Ở ngôi trường 100 năm tuổi

Hôm nay (9-11), Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM tổ chức kỷ niệm 100 năm thành lập (1913-2013). Nằm giữa bốn con đường Điện Biên Phủ - Bà Huyện Thanh Quan - Ngô Thời Nhiệm - Trương Định, ngôi trường đã sản sinh bao thế hệ học trò ưu tú. Gắn bó với trường từ năm 1977 và về hưu năm 2011, Nhà giáo ưu tú - ThS Dương Thị Trúc Bạch, nguyên Hiệu trưởng nhà trường, với 34 năm làm giáo viên và cán bộ quản lý, đã có những chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về việc dạy và học tại ngôi trường này.

Bài học đức dục

. Phóng viên:Thưa cô, thời còn là trường nữ sinh thì chương trình giáo dục thực hiện như thế nào?

+ Nhà giáo ưu tú - ThS Dương Thị Trúc Bạch: Chương trình giáo dục thì trường nữ hay trường nam đều như nhau. Nhưng đối với trường nữ, cách dạy, tiếp cận học trò nữ mang tính đặc thù riêng. Các cô dạy rất kỹ nữ công gia chánh, công dung ngôn hạnh; dạy học sinh nữ từ cách mặc áo dài đến cả nội y sao cho phù hợp; rồi hướng dẫn từng chút cách ăn nói, đi đứng. Những bài học từ môn đức dục đã dạy nữ sinh đức tính cẩn thận, tỉ mỉ, biết xúc cảm trước nỗi đau của người khác…

. Nhưng rồi trường nữ duy nhất ở Sài Gòn cuối cùng vẫn tuyển nam?

+ Từ năm 1978 trường bắt đầu nhận học sinh nam. Nguyên nhân tuyển nam để bình đẳng và cân bằng giới tính (Cười). Tuy nhiên, nam nữ vẫn học riêng và mãi đến những năm 1990 mới để nam nữ học chung một lớp.

Ở ngôi trường 100 năm tuổi ảnh 1

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai hôm nay. Ảnh: QUỐC DŨNG

Tiếp cận phương pháp mới, ươm mầm tương lai

. Thưa cô, ngay sau ngày thống nhất cô đã ở trường. Những năm đầu đổi mới, trường đã dạy học như thế nào?

+ Thời bao cấp rất khó khăn về kinh tế, nhiều trường phải “cứu mình trước khi trời cứu” nên bung ra làm kinh tế bằng cách cho thuê mặt bằng. Nhưng Trường Minh Khai vẫn kiên quyết không cắt xén dù nằm ở bốn mặt tiền đường và vẫn giữ nguyên khuôn viên cho đến nay. Đó là công của cô Trần Thị Tỵ (hiệu trưởng từ năm 1975 đến 1991). Cô đã giữ được mục tiêu: Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò.

Cô Tỵ cũng là người có sáng kiến tổ chức phong trào làm đồ dùng dạy học. Nhờ vậy mà trong khi những trường khác chỉ “dạy chay” các môn học có liên quan đến thực hành như lý, hóa, sinh… thì học sinh của trường đã được tiếp cận thực hành.  Kế đến là tổ chức những tuần lễ bộ môn, trong đó học trò sẽ lên thuyết trình, rồi cả tập thể đóng góp. Bằng phương pháp đó nên giờ học của trường luôn sinh động, phòng thiết bị luôn luôn đông đúc.

. Khi cô làm hiệu trưởng, nhiều dự án với nước ngoài đã hình thành?

+ Năm 1997, tôi làm hiệu trưởng. Thời này bắt đầu hội nhập, tôi được đi tham quan một số nước để tiếp cận nền giáo dục tiên tiến. Sau đó tôi nhận thấy chương trình học như nhau nhưng phải làm thế nào để đổi mới phương pháp dạy và học, trang bị thêm các phương tiện nghe nhìn hiện đại, tổ chức các lớp học tiên tiến để giúp học sinh tiếp thu bài một cách hứng thú, chủ động và đạt hiệu quả tích cực.

Ở ngôi trường 100 năm tuổi ảnh 2

Nữ sinh Gia Long 1969. Ảnh: TƯ LIỆU

Chúng tôi được Tập đoàn Intel (Mỹ) tổ chức một lớp đào tạo giáo viên dạy theo phương pháp “Dạy học cho tương lai”, áp dụng các phương pháp dạy học tối ưu nhất trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế bài giảng. Tiếp đến, Tập đoàn VVOB (Bỉ) và Microsoft (Mỹ) tiếp tục đề nghị trường tham gia dự án học tập khác. Trong đó, tổ vật lý của trường được Tập đoàn VVOB mời tham gia ghi hình một tiết học để làm tư liệu mẫu cho tất cả quốc gia trên thế giới có tham gia dự án.

Giáo viên được cử đi học các phương pháp này khi về đều hướng dẫn lại cho các giáo viên khác. Rồi tất cả học sinh trường cũng được học theo dự án. Học sinh không chỉ ngồi nghe thầy cô giảng bài mà còn làm những dự án từ các môn học. Trong dự án đó đòi hỏi học sinh phải làm việc nhóm, phải đi thực tế để thực hành cho bài học. Chẳng hạn học về trồng hoa lan phải đi tới nơi trồng, học hóa học phải biết làm xà bông… Sau đó học sinh thuyết trình cho bạn bè và thầy cô về dự án của mình, biết tạo trang web cho dự án để quảng bá… Do được tiếp cận cách học mới nên nhiều học sinh khi du học trở về đều cho biết nhờ học tại trường mà các em hội nhập nhanh khi du học vì biết cách làm việc nhóm, biết lãnh đạo, biết thuyết trình, thuyết phục…

Không thể dàn hàng ngang để tiến

. Trường luôn được chọn làm thí điểm cho những chương trình mới. Thế nhưng cô lại muốn tự mình lựa chọn hơn là bị áp đặt?

+ Hầu như các chương trình mới mở thì trường đều được chọn làm thí điểm. Chúng tôi đã tích cực thực hiện trong khả năng và điều kiện của trường để đạt được kết quả tốt nhất. Chẳng hạn thí điểm phân ban vừa rồi có ba ban là ban Khoa học tự nhiên, ban Khoa học xã hội và ban Cơ bản. Tuy nhiên, sau khi thí điểm hai năm thì tôi quyết chỉ chọn học ban Cơ bản và các môn nâng cao theo khối thi ĐH, bởi hai ban còn lại không mấy học sinh chọn.

Đến khi triển khai đại trà thì Minh Khai là trường đầu tiên và duy nhất quyết định chỉ học ban Cơ bản. Thời đó, Sở GD&ĐT cũng có ý kiến buộc tôi phải trả lời với Bộ GD&ĐT tại sao lại làm không đúng chỉ đạo. Tuy nhiên, khi Bộ triển khai thì thấy tôi làm đúng hướng. Đấy là quyền, bản lĩnh của mình. Mình phải biết lựa chọn cái nào là tốt cho học sinh chứ không cứ cái gì dội xuống thì chấp hành một cách máy móc. Không thể dàn hàng ngang để tiến được. 

. Điều cô mong ước sau 34 năm gắn bó với trường nhưng đến khi về hưu cô chưa làm được?

+ Điều mong ước của tôi là những người đang dạy, đang làm việc, đang học phải tiếp tục thắp sáng ngọn đuốc truyền thống của ngôi trường 100 năm tuổi để đạt được những kỳ vọng mà thế hệ đi trước đã trao gửi. Hãy trân trọng quá khứ, cống hiến hết mình trong hiện tại, dũng cảm đón nhận những thời cơ và thách thức trong tương lai. Và ngôi trường 100 năm tuổi này sẽ mãi mãi là ngọn cờ của ngành giáo dục, luôn được sự tin yêu của phụ huynh và xã hội.

. Xin cảm ơn cô.

Ba thế hệ Áo Tím - Gia Long - Minh Khai

Lễ đặt viên đá đầu tiên để xây một ngôi trường dành riêng cho nữ giới tại Sài Gòn mang tên Trường Nữ học đường Sài Gòn được tổ chức ngày 6-11-1913 dưới sự chủ trì của Toàn quyền Pháp tại Đông Dương Albert Sarraut. Trường được xây cất với vật liệu được đưa từ Pháp sang, chẳng hạn mái trường màu đỏ lợp bằng ngói, nếu lật một viên ngói cũ sẽ đọc được dòng chữ “Marseille”… Tại lễ khánh thành trọng thể vào hai năm sau (19-10-1915), nhà trường đã chọn màu áo tím làm đồng phục cho tất cả nữ sinh, vì màu tím “tượng trưng cho đức tính đoan trang, kín đáo và khiêm nhường của thiếu nữ Việt Nam”. Từ đó, trường thường được gọi là Trường Áo Tím.

Ở ngôi trường 100 năm tuổi ảnh 3

Cô học trò Giang Thị Khánh Linh (công tác tại BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM) khóa 1985-1986 vỡ òa khi gặp lại cô giáo Dương Thị Trúc Bạch (bìa trái)trong lễ hội kỷ niệm 100 năm thành lập trường sáng 8-11. Ảnh: QUỐC DŨNG

Năm 1940, trường được đổi tên là Collège Gia Long, rồi bãi bỏ các lớp tiểu học, tên trường được đổi là Lycée Gia Long. Đến năm 1950-1951, lần đầu tiên hiệu trưởng là người Việt, đó là cô Nguyễn Thị Châu - cựu nữ sinh của trường. Năm 1952, chương trình Việt ngữ bắt đầu áp dụng dần dần thay thế cho chương trình Pháp. Sang năm 1953, sau đúng 40 năm đặt viên đá đầu tiên, đồng phục áo tím được thay bằng đồng phục áo trắng với huy hiệu bông mai vàng, đổi tên thành Trường Nữ trung học Gia Long. Sau năm 1975, trường được mang tên người nữ anh hùng Nguyễn Thị Minh Khai cho đến nay.

Ngôi trường lâu đời vùng Nam Bộ

Trường Áo Tím - Gia Long - Minh Khai là một trong những ngôi trường lâu đời nhất (xếp thứ hai) của không riêng Sài Gòn - TP.HCM mà cả vùng Nam Bộ. Từ ngôi trường này có biết bao người con ưu tú đã thành đạt và mang nhiều vinh dự về cho Tổ quốc. Trong đó không ít người đã đổ xương máu, thậm chí cả sinh mạng vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhiều người đã trở thành lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Trường đã được Chủ tịch nước trao tặng huân chương Lao động hạng Ba (năm 1999), huân chương Lao động hạng Hai (năm 2003)…

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm