Lý do Nhà Bè và Cần Giờ chuyển màu cam

Chiều 8-11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.

Ba quận huyện tăng cấp độ dịch           

Thông tin tại họp báo, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết UBND TP vừa công bố cấp độ dịch của 22 địa phương. Theo đó, có 13 địa phương cấp độ 1 gồm: quận 1, 4, 5, 6, 7, 8, 11, TP Thủ Đức, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và huyện Củ Chi; bảy địa phương cấp độ 2 gồm: quận 3, 10, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, huyện Hóc Môn và Bình Chánh và hai địa phương cấp độ 3 gồm: huyện Nhà Bè và Cần Giờ.

Có ba quận, huyện tăng cấp độ dịch so với tuần trước là quận 10 (cấp 1 lên cấp 2), huyện Cần Giờ (cấp 1 lên cấp 3), huyện Nhà Bè (cấp 2 lên cấp 3). Hai địa bàn giảm cấp độ dịch so với tuần trước là quận 11 và Phú Nhuận (từ cấp 2 xuống cấp 1).

Đối với cấp phường, xã, thị trấn có 197/312 địa phương cấp độ 1, 102/312 địa phương cấp độ 2 và 13/312 địa phương cấp độ 3.

Người lao động xã Lý Nhơn đi phà Dòi Lâu để đến làm việc tại Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: Nguyệt Nhi

Lý giải về nguyên nhân hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ tăng lên cấp độ 3 (vùng cam), ông Nam cho rằng vì huyện Nhà Bè có khu công nghiệp Hiệp Phước và giáp khu công nghiệp Long Hậu (tỉnh Long An). Trong đó, khu công nghiệp Long Hậu đón nhận nhiều công nhân đến làm việc và tổ chức test nhanh, phát hiện nhiều ca dương tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, do khu công nghiệp này chưa tổ chức được khu cách ly tạm thời nên cho công nhân về trở về địa phương, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch tăng lên. “Nhà Bè dù hiện đánh giá cấp độ 3 nhưng nguy cơ rất lớn khi có cụm công nghiệp” - ông Nam nói.

Đối với huyện Cần Giờ, do có một nhóm người dân ở Lý Nhơn làm việc ở khu công nghiệp Long Hậu và được phát hiện dương tính. Điều này cho thấy hai huyện Nhà Bè và Cần Giờ tăng số ca dương tính do nhóm công nhân trong khu công nghiệp.

Để kiểm soát số ca nhiễm có xu hướng tăng trở lại, ông Nam cho biết theo kế hoạch, TP.HCM sẽ tổ chức giám sát xét nghiệm kịp thời F0, không để dịch lan rộng, không để ảnh hưởng sinh hoạt người dân.

Cùng với đó, ngành y tế tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên đối với khu vực chợ, bến xe, siêu thị, cơ sở hỗ trợ xã hội; các hộ gia đình cần điều tra dịch tễ và các cơ sở sản xuất kinh doanh, giám sát định vị ngẫu nhiên người lao động theo cấp độ dịch từng nơi.

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM cho rằng nếu so sánh với tuần trước, ngày 1-11, khi TP.HCM công bố cấp độ dịch chỉ có 4 địa phương ở cấp phường, xã, thị trấn là cấp độ 3. Tuy nhiên, đến nay đã tăng lên 13 phường, xã, thị trấn ở cấp độ 3.

Khẳng định dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, ông Phạm Đức Hải khuyến cáo người dân phải thực sự cảnh giác, tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, nhất là đeo khẩu trang, khử khuẩn, thay đổi hành vi thích ứng với dịch.

Cần lập thêm trạm y tế lưu động

Để kiểm soát số ca nhiễm COVID-19 có xu hướng tăng trở lại, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết theo kế hoạch, TP.HCM sẽ tổ chức giám sát xét nghiệm kịp thời F0, không để dịch lan rộng, không để ảnh hưởng sinh hoạt của người dân.

Cùng với đó, ngành y tế tổ chức xét nghiệm ngẫu nhiên đối với khu vực chợ, bến xe, siêu thị, cơ sở hỗ trợ xã hội. Các hộ gia đình cần điều tra dịch tễ và các cơ sở sản xuất kinh doanh, giám sát định vị ngẫu nhiên người lao động theo cấp độ dịch từng nơi.

Về lập trạm y tế lưu động, ông Nam cho biết khi tình hình dịch căng thẳng, TP.HCM lập gần 550 trạm y tế lưu động với sự hỗ trợ của lực lượng quân y; phối hợp với 312 trạm y tế phường, xã đã giúp chăm sóc F0 qua điện thoại cũng như cấp phát túi thuốc A, B, C giúp người dân an tâm hơn trong công tác điều trị.

Hiện nay, mặc dù số F0 giảm nhưng ông Nam cho rằng việc duy trì trạm y tế lưu động vẫn rất cần thiết, nhất là tại các điểm nóng về dịch. “Tuần vừa rồi, Sở Y tế đã huy động 40 trạm y tế lưu động tại Hóc Môn. Đối với huyện Nhà Bè hiện đang cách ly 772 F0 và chỉ có 7 trạm y tế lưu động. Huyện cần thành lập ít nhất 15 trạm y tế lưu động để chăm sóc F0 tại nhà” – ông Nam nói và cho rẳng việc lập trạm y tế lưu động là rất quan trọng. 

Về cấp gói thuốc, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện TP đang phát cho bệnh nhân F0, gói A, B có tổng số lượng là 264.500 túi. Sở Y tế đã cấp cho trung tâm y tế, quận huyện để cấp xuống phường xã là hơn 213.000 túi. Theo ông Nam, trong thời gian tới, tùy theo tình hình dịch bệnh, ngành y tế sẽ tổ chức thêm 100.000 túi. Riêng gói thuốc C, TP.HCM đã cấp phát đến các địa phương và hiện còn 21.417 túi. “Khi có nhu cầu, TP.HCM sẽ kiến nghị Bộ Y tế cấp thêm” – ông Nam nói.

Xã Phước Kiển là vùng đỏ do nhầm số liệu
Liên quan đến xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè) bị đánh giá nhầm từ cấp độ 3 (vùng cam) thành cấp độ 4 (vùng đỏ), ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết nguyên nhân là do có sự nhầm lẫn trong tính toán (do nhầm số liệu dân số).
Cụ thể, khi đánh giá huyện Nhà Bè ở cấp độ 4 thì tính dân số trên xã là hơn 31.000 cư dân. Tuy nhiên, thực tế con số này là 60.269 dân. “Xã đã có báo cáo, chủ tịch huyện Nhà Bè sẽ thông cáo báo chí về nội dung này và sẽ xin điều chỉnh vì có sự cố nhầm số liệu” - ông Nam nói.
Người dân ở vùng dịch cấp độ 3 không bị hạn chế đi lại
Trả lời câu hỏi về việc khi một số địa bàn tăng cấp độ dịch từ cấp 2 (vùng vàng) lên cấp 3 (vùng cam) hoặc cấp 4 (vùng đỏ) thì việc di chuyển của người dân có thay đổi gì không, ông Phạm Đức Hải – Phó Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cho biết căn cứ theo Kế hoạch 3515 của UBND TP.HCM về thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, người dân ở vùng cấp độ 3 thì việc đi lại không bị hạn chế. Tuy nhiên, nhóm này phải tuân thủ điều kiện về tiêm chủng, xét nghiệm, cách ly.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm