Trường ĐH chỉ như trường THPT?

Bài học của nhiều trường ngoài công lập là: Dành 5-10 năm để xây dựng một cơ ngơi đầy đủ phòng học, phòng thí nghiệm, trang thiết bị dạy học và cả KTX... là một điều rất khó, nhưng vẫn có thể làm được. Bằng chứng là những trường ngoài công lập có tuổi đời sau 10 năm hiện nay đã bắt đầu có được cơ ngơi "cho ra dáng trường ĐH". Nhưng cũng với 5- 10 năm đó, để xây dựng một đội ngũ giáo viên (GV) tốt, có thể gánh vác được trách nhiệm đào tạo nhân lực ở bậc học cao là việc không phải trường nào cũng làm được.

Ông Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng - đã từng tự hào vì trường đã làm được một việc khó mà không phải trường ngoài công lập nào trong khoảng 5 năm đầu tiên có thể làm được là xin đất, kêu gọi đầu tư xây trường, xây "khách sạn sinh viên"... Nhưng về vấn đề con người thì ông lại rất thận trọng: Chủ yếu vẫn trông đợi vào đội ngũ GV thỉnh giảng. Mặt khác phải gửi người đi đào tạo để tạo nguồn GV sau này. Để có được một đội ngũ GV của mình, nếu nỗ lực ngay từ buổi đầu lập trường cũng phải mất nhiều năm...".

Nhiều trường ĐH ngoài công lập thành lập cuối những năm 1990 đều phải vận dụng cách "lấy GV thỉnh giảng bù đắp cho khoảng trống về đội ngũ GV". Cũng trong thời gian ấy, lãnh đạo nhiều trường ĐH công lập đau đầu vì tình trạng GV của trường, trong đó có những GV đầu ngành lao vào dạy cho trường ngoài công lập. Thay vào việc đầu tư đổi mới cách dạy học, nghiên cứu khoa học, GV nhiều trường trở thành "thợ giảng". Tình trạng này đến nay chưa cải thiện là bao thì lại bắt đầu có hàng loạt trường ĐH mới ra đời tiếp tục phương châm "trông cậy vào GV thỉnh giảng".

Trong số 25 trường ĐH mới thành lập có trường hiện nay chưa hề có một GV nào là GS, PGS hay có trình độ TS. Ví dụ như ĐH Hoa Lư (Ninh Bình) hay ĐH Trà Vinh. Một số trường khác trong báo cáo với Vụ ĐH&SĐH, Bộ GDĐT cũng chỉ có 1-2 GV là TS, không có GS, PGS, như ĐH Bạc Liêu, ĐH Phú Yên, ĐH Hoa Sen, ĐHSP Kỹ thuật Vinh... Theo bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ ĐH&SĐH - thì có một vài trường gửi con số báo cáo số GV là GS, PGS và TS, nhưng thực tế không có như thế. Khi kiểm tra lại thì các trường giải thích "đó là con số trường đang phấn đấu!".

Đội ngũ GV có thể coi là yếu tố quan trọng số 1 để tạo nên chất lượng đào tạo ở trường ĐH. Nhưng nhìn vào các trường mới thì thấy trình độ GV đang là bất cập rõ nhất.

Tình trạng trường "ĐH giống trường THPT" là phổ biến, nhất là khi có hàng loạt trường mới được thành lập. Nhiều trường ĐH mới hiện nay chưa có các phòng thí nghiệm chuyên ngành. SV chủ yếu học chay, chưa có giáo trình, tài liệu tham khảo, trang thiết bị hỗ trợ dạy học...Lịch học thay đổi do lệ thuộc vào GV thỉnh giảng...

Với những trường ĐH kiểu này, không thu hút được SV là đương nhiên. Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ vừa qua, nhiều trường ĐH, trong đó chủ yếu là các trường ĐH ngoài công lập và ĐH công lập mới thành lập đã phải có công văn xin Bộ GDĐT cho hạ điểm sàn.

Một bất cập nữa tồn tại từ nhiều năm là nhiều trường ĐH mới cố gắng tìm cách tuyển đủ chỉ tiêu, kể cả việc chấp nhận chất lượng thấp. Mặc dù năm nay, Bộ GDĐT đã đổi mới việc giao chỉ tiêu, nhưng việc này chưa được thực hiện quyết liệt. Nhìn từ điều kiện hoạt động của những trường mới mở, chỉ tiêu được giao năm nay vẫn là "quá sức".

Với áp lực thực hiện mục tiêu đạt 200 SV/vạn dân vào năm 2010 và 450 SV/vạn dân vào năm 2020, sẽ còn có nhiều trường ĐH mới được mở. Nhưng rõ ràng quy trình mở trường ĐH và cho phép trường hoạt động đang cần xem xét lại. Nhất là khi ở VN, việc kiểm định chất lượng đào tạo ĐH chưa được làm tốt.

<EM>(Theo VietNamNet)</EM>

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm