Tổ hợp KHXH: Thí sinh không khó lấy điểm trung bình

Đề Sử có sự phân hóa cao

Nhận xét về đề thi Lịch sử, thầy Thiều Quang Thịnh, giáo viên Lịch sử, trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè TP.HCM cho hay nhận định chung về mã đề 301, phổ điểm trung bình sẽ là từ 5 đến 7 điểm.

Trong đề thi này, trình độ nhận biết, thông hiểu 25 câu đầu tiên còn mức vận dụng ở 15 câu cuối. Trong đó, phần kiến thức lớp 11 có 4 câu 7, 18, 29, 37. Ngoài ra có 3 câu vận dụng liên hệ lớp 11 và 12 là các câu 30, 31, 36. Chủ yếu là các câu chương trình 12, cụ thể Lịch sử Thế giới 12 câu (30%), Lịch sử Việt Nam 28 câu (70%).

Nhìn chung, đề thi chưa bám sát đề tham khảo của Bộ GD&ĐT. Phần vận dụng thật sự khó, phân loại rõ rệt giữa xét tốt nghiệp và thi ĐH.

Nhận định về đề thi Lịch sử, Cô Bùi Mỹ Thúy (Phó hiệu trưởng trường THPT Gia Định, TP.HCM) cho biết, đề thi năm nay dàn đều trong chương trình các em đã học nhưng khó hơn so với năm trước. Để làm được, các em không chỉ học bài đầy đủ, hiểu kỹ đề mà còn phải biết vận dụng sự hiểu biết đó mới chọn được đáp án đúng. Cụ thể là 8 câu cuối đòi hỏi vận dụng cao khi có nội dung so sánh sự khác biệt trong các vấn đề lịch sử. Còn những câu đầu, các em chỉ cần học bài, thêm chút hiểu biết thực tiễn là có thể làm được.

“Phổ điểm Lịch sử năm nay sẽ chủ yếu là 4-5 điểm hoặc thậm chí thấp hơn, còn trên 5 điểm sẽ ít dần và 8 điểm trở lên càng rất hiếm. Chứng tỏ, đề này đủ tầm để phân hóa TS và dùng để xét tuyển ĐH tốt” – cô Thúy nói.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên trường THPT Lê Qúy Đôn, quận 3 cho rằng, đề lịch sử gồm 40 câu. Đề thi tập trung trong chương trình lịch sử 12. Nội dung lớp 11 chiếm 1 điểm. Sử thế giới 3 điểm chiếm 30% tổng điểm. Số lượng câu mang tính chất thông hiểu nhận biết chiếm đa số, đủ cho thí sinh đạt trung bình. Các câu hỏi phân loại có hình thức đa dạng như nhận xét các đánh giá, tìm điểm tương đồng, so sánh các sự kiện lịch sử đòi hỏi thí sinh phải có kĩ năng phân tích, so sánh, tổng hợp cao.

Đề Địa lý dễ lấy điểm trung bình

Đối với môn Địa lý, cô Nguyễn Thị Huyền, giáo viên trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Gò Vấp chia sẻ, đánh giá một cách tổng quan đề không quá khó. Nội dung đề thi trải đều khắp nội dung chương trình của sách giáo khoa lớp 12, trong đó phần nội dung các vùng kinh tế chiếm tỉ lệ khá nhiều.

Phần kiến thức lớp 11 khá ít, chủ yếu lấy bảng số liệu, trong khi đó phương pháp làm vẫn là kiến thức của 12 như cho bảng số liệu về dân cư, diện tích của các nước Đông Nam Á nhưng mà cách tính của lớp 12, cho nên độ khó không cao.

Cô Huyền cho hay, với đề Địa năm nay, mức độ phân hóa không nhiều cho nên để phân biệt học sinh khá, giỏi rất khó. Thí sinh sẽ dễ dàng lấy điểm 5, điểm 6 với đề này bởi có khoảng 20 câu thí sinh chỉ cần sử dụng Atlat là có thể làm được.

Tương tự, thầy Nguyễn Đức Minh, giáo viên Địa lý, trường THCS – THPT Đào Duy Anh, quận 6 cũng cho hay đề Địa năm nay nhìn chung dễ thở hơn so với năm ngoái. Có rất nhiều câu hỏi có thể sử dụng Atlat để trả lời. Vì thế điểm 6, điểm 7 có thể nhiều hơn năm ngoái.

Theo thầy Minh, trong đề có một số câu phân loại, thuộc dạng vận dụng cao, vận dụng thấp về nằm trong kiến thức lớp 12 về địa lý ngành, địa lý vùng và 1 phần nhỏ lớp 11 về khu vực Đông Nam Á. Đề có sự phân hóa giữa các chương, các bài rất đều.

Nhận xét về môn Địa lý, thầy Vũ Hải Nam (Hà Nội) cho rằng, đề thi ở mức độ cơ bản nhưng vẫn đảm bảo độ phân hóa cao, đảm bảo được việc xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH-CĐ.

Theo thầy Nam, ở đề năm nay, số câu hỏi dễ tăng lên, giảm số câu vận dụng cao và khó so với năm 2018. Nhiều câu hỏi mang tính vận dụng cao, tập trung vào vốn hiểu biết thực tế và khả năng suy luận của TS nhiều hơn. Vì vậy, thầy Nam dự đoán sẽ có nhiều điểm 8, 9 nhưng điểm 10 không nhiều.

Môn GDCD không khó đạt điểm 8, 9

Còn đối với môn GDCD, thầy Vũ Hồng Nhân, Tổ trưởng chuyên môn GDCD, trường THPT Trưng Vương, quận 1 cho hay nội dung đề chủ yếu tập trung ở kiến thức lớp 12 và số ít câu hỏi lớp 11. Nội dung câu hỏi chủ yếu nằm trog nội dung SGK. Những câu hỏi tình huống không khó nếu học sinh biết vận dụng nội dung bài học. Với đề này, học sinh dễ dàng đạt điểm trên trung bình, không khó để đạt điểm 8, 9.

Cũng theo thầy Nhân, những câu tình huống năm nay không khác lắm so với nội dung những câu tình huống năm ngoái. Nó cũng chỉ đề cập đến những vấn đề thực tiễn ngoài xã hội áp dụng với nội dung của các bài học để tạo thành câu tình huống trong bài thi. Mỗi câu tình huống là những vấn đề khác nhau liên quan đến vi phạm sư phạm hình sự, hành chính, dân sự.

So với năm trước, đề này cũng không có phân hóa, nội dung cũng trải đều kiến thức trong sách giáo khoa, ít có những vấn đề bên ngoài. Với đề thi này, thí sinh chỉ cần nắm chắc kiến thức sách giáo khoa có thể dễ dàng làm được bài.

Về đề Giáo dục công dân, cô Nguyễn Thị Hồng Châu, giáo viên trường THPT Lê Qúy Đôn, TP.HCM cho rằng, đề thi năm nay khá hay nhưng có chút khó hơn so với đề minh họa của Bộ GD&ĐT. Nội dung đề phân bố đều toàn chương trình học, trong đó có 4 câu thuộc kiến thức lớp 11. Đề có khoảng 7 câu thuộc vận dụng cao vì liên hệ thực tiễn như các tình huống luật hôn nhân gia đình, luật dân sự, lao động.... Do đó, TS phải học bài và hiểu biết mới làm tốt. Nhất là có một số câu cuối dạng tình huống nhưng có mẹo về sự thông hiểu nên chỉ những TS đọc thật kỹ đề và dành nhiều thời gian mới làm được.

“Với đề này, những em nào học bài đầy đủ sẽ nắm chắc 6-7 điểm, làng nhàng cũng được trung bình. Những em học tốt, chịu khó tìm hiểu cũng có thể đạt 9 hoặc 9,5 điểm, 10 thì rất hiếm” – cô Châu nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm