Tiếng Việt biến mất trên vé máy bay

Pháp Luật TP.HCM cũng đã từng thực hiện một chuyên đề về vấn nạn lạm dụng tiếng nước ngoài trong giao tiếp, làm mất đi giá trị trong sáng của tiếng Việt. Nhưng một bộ phận không nhỏ lớp trẻ hôm nay, bao gồm học sinh, sinh viên - những người đang cắp sách đến trường, vẫn cứ không biết sử Việt, viết và nói sai chữ Việt, tiếng Việt hoặc pha tạp tiếng nước ngoài kiểu “nửa nạc nửa mỡ” vẫn cứ diễn ra. Những hồi chuông báo động gióng lên xong lại rơi vào im lặng.

Không thấy cơ quan, tổ chức nào đưa ra được biện pháp, giải pháp khả dĩ giới hạn, chặn đứng tình trạng được báo động nói trên, hoặc nếu có cũng là “đánh trống bỏ dùi” như trước đây có lúc đã có quy định bắt buộc các bảng hiệu, quảng cáo nơi công cộng phải đề tên tiếng Việt lớn hơn tiếng nước ngoài, nếu có. Thế nhưng chẳng mấy ai tuân thủ, rồi chẳng ai còn nhớ rằng đã có một quy định như thế! Bây giờ thì hầu như mọi nơi mọi lúc tiếng Anh đã lấn át tiếng Việt, thậm chí người ta đặt tên, quảng cáo phân bón (dĩ nhiên đối tượng chắc chắn là nông dân Việt!) cũng bằng tiếng Anh. Cửa hàng phân bón, nông sản thực phẩm cũng để “showroom”! Cả trên các phương tiện truyền thông nghe nhìn thuộc hệ thống quốc gia, nhất là trên các kênh truyền hình giải trí, mua sắm, thường xuyên xuất hiện những cụm từ nửa nạc nửa mỡ kiểu “Let’s cà phê”… Còn những người dẫn chương trình đài truyền hình, phát thanh viên vẫn mặc nhiên tha hồ tung hứng tiếng Anh chen tiếng Việt loạn xạ, dù họ thừa hiểu có những đối tượng khán giả không hiểu họ đang nói gì.

Nói đến đối tượng của chữ nghĩa, tôi mới nhớ đến những chiếc vé máy bay của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam. Trước kia, vé được in hai thứ tiếng Việt - Anh. Những ai cầm tấm vé cũng hiểu rằng có hai đối tượng tham gia các chuyến bay, đó là người Việt và người nước ngoài. Quốc tế hóa là phải thế. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, từ lúc vé được in theo mẫu đặt chỗ trên mạng trực tuyến thì tiếng Việt đã hoàn toàn biến mất. Toàn bộ vé đều ghi tiếng Anh, không cần biết là khách nội địa hay quốc tế! Rất nhiều người không biết tiếng Anh, nhất là những người cao tuổi, cán bộ hưu trí, những công nhân, nông dân… cầm chiếc vé máy bay ngơ ngác đi tìm người dịch, chỉ dẫn giùm, nếu không, chẳng biết ngày giờ bay, cũng không thể biết thông tin cần thiết khác. Sân bay nội địa hiện nay đã có không ít những hành khách trạc tuổi tứ tuần trở lên ngơ ngác tìm bảo vệ, tiếp viên để nhờ hỏi những thông tin trên tấm vé, không ít những người con tiễn cha mẹ ra sân bay phải dặn dò kỹ lưỡng về những thông tin cơ bản ấy…

Không hiểu quý vị lãnh đạo Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam nghĩ gì về chuyện này? Chẳng lẽ tiếng Việt không đủ từ, hay không đáng để viết vào chiếc vé máy bay? Hay chỉ có tiếng Anh mới làm cho giá trị thương hiệu thêm phần sang trọng?

Ngoài chuyện “làm khó” đa số hành khách người Việt, đây còn là chuyện quốc thể. Một hãng hàng không quốc gia há chẳng biết gì đến quốc thể?

Những cơ quan tầm cỡ quốc gia như đài truyền hình, hãng hàng không và còn nhiều những cơ quan, tổ chức khác cũng sính tiếng nước ngoài, rẻ rúng tiếng mẹ đẻ như thế làm sao trách một bộ phận không nhỏ những người trẻ tuổi pha trộn ngoại ngữ khi đối thoại với ông bà?!

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm