Hội đồng tư vấn sẽ giới thiệu con nuôi nước ngoài

“Khi người trong nước không có nhu cầu tiếp nhận, trẻ em Việt Nam mới được cho người nước ngoài nhận làm con nuôi”. Đó là nội dung tờ trình dự án Luật Con nuôi do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội vào sáng 2-11.

“Ôm” nhiều quyền, tiêu cực lớn

Hiện nay các cơ sở nuôi dưỡng vừa có thẩm quyền tiếp nhận và giới thiệu trẻ em, vừa được trực tiếp nhận các khoản hỗ trợ nhân đạo của các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Điều này dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, có thể phát sinh tiêu cực trong việc tìm trẻ em cho người tiếp nhận con nuôi. “Việc làm này đi ngược với tinh thần của các điều ước quốc tế về nuôi con nuôi là tìm mái ấm gia đình cho trẻ em” - Chính phủ khẳng định.

Hội đồng tư vấn sẽ giới thiệu con nuôi nước ngoài ảnh 1

Theo dự án luật, trẻ em làm con nuôi người nước ngoài sẽ được thực hiện thông qua một hội đồng tư vấn cấp tỉnh thành lập. Trong ảnh: Tiến sĩ Nguyễn Đức Chính, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, nay là Thứ trưởng Bộ Tư pháp, thay mặt UBND TP trao quyết định cho con nuôi cho diễn viên Angelina Jolie năm 2007.

Nhiều ý kiến cho rằng nên giao việc giới thiệu trẻ làm con nuôi cho Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan trung ương về nuôi con nuôi. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng tại địa phương nên hồ sơ giấy tờ liên quan đến nhân thân của trẻ phải do địa phương chịu trách nhiệm. Do đó, dự luật đề xuất thẩm quyền giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài sẽ được thực hiện thông qua một hội đồng tư vấn do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập.

Đồng quan điểm, tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng khi giao cho hội đồng tư vấn địa phương, Bộ Tư pháp sẽ tập trung làm tốt chức năng quản lý nhà nước thông qua hoạt động kiểm tra, thanh tra và xử lý các vi phạm. Các cơ sở nuôi dưỡng sẽ không trực tiếp tham gia giới thiệu trẻ làm con nuôi mà chỉ hỗ trợ các thủ tục cần thiết, đồng thời được tiếp nhận viện trợ từ thiện phục vụ cho việc nuôi dưỡng.

Trong nước không nhận mới cho nước ngoài

Với quan điểm tăng cường việc nuôi con nuôi trong nước, dự luật quy định các cơ sở nuôi dưỡng có trách nhiệm thông báo tìm gia đình thay thế cho trẻ em trong 30 ngày. Hết thời hạn trên, nếu không có người trong nước nhận trẻ làm con nuôi, cơ sở mới được phép lập hồ sơ gửi Sở Tư pháp thẩm tra, sau đó chuyển danh sách cho Bộ Tư pháp để thông báo trên cổng thông tin điện tử trong 30 ngày. Quá thời hạn trên mà vẫn không có người trong nước tiếp nhận, trẻ mới được giới thiệu làm con nuôi của người nước ngoài.

Liên quan đến phí và lệ phí, dự luật quy định người nhận con nuôi trong nước phải nộp lệ phí đăng ký việc nuôi con nuôi; còn người nước ngoài phải nộp thêm khoản phí giải quyết việc nuôi con nuôi. Hiện nay mức phí nhận nuôi con trong nước là 20.000 đồng, còn người nước ngoài tối đa là hai triệu đồng. Tán thành với quy định về phí và lệ phí nhưng Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc việc sử dụng cụm từ “phí giải quyết việc nuôi con nuôi”, bởi các hiệp định hợp tác quốc tế về nuôi con nuôi đều khẳng định việc nuôi con nuôi chỉ nhằm mục đích nhân đạo.

Dự luật đề xuất cấm các hành vi:

- Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục, mua bán trẻ em.

- Giả mạo giấy tờ, hồ sơ.

- Việc nuôi con nuôi xuất phát từ định kiến giới.

- Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người già yếu, cô đơn, người dân tộc ít người để vụ lợi.

- Việc nuôi con nuôi làm đảo lộn ngôi thứ trong quan hệ gia đình.

- Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục, tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa của dân tộc.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm