"Trò đánh giá thầy" ở các trường ĐH Mỹ

Đầu tiên phải khẳng định việc đánh giá này là đánh giá chất lượng lớp học (course evaluation), trong đó giáo viên là một bộ phận quan trọng của lớp; chứ không phải việc đánh giá chỉ nhằm vào giáo viên. Trong điều kiện ở VN, khi mà các giáo viên hầu như không được tự do chọn sách giáo khoa, chọn nội dung giảng dạy hay cách ra đề thi, thì việc đánh giá này càng nên được hiểu là đánh giá chất lượng lớp học.

Đánh giá giáo viên như thế nào?

Việc đánh giá thường diễn ra ở cuối học kỳ; có thể trước hoặc sau kỳ thi hết học kỳ. Vấn đề quan tâm nhất ở đây là phải đảm bảo việc đánh giá và kết quả thi học kỳ độc lập với nhau; tức là SV phải không sợ bị giáo viên "trù” ở bài thi học kỳ; và giáo viên cũng không thể dùng bài thi học kỳ làm áp lực với bảng đánh giá của sv. Kết quả đánh giá chỉ được công bố cho giáo viên sau khi giáo viên đã lên xong điểm cho học kỳ đó.

Về hình thức, hầu hết các bảng đánh giá giáo viên này đều được làm thành mẫu chuẩn để sv dễ dàng chọn, sau đó các bảng này được đọc, tính điểm bằng máy. Bảng đánh giá thường chỉ hai trang, in cả hai mặt; mặt trước là các câu hỏi có lựa chọn sẵn về lớp học, mặt sau sv có thể viết ý kiến riêng. Cũng có giáo viên sẽ phát thêm một tờ giấy trắng để sv viết những góp ý dài cho mình. Trên bảng đánh giá không có thông tin cá nhân của sv.

Về nội dung, mỗi trường đại học khác nhau sẽ xây dựng bảng đánh giá khác nhau. Thậm chí trong một trường lớn có thể có nhiều loại bảng khác nhau dùng cho các hình thức lớp học khác nhau tùy vào đặc điểm ngành học.

Nhìn chung với hình thức lớp học giảng đường nhỏ và lớp học vừa (20-75 người), trong đó giáo viên giảng bài, SV ghi chép và có một phần thời gian dành cho thảo luận (giống như đa số các lớp học ở VN) thì các bảng đánh giá sẽ tập trung vào ba vấn đề: (1) nhận xét trực tiếp về giáo viên, (2) nhận xét về lớp học/môn học, (3) các thông tin có tính thống kê khác.

Hầu hết câu hỏi được đưa ra ở dạng khẳng định và sv sẽ đồng ý hoặc không đồng ý với khẳng định đó bằng cách chọn theo thang điểm từ 0 tới 5 (0 là không biết, 1 là hoàn toàn không đồng ý và 5 là hoàn toàn đồng ý).

Sau khi có kết quả đánh giá

Khoảng vài tuần sau khi học kỳ kết thúc, điểm đánh giá sẽ được công bố công khai. Tại ĐH Chicago, ngay trong sảnh của khoa tôi có một ngăn kéo riêng để thông tin này. Sv có thể công khai tới xem. Ví dụ: như giáo sư X, dạy môn A trong các học kỳ trước có điểm đánh giá là 4,5/5; 4,3/5...

Các bảng đánh giá gốc (có chữ viết góp ý của sv) sẽ được trả cho các giáo viên sau khi giáo viên đã nộp xong điểm thi học kỳ đó. Như vậy, ngoài những con số đánh giá chung (như 4,5) giáo viên có thể đọc các ý kiến SV góp ý cho mình và cho lớp học.

Điều gì sẽ xảy ra với một giáo viên bị đánh giá thấp? Trước hết là lớp học tới của giáo viên đó sẽ có ít sv đăng ký học. Nếu số sv đăng ký quá ít (ví dụ dưới ba người) thì lớp học có thể bị giải tán. Thường thì giáo viên không đạt chất lượng sẽ không được ký tiếp hợp đồng giảng dạy khi đến kỳ sát hạch.

Nếu giáo viên và sv có bất đồng đặc biệt đưa đến kết quả đánh giá không thỏa đáng thì giáo viên có thể có ý kiến với trường.

Liệt kê lợi ích của việc đánh giá giáo viên thì nhiều. Tôi chỉ muốn nói hai điều.

Thứ nhất, việc đánh giá này tạo một diễn đàn công khai có tác dụng minh bạch hóa việc giảng dạy. Đây sẽ là một hình thức chế tài không chính thức để khen thưởng người có tài, có tâm và phê bình người làm việc tồi.

Thứ hai (và điều này liên lạc trực tiếp với ý trên), tôi cho rằng điều quan trọng nhất mà một nhà trường có thể làm cho thế hệ trẻ không phải là dạy học kiến thức mà là khơi gợi một thái độ đúng đắn đối với kiến thức. Khi có một thái độ đúng thì học sinh sẽ tự học và tự phát triển vượt bậc; các thầy cô chỉ cần là người gợi ý chứ không phải là người áp đặt.

Nhận xét về giáo viên:

- Nhìn chung, bạn đánh giá giáo viên (GV) của lớp này như thế nào so với những GV mà bạn từng học? (có thể cho trên thang điểm từ 1 đến 5 hoặc 1 đến 10).

- GV có chuẩn bị bài kỹ hay không?

- GV có sự hiểu biết sâu rộng với vấn đề mình giảng dạy hay không? Cả về lý thuyết lẫn kiến thức thực tế?

- GV giao các bài đọc và bài tập có hợp lý không?

- GV trả lời các câu hỏi trên lớp có triệt để và thỏa đáng hay không?

- GV giảng bài có rõ ràng và hấp dẫn không?

- GV chấm bài có công bằng không?

- GV có khuyến khích việc trao đổi ý kiến trên lớp, việc suy nghĩ độc lập và việc tìm hiểu môn học hay không?

- GV có dễ tiếp cận và sẵn sàng giúp đỡ SV trong và ngoài giờ lên lớp hay không?

- Điểm mạnh trong cách giảng dạy của GV là gì?

- Điểm yếu trong cách giảng dạy của GV là gì?

- Bạn có giới thiệu các SV khác học GV này không?

Nhận xét về lớp học/môn học:

- Nhìn chung, bạn đánh giá chất lượng và lợi ích của lớp học này như thế nào so với những lớp học mà bạn từng học?

- Bạn đánh giá thế nào về sách giáo khoa, số lượng tiết, phân bố nội dung giảng dạy, độ khó và công bằng của bài kiểm tra...? (với mỗi nội dung này, sẽ có thêm câu hỏi nhỏ).

- Bạn học thêm được gì nhiều nhất từ lớp học này?

- Kiến thức của lớp học này giúp ích trực tiếp cho công việc/hiểu biết của bạn như thế nào?

- Khối lượng kiến thức mà lớp học này cung cấp trong một học kỳ là vừa đủ, thiếu, thừa, quá nặng hay quá nhẹ (tức là thời gian một học kỳ có đủ để dạy môn này hay nên tăng thành hai học kỳ)?

- Theo bạn, lớp học cần thay đổi như thế nào để có chất lượng tốt hơn?

(Theo TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm