Sáng nay, 3-4, khi tập thể y bác sĩ, điều dưỡng Khoa truyền nhiễm, BV đa khoa Bình Thuận ra trước sảnh chia tay sáu bệnh nhân nhiễm COVID-19 xuất viện, điều dưỡng Nguyễn Thị Liên cũng có mặt.
Chị Liên (bìa phải) chia tay các bệnh nhân xuất viện.
Người phụ nữ này chỉ đứng nép một bên rồi vội quay vào bên trong. Chị Liên cho biết mình đã rơi nước mắt khi thấy bệnh nhân 37, cô TNTT đã ba lần âm tính với SARS-CoV-2, đủ điều kiện xuất viện nhưng vẫn xin ở lại Khoa truyền nhiễm đồng hành và chăm sóc cho con đến khi khỏi bệnh.
"Tình mẫu tử thiêng liêng, cao cả lắm nhưng tôi lại quá bất hiếu không về chịu tang cho mẹ khi mẹ qua đời” - chị Liên nói rồi khóc rưng rức qua điện thoại.
Đó là đêm 29-3 trong tua trực của mình, đang làm việc thì chị Liên nghe điện thoại reo. Đầu dây bên kia là em trai chị cũng là một bác sĩ gọi hỏi thăm tình hình sức khỏe, dặn chị bảo hộ cẩn thận tránh để lây lan vì đang chăm sóc cho chín bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 rồi tắt máy.
Chỉ là cuộc gọi hỏi thăm như bao cuộc gọi khác mà người em vẫn thường xuyên gọi nhưng chị Liên linh tính có chuyện gì xảy ra bởi giọng của người em trai lạc hẳn như kìm nén điều gì.
Khoảng 15 phút sau, điện thoại chị lại reo. Đầu dây bên kia là chồng chị cũng là một điều dưỡng chung bệnh viện nhưng ở Khoa ung bướu. Chồng chị sau khi động viên đã vừa khóc, vừa thông báo mẹ chị vừa qua đời.
Điều dưỡng Liên lúc được đồng nghiệp tổ chức sinh nhật.
Điện thoại rớt xuống nền nhà, cả thế giới gần như sụp đổ dù chị Liên biết sẽ có lúc đến ngày mẹ mất nhưng không ngờ lại rơi đúng thời điểm này. Chị nép ở một góc phòng rồi ôm mặt khóc nức nở.
Gần như các đồng nghiệp cả khoa đã ở bên cạnh, an ủi chị.
BS Dương Thị Lợi, Trưởng khoa Truyền nhiễm, kể: “Khi nghe tin dữ, người tôi đông cứng chỉ biết choàng tay qua vai người đồng nghiệp để an ủi. Lau nước mắt cho Liên mà cổ họng tôi đắng ngắt. Biết nói gì đây bây giờ. Tôi nuốt nước mắt, đầu óc tôi quay cuồng… Giải pháp nào tốt nhất cho Liên và cho cả cộng đồng vào sáng mai đây…”.
Nửa đêm, trong căn phòng trực im ắng nghe rõ cả tiếng nhỏ giọt của kim đồng hồ treo tường, thỉnh thoảng là tiếng nấc nghẹn của đứa con vừa mất mẹ.
Tập thể y bác sĩ vẫn ngồi đó, thỉnh thoảng có một người đến cúi xuống đặt tay lên vai người đồng nghiệp để xoa dịu. Bỗng chị Liên đứng lên gạt nước mắt, nhìn mọi người trong khoa rồi nói dứt khoát: “Mình sẽ không về chịu tang mẹ vì về sẽ gây nguy hiểm cho cả cộng đồng ở bên ngoài”.
Cả khoa lại khóc rồi đến bên người đồng nghiệp để sẻ chia nỗi đau. “Dẫu biết trước rằng Liên sẽ quyết định như vậy nhưng tôi vẫn thấy lòng mình như có ai đang cấu xé. Tôi nhắm mắt. Đây là lựa chọn không mấy dễ dàng gì cho Liên cũng như bất cứ ai đang đứng trước cảnh tử biệt này” - BS Lợi tâm sự.
Đêm đó khi mọi người đã ngủ, chị Liên len lén ra phía sau bệnh viện gần một gốc cây. Không có bàn thờ, không có nhang, chị quỳ xuống hướng về xã Hàm Mỹ (Hàm Thuận Nam) nơi mẹ chị nằm rồi lạy lấy, lạy để xin mẹ tha thứ.
Năm 1968 khi mới lên hai tuổi, cha chị Liên mất khi mẹ chị mới 36 tuổi và đang mang thai đứa em út. Một mình mẹ chị tần tảo làm đủ thứ để nuôi gần chục miệng ăn trong gia đình. Mẹ chị vừa là cha lại vừa là mẹ, ai kêu gì cũng làm, một nách vừa bế, vừa bồng, vừa ẵm con, mẹ chị đã làm việc với tất cả sức lực, hy sinh đời mình để nuôi con cái trưởng thành, ăn học đàng hoàng.
Điều dưỡng Liên luôn day dứt vì không thể về chịu tang mẹ.
“Lần đầu tôi đã được lấy mẫu xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Khi mẹ mất, bệnh viện ưu tiên lấy mẫu xét nghiệm lần nữa để tôi yên tâm về chịu tang mẹ và tiếp tục âm tính. Tuy nhiên, mỗi ngày đều tiếp xúc gần với các bệnh nhân nhiễm COVID-19, tôi không thể mạo hiểm gây hại cho cộng đồng mà buộc nuốt nước mắt chịu tiếng là đứa con bất hiếu” - chị Liên nói rồi khóc thút thít.
Nhà chị Liên cũng chẳng khá giả gì, hai vợ chồng đều là điều dưỡng. Đứa con trai đầu đang công tác ở một bệnh viện tại TPHCM. “Về chịu tang ngoại là nó đi ngay vì mùa dịch này ở đâu cũng cần nhân viên y tế” - chị Liên cho biết. Riêng con gái út cũng đang học ngành y theo Khoa chẩn đoán hình ảnh.
Hôm nay, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã tiến hành trao tặng bằng khen cho chín tập thể và 21 cá nhân trong đó có chị Liên về thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch.
Nhận bằng khen của UBND tỉnh Bình Thuận.
Chị Liên nói chị rất cám ơn khi những nỗ lực của chị và các đồng nghiệp của mình được ghi nhận nhưng mơ ước lớn nhất của chị lúc này là chữa khỏi cho các bệnh nhân còn lại để về với mẹ.
"Ước gì dịch COVID-19 sẽ sớm được khống chế, dập tắt. Lúc đó tôi sẽ về với má vì thương má lắm. Tôi sẽ mặc bộ đồ tang mà anh chị em đã để sẵn trên bàn thờ chờ tôi về và tôi sẽ ra mộ của má dập đầu xin lỗi bởi khi sắp qua đời má còn nhìn ra cửa chờ con gái về. Má ơi” - chị Liên lại khóc và xin phép cắt ngang điện thoại để vào tua trực mới…