Từ vụ bà Lê Thị Hiền: 'Thiếu giáo dục’ theo đúng nghĩa đen

Clip thứ hai là một nữ hành khách (được xác nhận là nữ đại úy CSGT) đại náo sân bay, hung hăng chửi bậy cũng trước mặt con gái. Thật thương cho bọn trẻ.

Trong những lời mắng của cộng đồng mạng ném về phía họ cũng có khá nhiều từ ngữ bạo lực và miệt thị. Bạo lực nhận lại bạo lực, điều đó thật đáng sợ. Tôi chỉ chọn ra cụm từ mà tôi nghĩ là đúng bản chất nhất hiểu theo nghĩa đen: “thiếu giáo dục”. Mong các bạn hiểu rằng tôi dùng từ này không với ý nghĩa miệt thị.

Thiếu giáo dục, theo đúng nghĩa đen, nghĩa là họ đã không được giáo dục về cách kiểm soát cơn giận, không được giáo dục về cách xử sự đúng đắn, tử tế khi có mâu thuẫn với người khác. Chắc rằng họ đã không được dạy hoặc chỉ được dạy một cách qua loa.

Trả lời một tờ báo ngày 23-8, nữ đại úy vẫn cho rằng chị bị MXH chỉ trích oan ức, bởi trước đó nhân viên hãng hàng không đã cư xử bất công, xúc phạm, thiếu hiểu biết đối với chị.

Tôi cho rằng rất có thể câu chuyện đã bắt đầu bằng sự thiếu cảm thông của nhân viên hàng không. Nhưng rất tiếc nữ đại úy đó, sau một thời gian đủ để suy nghĩ kỹ, vẫn đổ tại người khác khiến chị giận dữ như thế. Chị không nhận ra rằng chị đã sử dụng lời lẽ bạo lực, lệch chuẩn, là do nội tâm chị chọn bạo lực, là do chị đã không muốn kiểm soát cơn giận của mình.

Nhưng tôi rất chắc chắn rằng rất nhiều người lớn, đã làm phụ huynh, đã làm các công việc có tính công vụ, vẫn không học được kỹ năng kiểm soát và xử lý cơn giận, kỹ năng lựa chọn giải pháp tử tế và từ chối bạo lực. Nguyên nhân sâu xa nhất là họ “thiếu giáo dục” theo đúng hiện trạng thực tế nghĩa đen. Lứa tuổi 8x chúng tôi đã được học rất nhiều kiến thức về văn, sử, địa, toán, lý, hóa, Anh văn... nhưng rồi nghe chưa từng được thầy cô dạy cho cách xử lý mâu thuẫn hay ứng xử khi bị người khác xúc phạm, tôi cũng từng cảm thấy mình bị “thiếu hụt giáo dục”.

Nhiều bạn bè tôi là nạn nhân của bạo hành gia đình. Các bạn bị rối nhiễu tâm lý vì thấy cha mẹ đánh chửi nhau hoặc cha mẹ nổi giận cũng lôi con cái ra đánh vô cớ.

Với những đứa trẻ phải trải nghiệm sự mất kiểm soát của người lớn, chứng kiến hành động bạo lực của người lớn, làm sao chúng học được kỹ năng xử sự đúng đắn khi gặp mâu thuẫn hoặc chuyện không như ý?

Theo số liệu của ngành chức năng, hơn nửa số trẻ em Việt Nam được phỏng vấn đã cho biết các em từng bị bạo hành. Môi trường xã hội xung quanh trẻ cũng đầy bạo lực. Hàng xóm xích mích: cự cãi, đánh lộn. Nhiều nơi người dân bắt được kẻ trộm: đánh hội đồng, thậm chí đánh tử vong. Thậm chí nhiều người lớn còn chủ động dạy con trẻ: hiền quá bị bắt nạt đấy, hiền quá bị thua thiệt đấy. Trên MXH, nhiều Facebooker nổi tiếng chọn lối viết ác ý nhưng được không ít người yêu thích...

Với môi trường phổ biến bạo lực như thế, trẻ sẽ nhanh chóng chấp nhận và lựa chọn bạo lực để xử lý những mâu thuẫn. Các em không được giúp chỉ ra giải pháp khác.

Cần dạy bọn trẻ biết rằng mỗi lời nói ác ý thốt ra trong lúc giận dữ, nó sẽ là nguyên liệu cho lần giận dữ sau đó khủng khiếp hơn. Nếu tự bào chữa cho hành vi bạo lực, con người sẽ ngả về phía bản năng độc ác mà họ không nhận ra.

Những người lớn thân mến, những phụ huynh thân mến, có thể chúng ta thiệt thòi vì đã nhận được nền tảng giáo dục thiếu khuyết kỹ năng và giá trị nhưng cũng vì vậy mà chúng ta càng phải nhanh chóng tự giáo dục lại bản thân, tìm mọi cách để từ bỏ dần những suy nghĩ, lời nói, hành động gây tổn thương. Nếu không thì một lúc nào đó chính các bạn hoặc con em các bạn sẽ trở thành một con quái vật đáng sợ trong cơn cuồng nộ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm