Hiểm họa từ những chuyến xe khách đêm

"Tôi thấy cả một vùng tối mịt, ánh đèn pha cũng chỉ được vài chục mét. Vậy mà khi trờ tới, bác tài xoay nhẹ vô lăng thế là xe quẹo qua trái. Chạy qua rồi, tôi mới biết bên phải là vực sâu hun hút", anh Hoàng kể lại chuyến đi Đà Lạt gần nhất.

Thường xuyên từ TP HCM lên Đà Lạt vào những dịp cuối tuần, anh Hoàng tranh thủ thời gian nên hay chọn những chuyến xe đêm. Bình thường, anh không nghĩ tới những nguy hiểm, chỉ đến chuyến đi vừa rồi, do bỗng dưng thức giấc và ngồi ngay băng ghế phía sau tài xế, anh mới cảm nhận được nỗi sợ hãi.

"Mọi người thường đi xe đêm để dễ ngủ và tiết kiệm thời gian. Nhưng thử thức một lần mới thấy sợ. Tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào", anh Hoàng nói.

Hiểm họa từ những chuyến xe khách đêm ảnh 1

Các hành khách xuống bến sau chuyến xe đêm. Ảnh minh họa: Nhật Vy.

Bến xe Miền Đông mới sáng sớm đã náo nhiệt bởi những chuyến xe ra vào. Chiếc xe khách 16 chỗ đỗ xịch xuống bến, cả chục xe ôm cạnh đó nhanh chóng quây lấy cửa. Xách chiếc túi đen cũ kĩ len lỏi qua những cánh tay lôi kéo, bà Vân (64 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) lê từng bước nặng nhọc ra một khoảng sân trống.

Mặt mũi nhăn nhó bà cho hay, mới đi thăm con trai ở Nha Trang về, cả đêm mệt mỏi vì không ngủ được. Đến khúc cua, xe không hề giảm tốc khiến nhiều hành khách ngã nháo nhào. Không khí trong xe càng ngột ngạt theo tốc độ của tài xế. “Đi ban đêm thì có nhanh thật nhưng đường sá tối thui, tài xế lại đi nhanh, tôi lo ngay ngáy, nhiều lần thót tim”, bà lắc đầu.

Cũng trong buổi sáng, Bến xe Miền Tây lại tấp nập đón nhiều lượt xe xuống bến. Vừa bước xuống, anh Tân (33 tuổi, ngụ quận Bình Tân) vẫn chưa hết lo lắng sau chuyến đi từ Cà Mau đến TP HCM. "Đường bên ngoài tối lắm, chỉ có mình tài xế là thấy rõ đường đi. Nhiều đoạn đang chạy nhanh, xe đạp thắng tạt ngang vào lề đón khách làm tôi ngã giúi giụi vào ghế trước. Cô gái bên cạnh tôi thì nôn thốc nôn tháo vì chịu không nổi", người đàn ông kể.

Khi đến địa phận tỉnh Long An, mọi người trên xe bị đánh thức bởi tiếng còi inh ỏi. "Bị chiếc xe khách khác chắn đường, tài xế tay nhấn còi, mồm liên tục chửi thề rồi tăng ga vượt qua phải để lên trước. Chiếc xe nghiêng hẳn sang một bên làm mọi người trong xe hoảng loạn tỉnh cả ngủ", anh Tân nhớ lại.

Hiểm họa từ những chuyến xe khách đêm ảnh 2

Những chiếc xe khách về đêm chạy với tốc độ rất cao. Ảnh: Nhật Vy.

Nhiều người trên xe yêu cầu tài xế đi chậm nhưng anh này chẳng thèm trả lời. “Nghĩ đến những tai nạn gần đây trên cao tốc Trung Lương tôi mới thấy giao mạng cho cánh tài xế này mà cứ như “cái chết được báo trước”, anh than thở.

Cùng tâm lý như anh Tân, nhiều người thường xuyên phải đi xe khách cũng ngán ngẩm đi vào ban đêm. Đây là thời điểm đường vắng, CSGT ít đứng chốt nên có xảy ra tai nạn cũng là chuyện thường.

Lái chiếc xe vào bãi, tài xế xe khách 16 chỗ chui vào quán nước trong bến, tranh thủ uống ly cà phê sáng sau chuyến đi suốt đêm. Khi được hỏi về thời gian xe đi ban đêm, kéo hơi thuốc dài, anh này ậm ừ: “Đi ban đêm đường vắng thì tất nhiên phải nhanh hơn ban ngày rồi. Lái xe đêm mệt hơn, lúc nào cũng phải hết 2,3 ly này”. Vừa nói tài xế vừa quơ quơ ly cà phê trên tay.

Theo anh Mừng - một tài xế có nhiều năm chạy trên tuyến miền Tây thì việc lái xe ban đêm nhanh hơn ngày là tất nhiên. Trên đường cao tốc Trung Lương, nhiều đoạn chỉ có một xe, nếu đi chậm thì rất dễ ngủ gục. Việc ít phải để ý đến bị bắn tốc độ cũng khiến các bác tài “thoải mái” đạp ga.

“Cánh tài xế chạy tuyến này thường quen mặt nhau, gặp nhau trên đường chi vài cái 'đá đèn' là có thể biết đoạn đường phía trước có chốt nào bắn tốc độ hay không”, anh này kể.

Hiểm họa từ những chuyến xe khách đêm ảnh 3

Một chiếc xe khách gặp nạn lúc rạng sáng trên xa lộ Hà Nội. Ảnh: A.N

Theo anh, nếu đi tốc độ quy định thì quãng đường từ Cà Mau đến TP HCM phải hết 11 tiếng. Tranh thủ những đoạn đường vắng, cho xe chạy nhanh thì chỉ hết khoảng 9 tiếng. Như vậy là mình đã giảm được 2 tiếng mệt mỏi ở trên xe. Ngoài ra việc chạy nhanh hơn một số xe cùng tuyến cũng giúp xe đón thêm được một số khách “mồ côi” trên đường.

"Những chỗ đông người, chúng tôi có gắng chạy chậm để không xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, đến đoạn đường trống, tài xế phải chạy nhanh lấy lại thời gian do đã cam kết trước với nhà xe", anh tài xế nói.

Trao đổi với PV, một cán bộ đội 5, Cục cảnh sát giao thông đường bộ cho biết, nhiều vụ tai nạn với thiệt hại nặng thường rơi vào những chiếc xe khách chạy đêm. Một trong những nguyên nhân chính là do cánh tài xế chạy quá tốc độ. Như trên đường cao tốc Trung Lương, tai nạn chủ yếu diễn ra từ đêm cho đến sáng. Lúc này các xe thường chạy với tốc độ cao hơn quy định cho phép, nhiều tài xế còn ngủ gật

“Mỗi ngày trên tuyến cao tốc Trung Lương, lực lượng CSGT xử lý hàng chục vụ chạy quá tốc độ. Tuy nhiên tài xế tuyến này thường trốn tránh, khi thấy bóng cảnh sát thì đi chậm, qua trạm thì lại phóng như bay”, vị này chia sẻ.

Theo Nhật Vy (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm