Theo đó, học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 sẽ làm bài kiểm tra từ 18-4 đến 11-5.
Cụ thể như sau:
Đối với các khối lớp 6, 7, 8, 9, các phòng GD&ĐT quận, huyện ra đề và tổ chức kiểm tra chung các môn học: ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, ngoại ngữ, toán học, vật lý, hóa học và sinh học, đồng thời quy định chi tiết lịch kiểm tra cho đơn vị mình. Các môn học còn lại có thể do từng trường tự tổ chức kiểm tra.
Đối với các khối lớp 10, 11, 12 các trường THPT sẽ ra đề và tổ chức kiểm tra chung cho các môn học ở các khối lớp: ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân, ngoại ngữ, toán học, vật lý, hóa học, sinh học. Các môn học còn lại có thể tổ chức kiểm tra tại lớp.
Khung thời gian kiểm tra từ ngày 18-4 đến 11-5, nhưng Sở GD&ĐT lưu ý các đơn vị không nên xếp lịch kiểm tra kéo dài quá 2 tuần.
Riêng đối với lớp 12, đề kiểm tra môn ngữ văn sẽ theo hình thức tự luận chung cho toàn trường. Môn tiếng Anh: đề ra theo hai hình thức trắc nghiệm khách quan bốn lựa chọn và tự luận, trong đó phần trắc nghiệm khách quan gồm 40 câu, phần tự luận gồm 10 câu (5 câu dạng thức từ, 5 câu viết lại câu).
Các môn kiểm tra chung còn lại của trường: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân cũng kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận.
Sở GD&ĐT cũng lưu ý các đơn vị khi biên soạn đề kiểm tra phải bảo đảm tính chính xác, câu hỏi rõ ràng. Nội dung các câu hỏi phải theo tiến độ bài dạy ở kỳ kiểm tra và sát với chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình. Chú ý tăng cường các câu hỏi vận dụng, câu hỏi liên hệ với thực tiễn cuộc sống nhưng cần tránh khiên cưỡng, gượng ép.