Mây phóng xạ từ Nhật chưa đến được Việt Nam

Phóng viên VOV phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt về khả năng quan trắc ảnh hưởng phóng xạ ở Việt Nam.

Thưa ông, Việt Nam đã có hệ thống quan trắc phát hiện ảnh hưởng của phóng xạ chưa?

Mây phóng xạ từ Nhật chưa đến được Việt Nam ảnh 1

PGS.TS Nguyễn Nhị Điền

PGS.TS Nguyễn Nhị Điền: Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt có trạm quan trắc từ năm 1984, từ khi đưa lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt vào vận hành đã có ngay 2 trạm quan trắc: một trạm đặt ở Đà Lạt, một trạm đặt tại TP.HCM. Từ năm 1984 đến nay, chúng tôi chỉ phát hiện được 1 lần sự cố ở Chernobyl năm 1986. Tháng 4/1986 có sự cố ở Chernobyl thì đến tháng 6/1986, trạm quan trắc phát hiện được đám mây phóng xạ tới Việt Nam. Từ đó đến nay chưa có hiện tượng nào khác thường mà trạm chúng tôi quan trắc được.

Theo chúng tôi tính toán, nhanh nhất phải 2 ngày đám mây phóng xạ mới tới được Việt Nam (nếu có).

Vậy trạm quan trắc phóng xạ đã phát hiện được những ảnh hưởng gì tới Việt Nam hay chưa? Việc trực theo dõi được Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thực hiện ra sao, thưa ông?

Từ khi xảy ra sự cố tại Nhật Bản, chúng tôi trực thường xuyên để theo dõi. Nhưng những thông tin mà chúng tôi có được thì chưa hẳn đám mây phóng xạ đến Việt Nam còn ghi nhận được, vì có thể lượng phóng xạ quá thấp. Theo tính toán nhanh nhất là phải 2 ngày nữa mới xuất hiện với điều kiện gió mùa đông bắc từ Nhật Bản thổi liên tục xuống phía này.

Còn công tác trực trạm quan trắc thì từ năm 1984 đến nay, về nguyên tắc, chúng tôi theo dõi 24/24 giờ. Nếu không có sự cố thì mỗi tháng chúng tôi đo 1 lần, còn trực tiếp nhìn trên đồng hồ thì người trực nhìn thường xuyên để xem có khác thường gì hay không. Nếu có trường hợp khác thường thì chúng tôi đo 2 ngày một lần.

Xin cảm ơn ông.

Nguyên Nhung thực hiện (VOV)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm