Phụ huynh “ngộp” với tiền trường

Như điệp khúc đến hẹn lại lên, đầu năm học cha mẹ học sinh chóng mặt chạy lo các khoản tiền trường và không ít ý kiến phản ánh về những khoản thu không hợp lý.

Anh Huỳnh Minh Trí, một phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng, quận 3, than thở: “Tôi có hai đứa con, đứa lớn đang học THPT, đứa nhỏ vừa vào lớp 1. Chi phí cho đứa lớp 1 cao gấp ba lần so với chị nó. Bậc tiểu học không phải đóng học phí nhưng các khoản thu chi chít cao gấp nhiều lần so với học phí”.

Quá nhiều khoản thu

Anh Lê Trung Bảo có con đang học lớp 2 Trường Tiểu học Đuốc Sống (quận 1) kêu trời vì có quá nhiều khoản thu. Anh nói: “Từ đầu năm học đến giờ phải đóng tới bốn biên lai. Biên lai một là 256.000 đồng, gồm: giấy thi (10.000 đồng), bảo hiểm tai nạn (15.000 đồng), chăm sóc răng miệng (30.000 đồng), bảo hiểm y tế (184.000 đồng), phù hiệu (10.000 đồng), sổ liên lạc (7.000 đồng). Biên lai hai là 705.000 đồng, gồm: tiền ăn, học phí, vệ sinh, vi tính, Anh văn. Biên lai ba tổng cộng 100.000 đồng tiền cơ sở vật chất multimedia. Biên lai bốn thu 30.000 đồng tiền cơ sở vật chất…”.

Điều khiến anh thắc mắc là có khoản thu không dùng tiếng Việt mà dùng tiếng Anh nửa vời một cách khó hiểu. Đã vậy, nhà trường còn bán đồng phục với giá “trên trời” 210.000 đồng/bộ, mỗi học sinh ít nhất phải mua hai bộ để thay đổi thành ra tốn mất 420.000 đồng.

Anh Nguyễn Đình Khôi (phụ huynh cháu T. đang học lớp 2 Trường Tiểu học NĐC, quận Phú Nhuận) than thở: “Nhà trường bắt phụ huynh cái gì cũng “đồng phục”, từ tấm bảng con đến giấy bao sách vở!”. Đầu năm học này, anh Khôi đã đóng hơn 500.000 đồng để mua ba bộ đồng phục và quần áo thể dục. Những bộ đồng phục này nếu mua ở ngoài, hay may thì sẽ rẻ hơn rất nhiều nhưng nhà trường không bán logo, phù hiệu riêng mà bán chung với quần áo nên phụ huynh không còn cách nào khác là phải mua. Ngoài ra, nhà trường còn yêu cầu phụ huynh phải mua báo Nhi Đồng, Rùa Vàng…

Chuyện đồng phục không riêng gì bậc tiểu học, tại Trường THPT Trưng Vương (quận 1), trường liên kết hẳn với dệt Thái Tuấn để may đồng phục cho nữ sinh với giá khá cao so với bên ngoài. Trường THPT dân lập Hồng Hà (quận Phú Nhuận) thì bày thêm kiểu “ba lô đồng phục” với giá 200.000 đồng/cái.

Cao hơn quy định

Với các khoản thu theo quy định của Sở, thực tế phụ huynh phải đóng cao hơn rất nhiều so với quy định. Một phụ huynh Trường Tiểu học Phan Văn Trị (quận 1) cho biết đầu năm học anh phải đóng 1.164.000 đồng và gần 300.000 đồng cho những đồ dùng học tập lặt vặt. Học sinh bán trú của trường này còn phải đóng hơn 10 khoản thu khác, trong đó riêng tiền cơ sở vật chất đến 300.000 đồng/năm (gấp 10 lần quy định). Tại Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3), ngoài khoản thu nằm trong quy định (học Anh văn, vệ sinh phí, bảo hiểm y tế, nước uống, phục vụ bán trú, cơ sở vật chất, tăng cường tin học) là 277.500 đồng, phụ huynh còn phải đóng thêm 500.000 đồng “tiền thay bàn ghế” và quỹ hội phụ huynh.

Phụ huynh “ngộp” với tiền trường ảnh 1

Các biên lai thu phí của Trường Tiểu học Đuốc Sống, quận 1, trong đó có nhiều khoản thu phụ huynh không hiểu (trái). Các khoản thu tháng đầu năm học 2010-2011 của Trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng, trong đó có cả việc thu phí Hội PHHS 150.000 đồng.

Tiền quỹ hội cha mẹ học sinh về nguyên tắc là khoản thu tự nguyện để hỗ trợ nhà trường trong khuyến khích học tập, nằm trong chừng mực nhất định. Thế nhưng có trường thu rất cao. Phụ huynh học sinh lớp 10 Trường THPT Võ Thị Sáu (Bình Thạnh) “được” hội cha mẹ phụ huynh vận động đóng 1,2 triệu đồng tiền “trang bị phòng học chất lượng”.

Thu để trang trải lương bổng…

Cô Võ Thị Thái Vượng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (Gò Vấp), cho biết: Nhiều mức thu theo quy định không còn phù hợp nữa, ví dụ như khoản thu phục vụ bán trú 30.000 đồng/tháng đã có từ hơn 10 năm nay rồi. Hiện giờ mức thu này không tăng được nên nhiều trường phải kêu gọi phụ huynh đóng thêm 20.000-30.000 đồng/tháng để trả lương thêm cho giáo viên dạy buổi chiều và bảo mẫu, cấp dưỡng, bảo vệ…

Còn cô Trần Thị Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Việt Hồng (quận 3), thì giải thích: Nhà trường thu thêm tiền điện 3.000 đồng/tháng để chi trả cho việc máy sấy chén, hấp khăn và tăng cường đèn, quạt cho học sinh. Ngoài ra, trường có kêu gọi phụ huynh đóng thêm 40.000 đồng/tháng tiền bán trú cũng để trả lương thêm cho bảo mẫu, bảo vệ, người làm vệ sinh… Nếu không có nguồn thu này thì thu nhập của bảo mẫu rất thấp (chỉ 600.000-800.000 đồng/tháng), có thêm khoản thu này, lương bảo mẫu tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng mới giữ chân họ được.

Các khoản được phép thu

Học Anh văn, vệ sinh phí, bảo hiểm y tế, nước uống, phục vụ bán trú, cơ sở vật chất, tăng cường tin học.

Tiền cơ sở vật chất từ bậc mầm non tới THPT là 30.000 đồng/năm (nội thành), 20.000 đồng/năm (ngoại thành).

Tiền cơ sở vật chất phục vụ bán trú với mức dao động 80.000-150.000 đồng (nội thành) và 50.000-100.000 đồng (ngoại thành).

Riêng quỹ hội phụ huynh không quy định cụ thể mà là do phụ huynh thống nhất, tự nguyện đóng góp dựa trên những công việc cụ thể hỗ trợ cho nhà trường.

Theo quy định của Sở GD&ĐT TP.HCM)

Nghệ An: Buộc trường học phải công khai các khoản thu

Để tránh “loạn thu”, Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An vừa ban hành văn bản yêu cầu các trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các khoản thu năm học 2010-2011.

Theo đó, Sở yêu cầu các trường, cơ sở giáo dục tuyệt đối không được đặt ra hoặc thu vượt mức một khoản thu nào trái với quy định hiện hành, đồng thời phải niêm yết công khai các khoản thu. Trường nào đã lỡ thu các khoản trái quy định thì phải trả ngay cho học sinh.

ĐẮC LAM

Sẽ thanh tra các khoản thu

Trường nào thu sai thì phụ huynh cứ phản ánh cho báo chí, phản ánh với lãnh đạo Sở, chúng tôi sẽ xử lý triệt để. Sở đã có văn bản quy định mức thu học phí, cơ sở vật chất và các khoản thu khác để phục vụ công tác dạy học ở trường. Các trường không được tự ý thu vượt hoặc đề ra thêm khoản thu khác. Sở nghiêm cấm việc đặt ra mức thu lớn, quá sức đối với nhiều phụ huynh, nhất là các khoản thu không được đại đa số phụ huynh đồng tình. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành thanh tra khoản thu tại các trường.

Ông HUỲNH CÔNG MINH, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Làm quyết liệt trong một năm là ngăn chặn được

Nguyên nhân của lạm thu tiền trường là do tài chính chưa minh bạch, công khai, trong khi đó quy định lại chưa cụ thể. Các trường không đủ tiền để chi buộc phải lạm thu. Hậu quả là những gia đình có thu nhập thấp sẽ rất khó khăn, gồng mình cố gắng cho con đến trường, đồng thời tạo ra tiêu cực trong nhà trường.

Để ngăn chặn lạm thu tiền trường phải có sự tham gia quyết liệt và dứt điểm của các cấp lãnh đạo. Cần quy định nghiêm ngặt, cụ thể các khoản thu, công khai tài chính cho phụ huynh được biết. Không thể cứ nói mãi mà không làm gì. Nếu làm quyết liệt, chỉ trong khoảng một năm, tôi tin rằng vấn đề này sẽ được giải quyết dứt điểm.

GS PHẠM MINH HẠC, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (Theo plo.vn)

QUỐC VIỆT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm