Có khi cô phải nán lại việc thu tiền để chạy đi cho trẻ nào đó uống thuốc hay xử trí khi gặp sự cố thương tích, rồi tiếp tục quay lại kiểm tiền, ghi biên lai...
Không phải cô thủ quỹ thì cũng là cô kế toán hay văn thư phải chồng chéo công việc như thế.
Bởi lẽ mục 4 Điều 5 của Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDDT-BNV quy định rõ: “Căn cứ khối lượng công việc thực tế, nhu cầu và vị trí việc làm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ xác định số lượng người làm việc tối đa không vượt quá hai người để thực hiện nhiệm vụ về kế toán, văn thư, y tế, thủ quỹ”.
Một trường mầm non ở Thủ Đức dán thông báo tuyển nhân viên y tế từ hai tháng nay. Ảnh: TT
Thêm nữa, theo quy định, nhân viên kế toán không được giữ tiền, nghĩa là không thể kiêm thủ quỹ; kế toán cũng không được giữ mộc, tức không thể kiêm văn thư. Vì thế, chỉ thủ quỹ kiêm văn thư hoặc y tế kiêm nhiệm các vị trí còn lại.
Với các TP, đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội…, trường, lớp luôn trong tình trạng quá tải, nhất là mầm non và tiểu học. Kéo theo đó là sẽ luôn nằm trong các báo động đỏ về dịch bệnh, tai nạn thương tích... thì khối lượng công việc bất kỳ nhân sự nào cũng tăng gấp bội và nặng nhất vẫn là y tế.
Chưa nói đến việc các địa phương này luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng giáo viên lẫn nhân viên y tế. Như TP.HCM đã linh động tuyển dụng quanh năm và nới rộng việc tuyển dụng đến các đối tượng không có hộ khẩu tại TP nhưng tình hình cũng không khá hơn. Việc TP vẫn thiếu hàng ngàn người chưa có cách giải quyết thì bao năm nay lại choàng thêm cảnh “bốn việc chỉ tuyển hai” càng làm rối và khó tìm nguồn tuyển hơn.
Trong một cuộc họp giám sát của Ban Văn hóa - xã hội, HĐND TP.HCM về vấn đề xây dựng trường, lớp cho năm học mới từ năm 2016, có vị làm công tác quản lý tại quận Bình Tân đã thẳng thắn rằng:“Trường mầm non nào cũng 500-600 trẻ trở lên, quanh năm đối diện với nhiều dịch bệnh và các vấn đề sức khỏe của trẻ, có nhân viên y tế riêng còn chưa chắc làm nổi huống gì kiêm nhiệm. Xây trường lớn tưởng khó chứ còn dễ và đỡ rối hơn việc tìm nhân sự kiểu này”.
Không chỉ cuộc họp này, từ khi thông tư này được triển khai năm 2015 đến nay, tại TP.HCM có không biết bao nhiêu cuộc họp. Dù nội dung liên quan hay không thì chủ đề thường được đề cập đến trong đó vẫn là khó khăn trong việc tuyển dụng cũng như sắp xếp vị trí việc làm cho đội ngũ ở trường mầm non.
Như cao điểm vào mùa mưa như hiện nay, mùa của hàng loạt dịch bệnh, chịu ảnh hưởng lớn nhất có lẽ chính là các trường mầm non. Thế nhưng biết bao ý kiến đã nêu lên, biết bao kiến nghị được đề xuất nhưng đến nay đâu vẫn vào đó.
Các ban, ngành luôn yêu cầu các trường, địa phương chú trọng công tác y tế học đường, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh. Nhưng liệu đến bao giờ nó mới thật sự được chú trọng khi phải than hoài chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”ấy.