Hàng nghìn người dầm mưa, chạy xe máy xuyên đêm trong hành trình hồi hương

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hơn 2 ngày qua, hàng ngàn người dân làm việc ở các tỉnh phía Nam tiếp tục chạy xe máy vượt hàng trăm cây số để về quê. Thời tiết thay đổi thất thường, mưa gió liên tục nhưng nhiều người vẫn liều mình đi đường đèo, chạy xe máy xuyên đêm để kịp về quê nhà.

Ghi nhận vào rạng sáng 5-10, tại đỉnh đèo Hải Vân (TP Đà Nẵng), rất đông người dân ngồi chờ để được lực lượng công an tỉnh Thừa Thiên Huế dẫn đoàn, tiếp tục hành trình về quê.

Trong 2 ngày qua, tại bãi đất trống trên đỉnh Hải Vân, rất đông người dân tập trung để chờ lực lượng công an tỉnh Thừa Thiên Huế dẫn đoàn. Ảnh: Vương Trần.  

Có mặt tại đỉnh đèo là những tình nguyện viên hỗ trợ bánh mỳ, nước uống, sữa để tiếp sức cho người dân. Bên cạnh đó, người dân cũng được các tình nguyện viên sửa xe miễn phí, hỗ trợ vận chuyển tận nhà cho thai phụ, trẻ em…

Phần lớn người dân về quê là những công nhân thất nghiệp, không đủ tài chính để sống ở nơi "đất khách quê người". Ảnh: BT.

Nhiều em nhỏ cũng theo bố mẹ vượt quãng đường dài chạy xe máy về quê. Ảnh: BT. 

Chị Tú (35 tuổi, quê Quảng Bình) cùng chồng và con trai rời Bình Dương sau 3 tháng thất nghiệp. Ảnh: BT.

Bữa ăn tạm ven đường của người dân.

Chị Hoàng Thị Tú (35 tuổi, quê Quảng Bình) cùng chồng và 2 cậu con trai rời Bình Dương sau 3 tháng thất nghiệp. Suốt nhiều tháng qua, gia đình chị phải dùng tiền tiết kiệm để chi trả tiền nhà, ăn uống và sinh hoạt. Ngay sau khi tỉnh Bình Dương nới lỏng giãn cách, dù đã được quay trở lại công việc công nhân tại một nhà máy, nhưng gia đình chị vẫn quyết định trở về nhà vì chị nghĩ dịch bệnh vẫn sẽ còn diễn biến rất phức tạp.

“Bây giờ tôi về hẳn luôn, kiếm tạm một công việc ở quê nhà cho mấy đứa ăn học, thực sự thì cuộc sống bây giờ đã quá vất vả rồi”, chị Tú nói.

Trên cung đường di chuyển từ tỉnh Tây Ninh về quê Thái Bình, chị Trương Thị Nga cùng chồng với người con 10 tháng tuổi cho biết hai vợ chồng vào Tây Ninh bán cháo từ năm 2015 nhưng dịch bệnh xảy ra nên mọi công việc đều phải dừng lại.

“Cuộc sống quá khó khăn, có cơ hội thì chúng tôi phải chạy về quê thôi, chứ ngồi đợi đến khi nào mới được về. Biết là chạy xe máy một quãng đường dài rất nguy hiểm, nhưng vẫn phải bấm bụng về nhà nương tựa ông bà nội, tiền mua sữa cho đứa nhỏ cũng cạn rồi”, người phụ nữ nói.

Anh Đặng Ngọc Tiến, đội trưởng nhóm SOS Đà Nẵng cho biết những ngày qua, nhóm huy động tối đa 10 thành viên để có thể kịp thời sửa xe, thay nhớt giúp bà con trên hành trình hồi hương.

“Trong 2 ngày qua (ngày 4 và ngày 5-10) có khoảng hơn 7.000 người trở về quê đi qua TP Đà Nẵng. Không chỉ riêng nhóm mình, rất đông nhóm thiện nguyện trên toàn địa bàn TP đã làm việc từ 7 giờ tối đến rạng sáng hôm sau để giúp người dân. Việc sửa xe sẽ giúp mọi người có thể di chuyển an toàn hơn trong quãng đường dài sắp tới”, anh Tiến chia sẻ.

Tình nguyện viên tại TP Đà Nẵng có mặt suốt đêm để hỗ trợ sửa xe miễn phí cho người dân. Ảnh: BT.

Những phần lương thực như nước, bánh mì, sữa được chuẩn bị sẵn để tiếp sức cho công dân về quê. Ảnh: BT.

Đối với những trường hợp xe bị hư hỏng nặng, các thai phụ sẽ được đoàn xe bán tải của tình nguyện viên hỗ trợ đưa về tận nhà. Ảnh: BT. 

Còn đối với anh Trần Hoàng Vương , thành viên CLB xe bán tải Đà Nẵng, vô cùng xót xa khi thấy người dân về quê ai cũng tiều tụy, đặc biệt là những cháu bé chỉ mới vài tháng tuổi mà phải di chuyển một chặng đường dài về quê như vậy.

“Lượng người đông, nhưng tình nguyện viên thì ít, có gia đình phải di chuyển tận TP.HCM về tỉnh Hà Giang, tỉnh Cao Bằng bằng xe máy thì thực sự là quá sức với họ, hi vọng chính quyền địa phương có chính sách bố trí xe đưa người dân về quê, chứ thế này thì khổ quá”, anh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm