngoài cho học sinh lớp 1. Sao chúng ta dạy cho con em yêu tiếng Việt, yêu dân tộc Việt mà lại đưa truyện nước ngoài vào...?” - bà Lan trình bày.

Bà dẫn chứng tiếp: “Sách còn mượn truyện ngụ ngôn của La Fontaine, trong khi truyện này rất khó hiểu vì có ẩn ý đằng sau. Thậm chí, truyện của La Fontaine chỉ có truyện “Ve và kiến” thì trong sách lại biến thành “Ve và gà” rồi còn nói là do Minh Hà kể”.

GS Nguyễn Minh Thuyết nói gì?

Lên tiếng về những nội dung được tranh luận những ngày qua, GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên môn Tiếng Việt của bộ Cánh diều, cho biết nhóm biên soạn đã làm việc rất kỹ lưỡng và có quan điểm của mình.

“Tất cả câu chuyện được đưa vào sách đều được phỏng lại truyện của nhà văn Nga Lev Tolstoy, nhà văn Pháp La Fontaine... Cốt truyện được giữ nguyên. Nhưng truyện dài nên phải chia làm hai phần, có đánh số 1, 2, phần 2 được học ngay sau phần 1.

Khi viết sách, ban biên soạn chỉ sửa một vài chữ, từ hoặc cho ngắn gọn lại để học sinh dễ hiểu. Nhưng chỉnh sửa đó tập trung về phần học vần cho phù hợp tiến độ, không thay đổi nội dung.

Một số phụ huynh cũng như người dùng mạng xã hội phản ánh câu chuyện như “Hai con ngựa”, “Cua, cò và đàn cá” thiếu tính giáo dục, thậm chí là “dạy trẻ thói khôn lỏi”, lừa lọc…

Tôi nghĩ họ đã đọc không đầy đủ các câu chuyện rồi chỉ trích tác giả bịa. Tôi thấy phê bình như vậy rất vội vàng. Chúng tôi khẳng định rằng các bài đọc đều đã được nhóm biên soạn cân nhắc, viết đi viết lại...

“Trong quá trình các trường triển khai dạy học, ban biên soạn tiếp tục lắng nghe để xử lý những vấn đề do giáo viên đặt ra. Không lâu nữa, tôi tin mọi người sẽ thấy hiệu quả của sách” - ông nói.

Bộ GD&ĐT đề nghị báo cáo việc dư luận phản ánh về sách giáo khoa lớp 1

Tối 11-10, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT ký công văn gửi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn tiếng Việt lớp 1 về việc rà soát, báo cáo về nội dung SGK môn tiếng Việt lớp 1.

Công văn nêu: Trước phản ánh của báo chí về việc SGK môn tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo kiểm tra, làm rõ và có phương án xử lý phù hợp vấn đề này.

Cụ thể, triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đã tổ chức thẩm định SGK lớp 1. Căn cứ kết quả thẩm định, bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã phê duyệt năm bộ SGK lớp 1 để các nhà trường lựa chọn, triển khai các hoạt động dạy học theo quy định.

Tuy nhiên, những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã có phản ánh về việc SGK môn tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp đối với học sinh.

Bộ GD&ĐT đề nghị hội đồng rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu. Báo cáo của hội đồng thẩm định gửi về Bộ GD&ĐT trước ngày 17-10. 

Không có triết lý giáo dục đúng dẫn dắt khi biên soạn sách giáo khoa

Nhiều ‘sạn’ trong sách giáo khoa lớp 1 của Cánh diều ảnh 2
 

Phản ứng của xã hội về SGK những ngày qua cho thấy một nội dung rất quan trọng: Khi biên soạn bộ SGK này, các tác giả đã không có một triết lý giáo dục đúng và tường minh dẫn dắt nên các tác giả đã không hình dung được SGK của mình sẽ được sử dụng để đào tạo con người nào.

Khi đã không biết rõ sách mình viết ra để đào tạo con người nào thì sẽ rất dễ rơi vào viết… nhảm. Cũng giống như người thầy khi không biết những điều mình dạy sẽ góp phần đào tạo ra con người nào thì sẽ chỉ có thể dạy theo máy móc và cũng rất dễ dạy… nhảm. Vì thế, ngữ liệu, nội dung, hình ảnh minh họa... sẽ thiếu nhất quán, tự phát và bị giới hạn bởi trải nghiệm tuổi thơ và giáo dục của chính các tác giả. Đó chính là lý do vì sao trong sách hay có nhiều từ địa phương, xa lạ và ít sử dụng với trẻ em hiện giờ.

Khi đã thiếu triết lý giáo dục dẫn dắt, tự phát và bị giới hạn bởi quá khứ như thế, những gì được viết ra trong SGK sẽ là những gì thuộc về tiềm thức và trải nghiệm tự nhiên của chính các tác giả - những người đã rất cũ, đã thuộc về quá khứ - chứ không phải những gì dành cho các thế hệ tương lai, thuộc về một thời đại hoàn toàn mới.

Chưa kể, điểm yếu cốt tử của việc biên soạn SGK từ xưa đến nay vẫn chưa khắc phục được là không có một tổng công trình sư chỉ huy việc biên soạn SGK cho toàn cấp học.

Việc này dẫn đến một thực tế rằng các tác giả trong cùng một bộ sách nhưng thuộc các bộ môn khác nhau, hiếm khi làm việc cùng nhau để đồng bộ hóa, dẫn đến nhịp đi của các bộ sách bị vênh nhau, gây khó cho học sinh và giáo viên, làm giảm chất lượng giáo dục rất nhiều.

Những điều này chỉ có thể khắc phục khi xác lập được một triết lý giáo dục đúng để dẫn dắt việc biên soạn SGK, bộ giá trị cốt lõi làm khung tham chiếu, một nhóm phương pháp giáo dục tiên tiến để truyền tải các nội dung này và một tổng công trình sư đủ tầm vóc để chỉ huy việc biên soạn SGK cho toàn cấp học. Nếu không thì các bộ SGK của năm sau cũng không hy vọng sẽ khắc phục được các sai sót này.

TS GIÁP VĂN DƯƠNG, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Times School 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm